Đổi mới hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hưởng ứng Ngày Pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 9/11 và Tháng hành động vì bình đẳng giới & phòng chống bạo lực trên cơ sở giới
Điểm mới của hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật này là tổ chức trình diễn Phiên toà giả định gắn với tư vấn pháp luật trực tiếp thông qua đội ngũ Luật sự, chuyên gia có kinh nghiệm, kỹ năng trong tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái.
Mỗi hội nghị thu hút hơn 300 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện các cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của các tỉnh, huyện, xã và cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được xem phiên toà giả định về nội dung vi phạm pháp luật bạo lực gia đình, bạo hành đối với phụ nữ; đồng thời giải đáp các câu hỏi của cán bộ, hội viên, phụ nữ liên quan đến pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng, chống xâm hại trẻ em… Thông qua phiên toà giả định xét xử vụ việc về bạo hành đối với phụ nữ, tuyên án các mức hình phạt đối với bị cáo nhằm răn đe, nâng cao ý thức cho người dân kiến thức về pháp luật, đồng thời là dịp để các cấp Hội tăng cường giáo dục, nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ, trẻ em. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
Điểm mạnh nổi bật ở mô hình “Phiên tòa giả định” đó là đã “mềm hóa” những quy định của pháp luật; đưa các tình huống pháp lý về gần hơn với tâm lý của người tham dự. Thay vì phải nhớ những điều khoản, quy định một cách máy móc, khô khan thì mọi người sẽ nhớ đến hành vi vi phạm của các “bị cáo” trong buổi xét xử để từ đó tránh những vi phạm tương tự.
Thực tế triển khai các phiên tòa giả định ở 06 tỉnh/thành phố cho thấy, mô hình này là hoạt động sáng tạo, có nhiều ý nghĩa trong việc tuyên truyền pháp luật; được dư luận địa phương quan tâm, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các phiên tòa giả định còn được quay, ghi hình và biên tập với nội dung tuyên truyền đa dạng; được đăng tải trên các phương tiện truyền thông tại địa phương, qua đó đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng động; góp phần cùng các ngành, các cấp làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đối với người dân địa phương.
Trên cơ sở những kết quả đã thu được từ mô hình “Phiên tòa giả định”, thời gian tới, TW Hội LHPN Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nhân rộng mô hình này; xây dựng kế hoạch và tổ chức nhiều phiên tòa giả định gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể nhằm góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật đến nhiều đối tượng chị em hội viên, phụ nữ và người dân trong cộng đồng.