Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khóa XII tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

24/10/2022
Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Ban Chấp hành) nhiệm kỳ 2017 - 2022 được Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII bầu ngày 08 tháng 3 năm 2017 với 161 ủy viên.

Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ nhất đã bầu 31 ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch. Trong nhiệm kỳ, đã có 74 ủy viên chuyển công tác và nghỉ hưu; đã kiện toàn, bổ sung 65 ủy viên Ban Chấp hành, 07 ủy viên Đoàn Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội. Đến cuối nhiệm kỳ, có 152 ủy viên Ban Chấp hành, 25 ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch và 03 Phó Chủ tịch, cơ bản đảm bảo tính đại diện cho các tầng lớp phụ nữ, các ngành và tổ chức Hội.

Ban Chấp hành khóa XII kiểm điểm trước Đại hội việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Điều lệ và việc thực hiện quy chế làm việc trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 như sau:

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA BAN CHẤP HÀNH

1. Chủ động, kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ đạo công tác Hội và phong trào phụ nữ

Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành đã ban hành các văn bản để hướng dẫn, cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội trong các cấp Hội, trọng tâm là Kế hoạch hoạt động toàn khóa, Chương trình các hội nghị Ban Chấp hành, Kế hoạch triển khai phong trào thi đua và các cuộc vận động, Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội...

Chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh/thành phố nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch toàn khóa nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội theo hướng trao quyền chủ động cho các cấp Hội lựa chọn các nội dung ưu tiên triển khai phù hợp với đặc thù của địa phương, đơn vị. Nội dung các văn bản thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Đại hội XII, nhất là việc phát huy vai trò làm chủ của hội viên, phụ nữ và yêu cầu kết nối trong các hoạt động Hội; nhấn mạnh các giải pháp cụ thể trong triển khai thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động, 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá của nhiệm kỳ. 

Chỉ đạo quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội rất khẩn trương, nghiêm túc, linh hoạt[1] và hiệu quả, gắn học tập với xây dựng kế hoạch hành động, giúp cán bộ Hội các cấp hiểu đầy đủ và sâu sắc về Nghị quyết, vận dụng sáng tạo trong tổ chức thực hiện tại địa phương, đơn vị; chỉ đạo triển khai tuyên truyền các nội dung cơ bản của Nghị quyết đến các tầng lớp hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành đã ban hành 17 nghị quyết và 01 Chương trình hành động thực hiện 02 khâu đột phá. Đoàn Chủ tịch đã ban hành 232 kế hoạch, 46 hướng dẫn. Đặc biệt, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước của Đảng; đáp ứng yêu cầu, bối cảnh và tình hình mới, Ban Chấp hành ban hành 02 nghị quyết chuyên đề: Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 8/9/2020 về Chiến lược phát triển tổ chức Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Nghị quyết số 18/NQ-BCH ngày 08/01/2021 về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030.

Trên cơ sở chỉ đạo các cấp Hội đánh giá, sơ kết, tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Chấp hành tham mưu
để Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Từ đó ban hành Kế hoạch hành động số 306/KH-ĐCT về việc triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW.

2. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước 

- Xác định những vấn đề ưu tiên để tập trung nguồn lực thực hiện bằng việc chọn chủ đề hoạt động cho từng năm[2], phát động các đợt thi đua đặc biệt “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, 90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em”, các chương trình “Phụ nữ cả nước ủng hộ triệu phần quà chia sẻ yêu thương giúp phụ nữ, trẻ em vượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, thiên tai“, “Mẹ đỡ đầu”... Các chủ trương này đã nhận được sự hưởng ứng của các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ và sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền, các ngành và của xã hội.

- Đẩy mạnh việc tạo cơ chế, điều kiện để các cấp Hội thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thông qua xây dựng và triển khai các đề án, dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 -  2027”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và Chi hội trưởng phụ nữ giai đoạn 2019-2025”. Đề xuất thành công một số mục tiêu, nhiệm vụ của công tác phụ nữ vào các Chương trình Mục tiêu quốc gia: Dự án thực hiện Bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em (Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030), Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” (Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới)...

