Bạo lực gia đình: Từ sự lệch lạc trong tư tưởng đến các hành vi phạm tội nguy hiểm
Tại Việt Nam, con số liên quan đến bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện chỉ ra rằng, gần 63% phụ nữ từng kết hôn hoặc có chồng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng/bạn tình vào một thời điểm nào đó trong đời.
Những người có hành vi bạo lực gia đình đều là những người lệch lạc trong suy nghĩ, gốc rễ dẫn đến hành vi của họ là do yếu tố nhận thức. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi đó nhưng có thể phân ra thành nguyên nhân về tư tưởng, nguyên nhân về văn hoá, yếu tố kinh tế, yếu tố luật pháp. Kết quả của hành vi bạo lực gia đình thường được thể hiện dưới các hình thức chủ yếu là bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế và bạo lực tình dục.
Từ góc độ cá nhân, một trong những nguyên nhân được đề cập tới nhiều nhất là xuất phát từ người có hành vi bạo lực. Hành vi bạo lực gia đình của họ thường khởi phát từ nhiều lý do tình trạng tâm lý xã hội như thái độ, nhận thức hay trải nghiệm quá khứ. Trong đó, tư duy bất bình đẳng giới, thái độ gia trưởng, tư tưởng trọng nam khinh nữ ở một số nam giới khiến họ tin vào quyền lực của mình để đòi hỏi mọi người trong gia đình đặc biệt là người vợ phải tuân thủ yêu sách của họ. Những người này thường đòi hỏi sự hoàn hảo đối với các thành viên trong gia đình và vì vậy họ thường đưa ra sự kiểm soát gắt gao và những kỷ luật nặng nề. Nếu thành viên nào trong gia đình không làm theo thì họ sẵn sàng phạt. Ví dụ như họ đưa ra yêu cầu cho con cái về kết quả học tập phải cao, người vợ phải hoàn hảo trong nội trợ hay ứng xử…
Những người khi còn nhỏ đã bị bạo lực hay chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình thì khi lớn lên họ thường có xu hướng bạo lực với người khác đặc biệt là với người trong gia đình. Còn nguyên nhân, bản chất của bi kịch con cái bạo hành bố mẹ, ông bà thường xuất phát từ sự bất hiếu, đua đòi theo bạn bè xấu trong xã hội, do không có tiền ăn tiêu hoặc lệch lạc trong tâm lý vì cho rằng bố mẹ có nghĩa vụ hi sinh cho con cái nhưng khi bố mẹ không để lại tài sản và cho rằng bố mẹ già yếu mà vẫn phải chăm sóc, trở thành gánh nặng nên đã có những lời nói nhục mạ, chửi bới và nghiêm trọng hơn là đánh đập bố mẹ gây thương tích nặng nề hoặc chết người.
Thực trạng hiện nay
Bạo lực của người chồng đối với người vợ trong gia đình có thể thấy là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình. Người chồng gây ra chủ yếu và lớn nhất là bạo lực về thể chất nhưng có ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề nhất đến người vợ là gây ra những tổn thương về tâm sinh lý cho người vợ như: chửi bới, xúc phạm danh dự… hoặc có những hành vi cưỡng bức về tình dục, kiểm soát về kinh tế. Nhưng trong xã hội ngày nay, hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng cũng diễn ra càng ngày càng nhiều và càng trầm trọng hơn. Bên cạnh những hành vi từ phía cha mẹ đối với con cái, thì bạo lực gia đình xuất phát từ người con đối với cha mẹ mình cũng đang ngày càng gia tăng. Một số trường hợp người trẻ tuổi gây ra những tổn thương về cả vật chất, tinh thần cho cha mẹ do sự thiếu kiềm chế, do đua đòi hư hỏng hoặc một vài lý do khác.
Còn thực trạng mẹ kế, bố dượng bạo hành con riêng của chồng, vợ là rất nhiều, gây bức xúc xã hội nên các ngành tư pháp cần đặc biệt quan tâm đối tượng này. Ví dụ như thời gian vừa qua vụ án thương tâm của bé N.T.V.A. (8 tuổi) bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong đã chấn động dư luận. Được biết, bé A. được cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở và đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện.
Hậu quả của việc bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình luôn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam và hậu quả của mỗi hành vi bạo lực gia đình trực tiếp hay gián tiếp đều tác động và ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội: Làm tổn thương về tinh thần đối với những người bị bạo hành; gây thương tích thân thể, thậm chí gây tử vong; vợ chồng ly thân dẫn đến ly hôn gia đình tan vỡ; gây nhiều hậu quả xấu và nhiều vấn nạn xã hội phải giải quyết; ảnh hưởng đến tâm sinh lý và sự phát triển của trẻ em.
Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Việc đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc đã dẫn đến các hành vi phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”; tội “Hành hạ người khác”; tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình”; tội “Bức tử”; tội “Giết người” và các tội danh nghiêm trọng khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015) về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tội “Hành hạ người khác” (Điều 140 Bộ Luật hình sự 2015) với hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 3 năm.
Tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) với đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể như, thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần…. bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Tội “Bức tử” (Điều 130 Bộ luật Hình sự 2015) nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 12 năm.