Bạo lực gia đình - Tiếng ai oán nơi bản xa

11/06/2022
Hôn nhân với nhiều sơn nữ nhỏ tuổi vùng cao là những đêm trường chìm trong tấn bi kịch gia đình đẫm nước mắt. Không xuất phát từ tình yêu, hầu hết những cuộc chung chăn vội vã đều tan vỡ.
Ảnh minh họa

Cướp mất tuổi thanh xuân

Tôi đã gặp nhiều thiếu nữ tại huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), tận thấy và ám ảnh bởi những giọt nước mắt buồn thương, tủi hờn của họ. Tục cướp vợ đã đẩy nhiều cô gái chỉ mới 13-15 tuổi rơi vào bi kịch gia đình, xót xa rời ghế nhà trường về nhà người làm vợ, làm mẹ. Cuộc đời đè nặng trên vai gầy bao bất hạnh, đắng cay.

Từ TP.Vinh vượt quãng đường 250km đến thị trấn Mường Xén, thêm nửa ngày ngồi xe ôm "nín thở" băng qua những con đường bùn đá bên núi bên vực mới đến được bản Huồi Tụ. Giữa bản làng heo hút chợt có tiếng khóc phát ra từ căn nhà bên đường nghe xót xa.

“V.Y.M. đấy. Cô bé mới 15 tuổi, bị “bắt” về làm vợ gần tuần nay”- anh bạn đưa đường người bản địa giải thích. Bên ánh đèn dầu leo lét, M. hướng ánh nhìn tuyệt vọng, vô hồn về phía những cánh rừng xa. Trong đêm hoang vu, gạt những giọt nước mắt buồn thương, cô bé trải lòng.

Đang học lớp 9 M. những ước mơ học lên cấp 3, rồi vào đại học để trở thành bác sỹ trở về chữa bệnh cho bà con dân bản. Em thông minh, ham cái chữ. Mùa xuân, em hồn nhiên theo đám bạn xuống núi chơi ném còn. Người con trai L.B.C. ở bản bên hợp cùng M. thành một cặp chơi. Chơi mệt, M. muốn về nhưng C. không cho, cầm tay giữ bé lại đến tận tối.

Sau lần gặp gỡ "định mệnh", những ngày sau đó M. đi đâu là C. "hộ tống" theo sau. M. lên nương, C. bám theo. M. đến trường, C. ngồi ngoài cổng chờ đợi. Trên đường theo M. về nhà, C. cầm tay lôi tuồn tuột, bảo “về nhà C. làm vợ!”.

Ép mãi không xong, C. rủ thêm ba người bạn giúp sức cướp vợ. Một đêm mưa gió, thừa cơ M. đi xuống bếp lấy củi, C. cùng đám chiến hữu lao tới, nhét giẻ vào miệng rồi trùm bì vác M. ra xe. Mặc cô bé kêu la, C. phóng bạt mạng về nhà, nhốt M. vào buồng. Cô sơn nữ đang tuổi đến trường thế là thành vợ người ta.

Bao đêm C. lao vào, M. kiên quyết nói lời “không thể”, đó cũng là lúc những trận đòn roi trút xuống cơ thể đang độ trưởng thành của em. Bao đêm trường bên gối chăn cạnh người con trai mình không yêu, lệ đắng xót xa trong đôi mắt M. cứ thế tuôn trào.

Uất hận vì bị cướp đi thanh xuân, bao lần M. định ăn lá ngón tự tử nhưng thương mẹ cha già, em không đành. Cô bé định bỏ đi nhưng thế giới rộng lớn biết đi đâu. Em còn quá nhỏ để có thể bươn chải giữa cuộc sống này.

Thoát khỏi thực tại xót xa, trong những giấc mơ, M. vẫn thấy mình đang cùng đám bạn hồn nhiên chạy nhảy trên những sườn đồi tới lớp. Nhưng giấc mơ qua nhanh M. lại trở về với thực tế là chuỗi ngày chìm trong đau khổ, buồn thương.

Cũng từ đó, hàng đêm trong căn nhà không tình yêu, không tiếng cười, không một lời trò chuyện dân bản lại nghe tiếng cô gái nhỏ ai oán khóc than cho số phận.

Địa ngục trần gian

Khi chúng tôi đến, L.Y. L. (16 tuổi) đang ngồi tựa cửa nơi gian bếp vắng. Với bà con dân bản, giờ đây không phải tiếng gà rừng, mà là tiếng thét, tiếng khóc nỉ non của L. đã trở thành âm thanh quen thuộc giữa canh khuya.