- Tổ chức một số kỳ họp chuyên đề bàn sâu các giải pháp giải quyết các vấn đề khó trong thực tiễn công tác Hội, như: tính thực chất trong hoạt động Hội, hỗ trợ cơ sở Hội có tỷ lệ thu hút hội viên dưới 50%, tập hợp phụ nữ ở một số đối tượng, địa bàn đặc thù (phụ nữ trong khu chung cư, khu nhà trọ, phụ nữ đi làm ăn xa, linh hoạt các hình thức sinh hoạt hội viên thông qua mạng xã hội...); giải pháp kiện toàn, động viên đội ngũ chi hội trưởng...

- Đổi mới công tác phối hợp theo hướng coi trọng thực chất, tập trung giải quyết những vấn đề thiết thân của phụ nữ, đặc biệt phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án hình sự xâm hại phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ khởi nghiệp nâng cao quyền năng cho phụ nữ...

Tăng cường phối hợp với Hội Nữ trí thức Việt Nam, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, nâng cao vai trò của Mạng lưới ủy viên Ban Chấp hành các bộ, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ công tác Hội cũng như trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.

- Triển khai bài bản khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ”, góp phần nâng cao vai trò đại diện của tổ chức Hội. Ban hành nhiều tài liệu hướng dẫn[3], tổ chức chương trình tập huấn[4] nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp Hội.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, tham mưu đề xuất chính sách cũng như phản biện xã hội.

Điểm mới trong nhiệm kỳ này là, Ban Chấp hành đã bám sát Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội hàng năm để xây dựng kế hoạch góp ý, phản biện xã hội. Chủ trì tổ chức các hội nghị phản biện xã hội, lấy ý kiến của các nhà khoa học về các vấn đề phụ nữ gia đình trẻ em, bình đẳng giới… Nhiều nội dung phản biện xã hội từ tổ chức Hội đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu[5], nhiều văn bản pháp luật, chương trình phát triển kinh tế - xã hội đã được lồng ghép giới, tạo điều kiện tốt để phụ nữ tham gia các chương trình phát triển địa phương, đất nước.

 Quán triệt nguyên tắc không có vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em mà cấp Hội phụ nữ không lên tiếng” đến tất cả các cấp Hội. Chỉ đạo các tỉnh xây dựng mô hình giám sát tại cộng đồng; chú trọng theo dõi, kiến nghị, đồng hành với phụ nữ, trẻ em là nạn nhân trong các vụ xâm hại, bạo hành. Ở Trung ương, chỉ đạo thành lập “Tổ công tác tham gia giải quyết các vụ việc, điểm nóng liên quan đến phụ nữ, trẻ em” và “Tổ tư vấn pháp luật và tâm lý hỗ trợ Hội trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái”.

Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa phụ nữ với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Qua đó phát huy vai trò của phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, đồng thời giải quyết kịp thời những vấn đề phụ nữ quan tâm.  

3. Công tác chỉ đạo Đại hội Phụ nữ các cấp và chuẩn bị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Chủ động tham mưu để Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 28/7/2020 về lãnh đạo Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã ban hành 04 Kế hoạch[6]; 05 Hướng dẫn[7] và nhiều văn bản[8] chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội, làm cơ sở để các cấp Hội tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền và tổ chức đại hội đảm bảo đúng tinh thần Chỉ thị 46-CT/TW; quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong tổ chức đại hội điểm toàn quốc và chỉ đạo tổ chức đại hội các tỉnh/thành phố bằng hình thức trực tuyến, thích ứng công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chủ trương này nhằm đảm bảo đúng quy định về thời gian cũng như các yêu cầu về mục đích và các nguyên tắc tổ chức đại hội.

Công tác chuẩn bị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được tiến hành nghiêm túc, khoa học, sát thực tiễn và đúng quy định. Dự thảo văn kiện được chỉ đạo chuẩn bị công phu, bài bản, phát huy được trí tuệ của các tầng lớp hội viên, phụ nữ, thảo luận trong nhiều kỳ họp Ban Chấp hành, thể hiện tinh thần dân chủ, tập trung trí tuệ, tạo sự đồng thuận cao. Công tác nhân sự được triển khai thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình dân chủ, chặt chẽ, đúng quy định.

