Bạo lực gia đình: Muôn phận đời trong Ngôi nhà Ánh Dương
Chỉ tính riêng trong tháng 4/2022, đường dây nóng Ngôi nhà Ánh Dương tại Thanh Hóa tiếp nhận và tư vấn với tổng số 195 cuộc gọi, trong đó có 137 cuộc gọi liên quan đến vấn đề bạo lực giới. Tổng đài đã hỗ trợ can thiệp 21 ca, trong đó bạo hành về thể chất và tinh thần chiếm tỷ lệ 80%. Đáng chú ý, đa số các trường hợp phụ nữ kêu cứu đều xuất phát từ những người chồng say xỉn.
Cứ say là lôi vợ ra đánh
Mới đây, chị Nguyễn Thị H. ở huyện Đông Sơn bị chồng siết cổ, phải chạy ra đường cầu cứu và gọi điện đến tổng đài để được hỗ trợ. Chị kể, mỗi lần chồng nhậu say là lôi ra đánh chửi. Việc này diễn ra thường xuyên nhưng chị đã cố gắng chịu đựng. Nhiều lần đã bỏ nhà đi nhưng lại phải trở về vì nghĩ đến hai con nhỏ. Nhưng cứ trở về mức độ bạo hành của chồng càng tăng lên.
Nhận được thông tin, nhân viên công tác xã hội tại Ngôi nhà Ánh Dương đã gọi điện đến công an xã can thiệp giúp chị và các cháu thoát khỏi hành vi bạo lực của chồng. Sau đó, kết nối tới hội phụ nữ và các đoàn thể có liên quan can thiệp bố trí nơi ở an toàn cho mẹ con chị tại nhà anh trai chồng của chị. Để tạm thời tránh đòn roi của người chồng nát rượu, mẹ con chị H. đã được hướng dẫn lên Ngôi nhà Ánh Dương tạm lánh, tại đây đã bố trí vật dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và ăn uống, hỗ trợ tư vấn ổn định tâm lý, thăm khám sức khỏe ban đầu cho ba mẹ con chị.
Nơi tạm lánh của các nạn nhân bạo lực giới được trang bị đầy đủ các vật dụng thiết yếu
Qua trao đổi, nhận thấy nhu cầu hiện tại của chị là được tư vấn các thủ tục ly hôn và vấn đề dành quyền nuôi con, nhân viên công tác xã hội đã kết nối với trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh để giải đáp các thắc mắc và tư vấn pháp lý cho chị. Sau một thời gian tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương, mẹ con chị H. đã ổn định tâm lý, xin chuyển trường cho các con và tìm được nhà trọ, công việc đảm bảo.
Trầm cảm vì bị chồng say rượu bạo hành
Trường hợp hai mẹ con chị Nguyễn Thị C. ở Nông Cống cũng thường xuyên bị chồng say rượu đánh chửi. Đã thế gia đình chồng không đứng ra bảo vệ nên chị luôn cảm thấy bị coi thường, như người dư thừa trong gia đình. Chị C. kể: “Từ khi sinh con, mặc dù bé còi cọc ốm yếu nhưng tôi không nhận được sự quan tâm từ chồng và gia đình. Nhiều lúc tôi rơi vào trạng thái trầm cảm, chán nản muốn buông xuôi”.
Gần đây nhất con chị bị ốm phải nằm viện nhưng chồng không quan tâm, còn thường xuyên tụ tập bạn bè uống rượu. Chị đã viết đơn ly dị và gọi đến tổng đài nhờ tư vấn hỗ trợ. Nhận được thông tin cuộc gọi, nhân viên công tác xã hội đã tư vấn, trao đổi làm rõ vấn đề mà chị C. đang gặp phải. Đồng thời nắm bắt nhu cầu, mong muốn của chị C. được ổn định tâm lý, được tư vấn các kiến thức về y tế để chăm sóc con, trợ giúp pháp lý về thủ tục ly hôn và giành quyền nuôi con.