Cả tháng nay, những cơn ác mộng đêm đêm cứ bủa vây em. Bố câm, mẹ điếc, từ nhỏ em đã phải đi làm thuê, ăn nhờ ở đậu cho một nhà giàu trong vùng. Rồi một người đàn ông 66 tuổi ở bản bên bất ngờ “để mắt” tới em.

“Thương cảm” gia cảnh cô gái nhỏ khó khăn, ông mạnh dạn đưa lễ đến hỏi cưới em... làm vợ! Hoảng sợ trước ông già hơn cả tuổi bố mình, L. bỏ trốn về nhà mẹ đẻ. “Tán tỉnh” mãi không xong, ông quyết định… cướp L về làm vợ.

Một chiều mưa lúc L. lên nương, cụ ông tức tốc phóng xe máy chở cậu con trai đuổi theo. Hoảng sợ, cô bé bỏ chạy thục mạng theo những sườn đồi rồi ngã ngất đi, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình đang ở trong gian buồng xa lạ, cạnh bên là “cụ chồng” đang ngáy như sấm.

Trong căn nhà lạnh lẽo cô “vợ” trẻ bị giam hãm suốt 3 ngày ba đêm. Hết đường thoát thân, đến nước này, L. đành buông xuôi phó mặc cho số phận. Hôm ông thầy cúng bắt con gà trống “làm vía” (cầu cho mọi sự tốt lành), cô bé ngất lên ngã xuống, vật vã khóc thương cho chính mình, mở đầu cho chuỗi ngày đen tối.

“Cụ chồng” già suốt ngày nốc rượu như nước lã, đánh đập, hành hạ em. Tâm hồn cô bé hồn nhiên, nhí nhảnh ngày nào nay đã nhanh chóng xù xì, hóa đá. Nước mắt cô gái trẻ chẳng biết từ lúc nào cũng đã cạn khô theo những đêm khóc.

Ai cứu những mảnh đời bị đánh cắp?

Ngày V.Y.B. (14 tuổi, bản Na Ny) không còn tới lớp, các thầy cô giáo dường như đã mường tượng đến sự chẳng lành. B. xinh xắn, là niềm hy vọng trong phong trào học tập của trường. Hỏi ra mới hay, cô bé đã bị “cướp” về nhà người làm vợ.

Người làng kể lại, cậu con trai bản bên đúng dịp Tết đã dẫn theo gần chục người bạn “bao vây” khu ném còn. Mặc cô sơn nữ khóc lóc kêu la, đám thanh niên vác B. lên xe, gầm rú khiến cả khu rừng náo động.

Việc học dở dang, em buộc phải làm vợ, rồi làm mẹ. Anh chồng trẻ con cũng đang tuổi ăn tuổi chơi, chẳng thiết tha gì với cuộc sống gia đình. Nửa đêm gà gáy say rượu trở về, cậu chàng dựng vợ dậy “đấm vài cái cho khuây".

Lấy nhau chưa tròn năm, hôn nhân tan vỡ. Hôm bồng đứa con mới 2 tuần tuổi về nhà mẹ đẻ, ánh mắt em thanh thản. B. chịu tiếng đã một đời chồng khiến vết nhơ trong tâm hồn không ai có thể rửa sạch.

Không xuất phát từ tình yêu, những cuộc hôn nhân kiểu “cướp” hầu hết đều rơi vào bi kịch. Gượng ép, tuổi trẻ non nớt, chưa sẵn sàng bước vào cuộc sống gia đình, tất cả những cuộc chung chăn vội vã đều tan vỡ.

Một giáo viên tại xã Huồi Tụ nói, trong vòng mấy năm trở lại đây, các thầy cô có thể kể ra cả chục vụ bắt vợ. “Nhiều em thương lắm. Đang tuổi ăn tuổi học, đùng cái bị bắt về làm vợ. Khổ đau, nhiều em tuyệt vọng tính tìm đến lá ngón để giải thoát. Nhiều em gặp thầy ngoài đường cúi mặt chẳng dám nhìn. Thầy hỏi “Có hạnh phúc không em?”. Không trả lời! Chỉ khóc”.

Tục “cướp vợ” là nét đẹp, một bản sắc văn hóa độc đáo của người rẻo cao. Từ thuở ban đầu, tục “cướp vợ” là một sự bứt phá hôn nhân theo chiều hướng tích cực, là kết quả của tình yêu đôi lứa, là sự đồng thuận của hai gia đình cho một cuộc hôn nhân đúng theo phát luật và tục truyền. Đáng tiếc, nét đẹp này đang dần bị biến tướng khiến nhiều cuộc hôn nhân rơi vào bế tắc vì những bạo lực từ chính gia đình.

giadinhonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video