Hành vi quấy rối tình dục qua nền tảng trực tuyến còn bị coi nhẹ
Sáng nay (21/6), Trung tâm Nghiên cứu Tư vấn và Đào tạo về phát triển địa phương STG và Nhóm nghiên cứu tổ chức buổi Tọa đàm chia sẻ kết quả nghiên cứ về "Quấy rối tình dục tại nơi làm việc - nhận thức, thực trạng và ứng phó", với sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skill quản lý nhằm thúc đẩy các nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới tại nơi làm việc.
Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Hương và bà Cao Thị Hồng Minh, cho biết: Qua khảo sát cho thấy, có tới 90% số người được hỏi cho rằng hành vi phổ biến được xác định là quấy rối tình dục là: "Đụng chạm về cơ thể một cách không mong muốn như ôm, hôn, quàng vai, chộp/chạm các bộ phận trên cơ thể". Tiếp đến là "cưỡng hiếp hoặc cố gắng cưỡng hiếp, hay hành hung, tấn công thân thể, tiếp xúc khiếm nhã, tấn công tình dục (82,4%)…
Đáng chú ý là hành vi tình dục qua các nền tảng trực tuyến ít bị coi là quấy rối tình dục. Gần 70% số người được hỏi không coi hành động "email hoặc tin nhắn khiêu dâm lặp đi lặp lại, hoặc không phù hợp" là quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, các bình luận, câu chuyện cười khêu gợi tình dục thường được coi là một phần gia vị vui hàng ngày, mà không coi đó là hành vi quấy rối tình dục.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, hành vi được coi là quấy rối tình dục khi người tiếp nhận "không mong muốn, không chào đón, không có sự đồng thuận và cảm thấy bị bị xúc phạm; hành vi đó tạo ra tâm lý căng thẳng khó chịu, sợ hãi và e ngại…".
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng nêu ra tình trạng "bị quấy rối tình dục thụ động", khi một người bị coi là đang bị quấy rối tình dục nếu phải chứng kiến các hành vi quấy rối tình dục với đồng nghiệp tại nơi làm việc. Trong trường hợp này, yếu tố không mong muốn có thể không nhất thiết cấu thành hành vi quấy rối tình dục nhưng yếu tố tâm lý (khó chịu, bị xúc phạm) là quan trọng và đủ để xác định quấy rối tình dục.
Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, một số phát hiện của nghiên cứu cho thấy, quấy rối tình dục có sự khác nhau ở các lĩnh vực việc làm. Cụ thể, nhân viên công đoàn và nhân viên nhà nước cho biết tỉ lệ bị quấy rối tình dục cao nhất lần lượt là 53% và 50%, còn công nhân là khoảng 7%.
Các yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ khác nhau này là do đặc điểm nghề nghiệp chuyên môn cụ thể (ngoại thành, đi công tác), môi trường làm việc thực tế, nơi làm việc hỗn hợp giới tính và tình trạng việc làm. Tình trạng quấy rối trong các cơ quan nhà nước, tổ chức có đặc thù là văn phòng, các chuyến công tác. Còn nhóm công nhân, thì nạn nhân chủ yếu bị quấy rối ở những khu vực nhà thuê, trên đường từ nhà tới chỗ làm…
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra biện pháp ứng phó của người bị quấy rối tình dục, trong đó đáng chú ý là chỉ có 20,2% số người bị quấy rối có phản ứng là "nói với người đó không được làm như vậy"; có 1,5% là nói với gia đình và bạn bè; 11% báo cho người có thẩm quyền. Còn lại phần lớn là giữ im lặng, lờ đi, không làm gì hết và tránh gặp mặt người đó.
Nguyên do việc không tố cáo hành vi quấy rối, bởi họ sợ rằng họ không có đủ sức mạnh và tự tin để đưa vấn đề ra công chúng và một trong những e ngại của họ là vấn đề có thể không được giải quyết; hoặc không muốn bị mang ra bàn tán hoặc đồn thổi trước công chúng. Những lời đàm tiếu này có thể biến nạn nhân từ một người vô tội thành một người có tội và một người gây rắc rối; thậm chí còn có tâm lý: Tố cáo không được gì, có khi còn mất nhiều hơn…
Bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, một điểm đáng lưu ý là không một ai viện dẫn đến các quy định của luật hoặc thể hiện việc họ biết các quy định của pháp luật khi thực hiện việc báo cáo hành vi quấy rối. Họ không hướng đến việc đòi hỏi công lý cho mình, mà viện dẫn các tiêu chí về mặt đạo đức và kỳ vọng vào các hành vi phù hợp tại nơi làm việc, nhằm không phá vỡ mối quan hệ hài hòa giữa đồng nghiệp hoặc lãnh đạo, giữ thể diện cho gia đình…
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, một số văn bản luật đã có quy định liên quan nhưng mới tập trung nhiều hơn vào khía cạnh pháp lý, các thuật ngữ pháp lý hơn là quan tâm và chưa giải quyết các vấn đề bất bình đẳng giới từ góc độ văn hóa, xã hội, đạo đức vốn được đóng khung trên các chuẩn mực xã hội, các định kiến giới. Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần có chương trình giáo dục về văn hóa nhằm thúc đẩy nâng cao ý thức với pháp luật; cần có quy định cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục để tránh những lời bào chữa về văn hóa, ranh giới hành vi tình dục mong muốn và không mong muốn; cũng như có cơ chế trình báo vấn đề này rõ ràng hơn nữa.
Tại buổi toạ đàm, các đại diện của Hội LHPN Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số tổ chức phi Chính phủ cùng thảo luận và cho rằng, việc để tăng hiệu quả xử lý hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc, cần khung pháp lý đầy đủ, rõ ràng hơn nữa. Hiện nay, Bộ quy tắc ứng xử tại nơi làm việc đang được hoàn thiện, tuy nhiên đây vẫn mang tính khuyến cáo và cam kết, nêu rõ trách nhiệm giữa các bên trong phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, cần xác định rõ hơn tình trạng quấy rối tình dục nơi làm việc với lao động tự do, khu vực phi chính thức, lao động yếu thế; nâng cao hơn nữa mức xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi quấy rối tình dục để tăng tính răn đe.
Cùng với đó, khuyến cáo những nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục cần quyết liệt lên tiếng tố cáo; đồng thời có sự tham gia, vào cuộc của cộng đồng, tổ chức, đoàn thể để có truyền thông mạnh mẽ, góp phần đẩy lùi vấn nạn này.