Chạy trốn “chốn an toàn”: Chung tay hành động quyết liệt chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em
Trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn ra nghiêm trọng (2020-2021), bạo lực đối với với phụ nữ và trẻ em càng gia tăng đáng kể; đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội, số lượng cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được ghi nhận tăng 50%. Số lượng người bị bạo lực được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà Bình yên thực tế tăng 80% so cùng kỳ năm trước. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 cũng nhận được nhiều hơn những cuộc gọi tư vấn hoặc đề nghị can thiệp có liên quan đến bạo lực trẻ em và phụ nữ…
Điều đáng lưu ý là bạo lực gia đình và tình trạng trẻ em bị xâm hại bởi chính người thân đã và đang là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, gây nhức nhối cho xã hội. Điều này cho thấy một nghịch lý, khi nói đến gia đình, người ta thường nghĩ ngay đến nơi an toàn, tràn ngập yêu thương, nhưng trong nhiều trường hợp, chính “chốn an toàn” lại là nơi có nhiều sóng gió, nhiều nỗi sợ hãi và nguy hiểm nhất, khi các thành viên luôn bất an trước các hình thức bạo lực mà chính những người thân yêu dành cho mình. Họ phải chịu cả nỗi đau về thể xác và tinh thần. Nhiều vết thương lành theo năm tháng nhưng cũng có những vết thương họ ám ảnh và mang theo cả một đời. Nhiều người đã phải chạy trốn khỏi “chốn an toàn” để tìm “nơi bình yên”, nơi họ có thể nhận được những hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giúp họ có thêm sức mạnh, nghị lực trong cuộc sống. Điều đó cũng cho thấy, chúng ta cần chung tay phối hợp chặt chẽ hơn và có những giải pháp hành động quyết liệt hơn, cam kết mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đảm bảo tôn trọng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu tại chương trình
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ: “Tọa đàm và triển lãm Chạy trốn “chốn an toàn” sẽ giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn thực trạng, mức độ và các hình thức bạo lực trên cơ sở giới hiện nay, nhận diện những vấn đề bạo lực phổ biến cần quan tâm, để từ đó đưa ra những gợi ý, khuyến nghị, thông điệp nhằm giải quyết tình trạng này thời gian tới”.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương mong rằng, những câu chuyện, hình ảnh và thông điệp từ cuộc tọa đàm và triển lãm sẽ lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp trong xã hội, lay động trái tim của mỗi người, và thôi thúc tất cả chúng ta – bao gồm cả những phụ nữ, trẻ em bị bạo lực- hãy cùng hành động, lên tiếng mạnh mẽ hơn, hành động quyết liệt hơn, cùng chung tay đẩy lùi bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người. “Tôi tin tưởng rằng, cùng nhau đoàn kết hành động, chúng ta sẽ chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em”, Phó Chủ tịch khẳng định.
Các khách mời chia sẻ tại Tọa đàm có sự góp mặt của bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chuyên gia Nguyễn Quang Huy, Ban điều hành Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMenNet); em Bùi Nhật Phong, sinh viên K7 - Khoa giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam
Tại Tọa đàm, các đại biểu được nghe những chia sẻ của các khách mời, chuyên gia về thực trạng các vụ bạo lực trên cơ sở giới đang xảy ra hiện nay cũng như nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của các hình thức bạo lực. Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng cho thấy cách nhìn nhận, quan điểm của giới trẻ về vấn đề bạo lực giới hiện nay như: bạo lực hẹn hò, bạo lực trên không gian mạng, bạo lực học đường… Để chỉ ra những thách thức, vấn đề đặt ra và đưa ra các giải pháp phù hợp, các khách mời cho rằng cần đánh giá, nhìn nhận sự vào cuộc, thực hiện hỗ trợ nạn nhân của các bên liên quan; cải thiện sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức hỗ trợ nạn nhân và thực hiện phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới có hiệu quả hơn; phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên, của nam giới và các thành viên trong gia đình trong ứng phó, ngăn ngừa và đẩy lui bạo lực trên cơ sở giới…
Trong khuôn khổ chương trình cũng đã diễn ra Lễ cắt băng khai mạc triển lãm Chạy trốn “chốn an toàn”. Triển lãm gồm ba chủ đề: Trong chốn an toàn; Cùng suy ngẫm; Điểm tựa bình yên với những hình ảnh, hiện vật được sưu tập công phu, phản ánh chân thực thực trạng bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới hiện nay và những nỗ lực, giải pháp của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có Hội LHPN Việt Nam trong các hoạt động phòng, chống, ứng phó với bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.
Một số hình ảnh các đại biểu tham quan Triển lãm
* Một vài con số thách thức qua kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 và các báo cáo nghiên cứu, thống kê liên quan: - Gần 63% phụ nữ từng phải chịu đựng ít nhất 1 hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời. - Theo thống kê chưa đầy đủ, trên cả nước, bình quân mỗi ngày có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của bạo lực gia đình (năm 2020) - 21,3% số trẻ bị xâm hại tình dục bởi chính người thân trong gia đình - 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn nạn bạo lực gia đình thường không biết phải làm gì - 90% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan cung cấp dịch vụ; - Phụ nữ đã từng bị chồng hoặc người khác bạo lực có nguy cơ về vấn đề sức khoẻ tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực. - Bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra dẫn tới thiệt hại về năng suất lao động, ước tính khoảng 100.507 tỷ đồng, bằng khoảng 1,8% GDP (năm 2018). - 30% phụ nữ tin rằng nam giới phải là người ra quyết định và là chủ gia đình; 52% phụ nữ đồng tình và chấp nhận rằng nếu họ không trông con hoặc không làm tốt việc nội trợ thì bị chồng đánh (Tổng cục Thống kê, 2020a). |