 

II. KIỂM ĐIỂM VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ LÀM VIỆC

-  Ban Chấp hành đã ban hành và thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc và các quy chế, quy định liên quan; một mặt bám sát Kế hoạch, Chương trình hoạt động toàn khóa, mặt khác kịp thời điều chỉnh, bổ sung thích ứng thực tiễn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Chủ động, thống nhất, kịp thời trong chỉ đạo và giải quyết những vấn đề phát sinh.

Duy trì nghiêm chế độ họp định kỳ và linh hoạt tổ chức các kỳ họp đột xuất đáp ứng yêu cầu chỉ đạo. Trong nhiệm kỳ đã tổ chức 8 kỳ họp theo Chương trình và 05 kỳ họp đột xuất. Ngoài việc đảm bảo nội dung theo Chương trình, Kế hoạch, còn giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong thực tiễn và cung cấp thông tin liên quan đến những vấn đề đang được dư luận, cán bộ, hội viên, phụ nữ quan tâm, qua đó giúp các ủy viên Ban Chấp hành phát huy vai trò chỉ đạo công tác tuyên truyền và định hướng dư luận xã hội. Đây cũng là cách làm mới trong các kỳ họp của nhiệm kỳ.

Ban Chấp hành đã thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; luôn bám sát sự lãnh đạo, định hướng của Ban Bí thư, Bộ Chính trị; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo trong nội bộ và với Ban Bí thư, Bộ Chính trị.

Công tác kiện toàn Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, các chức danh chủ chốt của Hội được thực hiện nghiêm túc, dân chủ theo đúng quy trình, quy định. Trong nhiệm kỳ, có nhiều thay đổi về nhân sự, kể cả nhân sự chủ chốt, song vẫn đảm bảo sự liên tục, tính kế thừa và tinh thần đổi mới trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành.

Tập thể Ban Chấp hành đoàn kết, thống nhất, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Các ủy viên chấp hành nghiêm Điều lệ Hội LHPN Việt Nam, Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành và các nhiệm vụ được phân công. Trên từng lĩnh vực, công việc và vị trí chức danh cụ thể các ủy viên đã đóng góp nhiều ý kiến về chủ trương công tác của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, chủ động tham mưu công tác phối hợp giữa tổ chức Hội với các ngành, lĩnh vực. 

- Không ngừng đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, theo hướng nâng cao tính kế hoạch trong điều hành đồng thời linh hoạt thích ứng với tình hình để giải quyết hiệu quả các vấn đề trong thực tiễn; những chủ trương lớn, mới và khó được giao cho Đoàn Chủ tịch nghiên cứu, tổ chức thí điểm, rút kinh nghiệm. Phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội” được Ban Chấp hành triệt để thực hiện theo hướng lấy nhu cầu thiết thân của phụ nữ và nhiệm vụ của địa phương, lĩnh vực là căn cứ để xác định nội dung, hình thức hoạt động; rõ trọng tâm ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện, không dàn trải, đề cao tính chủ động, sáng tạo của địa phương và vai trò chủ thể của phụ nữ.

Có một số giải pháp mới nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm, thế mạnh của mỗi Ủy viên Ban Chấp hành, như: thành lập Mạng lưới lãnh đạo nữ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khối cơ quan Trung ương; triển khai đánh giá ủy viên Ban Chấp hành khối địa phương...

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ban Chấp hành. Tăng cường tổ chức các hoạt động và kỳ họp trực tuyến của Ban Chấp hành, Thường trực Đoàn Chủ tịch, Cụm thi đua, các cuộc làm việc, duyệt Đại hội tỉnh, thành Hội...; tăng cường chế độ thông tin báo cáo qua phần mềm văn phòng V-office trong các hoạt động của Ban Chấp hành và cơ quan chuyên trách các cấp.

Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện theo hướng phối hợp nhiều hình thức: kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra thường xuyên, trong đó đã tập trung kiểm tra hoạt động quản lý các nguồn quỹ của tỉnh, thành Hội. Qua đó, phát hiện điển hình, mô hình mới, những cách làm hay; đồng thời phê bình, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những hạn chế, yếu kém trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

 

III. KIỂM ĐIỂM VIỆC RÈN LUYỆN PHẨM CHẤT CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG

Đội ngũ ủy viên Ban Chấp hành có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện: “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tuyệt đối tin tưởng, trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng.