Mẹ con chị C. sau đó đã đến Ngôi nhà Ánh Dương để được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Nhân viên công tác xã hội đã kết nối với bệnh viện Nhi Thanh Hóa đưa con chị đến khám và lấy thuốc theo đơn của bác sỹ; đồng thời kết nối để tìm việc làm, đảm bảo thu nhập cho chị.
Say xỉn, ghen tuông mù quáng
Trường hợp chị L.T.T ở Lang Chánh đến tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương còn cực khổ hơn khi vừa phải chịu đựng đánh đập lẫn ghen tuông từ người chồng nát rượu.
Chị T. kể, năm 2017 chồng chị muốn cắm xe trả tiền hát Karaoke nhưng chị không cho, anh ta đã cầm hung khí chém vào đầu giường để đe dọa chị nhưng chị vẫn nhẫn nhịn, chịu đựng. Hằng ngày chị vào rừng kiếm lá thuốc về bán lấy tiền sinh sống. Thế nhưng người chồng vẫn không buông tha, cứ nhậu nhẹt say xỉn là chửi bới, đánh đập.
Năm 2020, anh chồng đi nhậu gây gổ với ba học sinh, bị kiện về tội cố ý gây thương tích, nhận án tù treo 18 tháng. Dính án, anh ta càng tỏ thái độ khó chịu, hằn học, bất cần, lười lao động. Khi chị T. không chịu nổi có ý định bỏ về nhà bố mẹ đẻ dịp giáp Tết năm ngoái, người chống đã dùng dao đe dọa.
Mới đây, tối ngày 12/4/2022, chị T. bán hàng online, tư vấn cho khách hàng nam về sản phẩm xương khớp nhưng chồng chị lại cho rằng vợ mình nói chuyện với trai lạ, bắt chị chị phải xin lỗi chồng và mẹ chồng, đổ tội cho chị đi ngủ với người đàn ông khác. Sau một hồi chửi bới, anh ta dọa giết chị. Ngay trong đêm chị T. đã bỏ trốn lên nhà một người quen tại thị trấn Ngọc Lặc. Ngày hôm sau, chồng chị lên bắt về, chị không chịu, anh ta đã lấy xe máy của chị về. Chị rất lo sợ bị chồng giết. Hai ngày sau, chị đã tìm đến Ngôi nhà Ánh Dương sau khi nhận được tư vấn của nhân viên công tác xã hội trực đường dây nóng.
5 ngày ở đây, chị T. đã được lánh nạn, được tư vấn, hỗ trợ pháp lý và cách phòng vệ đối với bạo lực giới. Nhân viên công tác xã hội sau đó đã kết nối, phối hợp với chính quyền và các đoàn thể đảm bảo an toàn cho chị và tư vấn tại cộng đồng cho người gây bạo lực. Cung cấp các kiến thức về Luật phòng chống bạo lực gia đình và luật bình đẳng giới.
Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022
Theo các nhân viên công tác xã hội ở Ngôi nhà Ánh Dương, trường hợp phụ nữ bị chồng say rượu bạo hành cả thể xác và tinh thần khá phổ biến trong số các trường hợp gọi đến tổng đài nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn khá nhiều trường hợp chịu đựng, không tố cáo hoặc gọi điện thoại hỗ trợ. Điều này xuất phát từ tâm lý cam chịu, nhẫn nhịn, sợ mang tiếng theo kiểu “xấu chàng hổ ai”, nhất là đối với phụ nữ vùng nông thôn, miền núi.
Ngôi nhà Ánh Dương" thuộc dự án hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhằm giảm thiểu bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Thanh Hóa, Ngôi nhà Ánh Dương vừa được khánh thành vào cuối tháng 1 vừa qua, do nguồn hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản. Đây là "Ngôi nhà Ánh Dương thứ 2" của cả nước. Hiện tỉnh Thanh Hóa đã thiết lập đường dây nóng 18001744 để hỗ trợ những nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.