Từng ủy viên Ban Chấp hành thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, tiên phong, gương mẫu trong chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ công tác Hội; thực hiện nghiêm túc việc kiểm điểm phê bình, tự phê bình và nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, thực hiện đúng Quy chế làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

Tuyệt đại đa số ủy viên Ban Chấp hành luôn giữ gìn và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước, lối sống chuẩn mực, giản dị, nhân ái, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, phong cách gần dân, sâu sát cơ sở; năng động, sáng tạo, tận tụy và trách nhiệm, được nhân dân và phụ nữ tin cậy.

 

IV. HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế, khuyết điểm

- Việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước trong một số lĩnh vực, đối tượng phụ nữ còn chậm như: an toàn cho phụ nữ, trẻ em trong không gian mạng, an sinh của lao động nữ khu vực phi chính thức, phát huy vai trò nữ văn nghệ sĩ, nữ trí thức, nữ lãnh đạo quản lý...

- Công tác chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ thiếu linh hoạt và quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra như: công tác thi đua khen thưởng, triển khai đề án 938, công tác tuyên truyền, định hướng dư luận và nắm bắt tình hình phụ nữ, công tác giám sát, phản biện xã hội và đề xuất chính sách...  

- Việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; việc lãnh đạo, chỉ đạo theo dõi, bám sát kết quả thực hiện các kiến nghị, vấn đề cần rút kinh nghiệm sau kiểm tra chưa được thực hiện triệt để; lúng túng trong quá trình giải quyết một số vụ đơn thư, xử lý kỷ luật cán bộ chủ chốt; chưa thực hiện nghiêm công tác đánh giá việc chấp hành Quy chế làm việc đối với ủy viên Ban Chấp hành; Mới chỉ thí điểm tự đánh giá bằng văn bản đối với ủy viên Ban Chấp hành chuyên trách khối tỉnh/thành phố.

- Tính dự báo trong xây dựng kế hoạch chưa cao. Vẫn còn tình trạng ban hành chậm, ban hành nhiều văn bản gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện.

- Tập thể và từng cá nhân ủy viên Ban Chấp hành có trách nhiệm đối với một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác Hội, trong đó có những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra từ nhiều nhiệm kỳ, như biểu hiện hình thức, thiếu hấp dẫn của Phong trào thi đua, chậm đổi mới hình thức, nội dung hoạt động để theo kịp với thực tiễn và đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ…

- Một số ít ủy viên Ban Chấp hành chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm theo Quy chế làm việc, ít tham gia các kỳ họp cũng như tham gia góp ý, xây dựng các văn bản, chủ trương của tập thể; thiếu chủ động đề xuất, kiến nghị giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc của phụ nữ tại địa phương, đơn vị; việc chuyển tải tinh thần Nghị quyết Đại hội và các kỳ họp Ban Chấp hành vào phong trào phụ nữ ở cơ quan, đơn vị, địa phương chưa kịp thời, chấp hành chế độ thông tin báo cáo không đầy đủ. Cá biệt, trong nhiệm kỳ, vẫn còn 02 ủy viên Ban Chấp hành có khuyết điểm, vi phạm tới mức phải xử lý kỷ luật ở mức độ khiển trách.

2. Nguyên nhân

2.1. Nguyên nhân khách quan

- Một số quy định, chính sách liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới (đặc biệt là công tác cán bộ nữ) còn thiếu thống nhất. Một số quy định, chính sách đã có nhưng chưa được thực hiện đầy đủ, cùng với định kiến giới trong xã hội là khó khăn nhất định cho hoạt động của Ban Chấp hành.

- Nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, như dịch bệnh Covid-19, thiên tai với hậu quả nặng nề trên diện rộng, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy biên chế cán bộ ở cơ sở…

2.2. Nguyên nhân chủ quan

- Việc đổi mới tư duy, tinh thần sáng tạo, năng lực nghiên cứu, dự báo và khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em trong thực tiễn của một số ủy viên Ban Chấp hành chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Chưa có nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm phát huy trí tuệ, thế mạnh, khích lệ sự đóng góp của từng ủy viên Ban Chấp hành, đặc biệt là khối không chuyên trách.

- Một số quy định trong quy chế làm việc của Ban Chấp hành chưa phù hợp với thực tế như: chế độ họp định kỳ, quy định cụ thể hóa trách nhiệm cũng như chế độ kiểm tra, giám sát, đánh giá ủy viên Ban Chấp hành thực hiện Quy chế làm việc... 

 

V. BÀI HỌC KINH NGHIỆM

1. Việc xác định nội dung hoạt động phải bám sát Nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII và tình hình thực tiễn công tác phụ nữ; lựa chọn những vấn đề thiết thân của phụ nữ, gia đình, bình đẳng giới làm trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

2. Phương thức chỉ đạo thực hiện phải linh hoạt, chủ động, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, thích ứng với thực tiễn; những nội dung khó, mới cần quyết liệt, kiên trì, tổ chức thí điểm, kịp thời đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm. Coi trọng công tác phối hợp và việc thực hiện vai trò kết nối trong vận động xã hội thực hiện công tác phụ nữ, bình đẳng giới.

 3. Tuyệt đối tuân thủ theo Quy chế làm việc và các quy chế, quy định liên quan và đề cao tính kế hoạch trong quá trình điều hành hoạt động của Ban Chấp hành, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp Hội gắn với phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể.

4. Xây dựng tập thể Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch đoàn kết, thống nhất, thực sự tâm huyết, trách nhiệm, có khát vọng và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm; quyết liệt trong hành động.

5. Định kỳ và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ làm cơ sở để động viên khích lệ kịp thời đối với từng ủy viên Ban Chấp hành.

 

BAN CHẤP HÀNH 

TRUNG ƯƠNG HỘI LHPN VIỆT NAM KHÓA XII

 

 

 

[1] Trung ương Hội tổ chức Hội nghị trực tuyến đến 63 tỉnh/thành với 4.000 cán bộ Hội tham dự; các cấp Hội tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết cho cán bộ, hội viên, phụ nữ.

[2] Năm 2018: Phụ nữ thực hiện an toàn thực phẩm; 2019, 2020: An toàn cho phụ n và tr em; 2021: Tp trung xây dng t chc Hi vng mnh, tích cc tham gia xây dng Đảng, xây dng chính quyn.

[3] Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện Quyết định số 217- QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW; xây dựng 08 đầu tài liệu hướng dẫn về giám sát và phản biện xã hội.

[4] TW Hội tổ chức 19 lớp tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ chủ chốt Hội LHPN tỉnh/thành phố; hỗ trợ Hội LHPN các tỉnh/thành phố tập huấn cho cán bộ Hội các cấp trực tiếp làm công tác giám sát.

[5] Kiến nghị đảm bảo quyền lợi hợp pháp của lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 01/01/2018 bị thiệt thòi do cách tính mức hưởng lương hưu hàng tháng của người lao động và đã được Quốc hội tiếp thu, giao Chính phủ ban hành chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ; Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 đã được tiếp thu bổ sung đối tượng là người được trợ giúp pháp lý: trẻ em, nạn nhân bị bạo lực gia đình; Một số kiến nghị của Hội đã được tiếp thu vào trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) như: mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động đến đối tượng lao động phi chính thức, thu hẹp khoảng cách giới, phân loại nhóm lao động và giãn lộ trình phù hợp đối với tuổi nghỉ hưu, làm thêm giờ, vấn đề phòng, chống quấy ri tình dục tại nơi làm việc.

[6] Kế hoạch số 888/KH-ĐCT ngày 10/8/2020 chỉ đạo Đại hội Phụ nữ các cấp các cấp; Kế hoạch số 976/KH-ĐCT ngày 08/01/2021 về chỉ đạo đại hội điểm; Kế hoạch số 1052/KH-ĐCT; Kế hoạch số 889/KH-ĐCT ngày 10/8/2020 tập huấn chuẩn bị Đại hội.

[7] Hướng dẫn số 47/HD-ĐCT về công tác nhân sự; Hướng dẫn số 48/HD-ĐCT về xây dựng báo cáo; Hướng dẫn số 49/HD-ĐCT về công tác tuyên truyền; Hướng dẫn số 53/HD-ĐCT về tổng hợp ý kiến góp ý; Hướng dẫn số 58/HD-ĐCT về việc tổ chức đại hội trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.

[8] 01 Thông báo; 01 Quyết định và 10 công văn chỉ đạo.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video