Chuyện về nữ điệp báo viên công an được truy tặng liệt sỹ sau 65 năm
Hơn 25 năm lặn lội tìm chứng cứ minh oan cho cô ruột là liệt sĩ
Những ngày tháng 7 này, gia đình ông Nguyễn Đình Xuân Đỉnh (75 tuổi) là cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý luôn bận rộn đưa đón các đoàn khách là công an trong xã, huyện, tỉnh Hải Dương đến thắp hương, tri ân liệt sỹ ở nghĩa trang phường Ái Quốc và tri ân người cô ruột của ông. Trong làn khói hương bảng lảng ở nghĩa trang liệt sĩ, ai cũng đứng lặng trước phần bia mộ không có di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý – người nữ điệp báo viên kiên trung, thầm lặng ấy, bởi câu chuyện phải cần đến 65 năm sau bà mới được minh oan và được Nhà nước truy tặng Anh hùng liệt sỹ, cùng tấm Bằng Tổ quốc ghi công.
Ngồi trong căn nhà nhỏ ở phường Ái Quốc, TP Hải Dương, ông Nguyễn Đình Xuân Đỉnh bồi hồi nhớ lại ngày gia đình ông được mời đến UNBD xã tham dự lễ truy điệu Liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Thị Tý. Đó là ngày 24/7/2015, sau hơn 25 năm ông và người thân trong gia đình lặn lội đi gặp những người cùng đơn vị cũ của cô ruột mình ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ minh oan cho bà Nguyễn Thị Tý.
Lễ truy điệu liệt sĩ CAND Nguyễn Thị Tý được tổ chức trang trọng tại UBND xã năm 2015
"Lúc ấy tôi là bộ đội Trường Sơn tham gia chiến tranh chống Mỹ, sau giải phóng tôi về quê là thương binh, sức khoẻ có phần giảm sút. Nhưng vì uất ức với những lời đàm tiếu của người xấu nói về cô ruột mình là kẻ nợ máu cách mạng, nợ máu nhân dân. Trước những thông tin mà bố tôi và những người lớn tuổi trong gia đình kể lại, mấy anh em trong gia đình tôi vẫn tin vào truyền thống cách mạng từ đời ông cha, nên quyết định đi tìm mọi chứng cứ, đi tìm sự thật" – ông Đỉnh nhớ lại.
Bắt đầu từ năm 1980, con cháu của liệt sỹ Nguyễn Thị Tý đã đi nhiều nơi, gặp bất cứ manh mối nào, dù là rất nhỏ, nhưng có liên quan đến cô mình, đều đến để tìm hiểu sự việc.
Năm 1998, sự việc của bà Nguyễn Thị Tý tưởng như thuận lợi, thành công đến nơi, nhưng bất chợt phải dừng lại. Ông Đỉnh bảo, có lúc gia đình cũng thấy buồn, nhưng các anh em trong nhà chưa bao giờ nản chí. Bao năm bôn ba, vất vả với hồ sơ chứng minh cho cô ruột, cả gia đình chỉ mong minh oan được cho bà Nguyễn Thị Tý, còn lại không đòi hỏi bất cứ chế độ gì khác.
Rồi ngày mong chờ đó cũng đến sau 65 năm bà Nguyễn Thị Tý hy sinh. "Buổi lễ truy điệu ngày 24/7/2015 lúc đó của cô tôi trang trọng lắm. Đó là sự kiện lớn của xã nhà. Có đại diện công an cấp Bộ, cấp tỉnh và huyện, cùng nhiều đơn vị công an các huyện khác ở địa bàn trong tỉnh và nhiều đoàn thể đến dự lễ truy điệu liệt sỹ CAND Nguyễn Thị Tý.
Lễ truy điệu được trang hoàng, nơi để di ảnh được thay bằng tấm bia ghi công của bà, vì bà không có di ảnh để lại. Cả gia đình tôi, con cháu nội ngoại gần xa đều về đông đủ, vậy là sau 65 năm hy sinh, vong linh của cô tôi đã được an nghỉ, được Nhà nước ghi công và tri ân" – ông Nguyễn Đình Xuân Đỉnh nhớ lại.
Nữ điệp báo viên kiên cường Nguyễn Thị Tý
Bà Nguyễn Thị Tý, sinh năm 1927, tại thôn Vũ Thượng, Xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, nay là phường Ái Quốc, TP Hải Dương. Bà Tý là con út trong gia đình có 5 người con, lại là người có học thức, sớm nhận biết về cách mạng. Khi ấy, gương mặt xinh đẹp, đoan trang, hoạt bát của cô gái Nguyễn Thị Tý đã háo hức tham gia hoạt động trong công tác địch vận tại các bốt Vũ La, Lai Vu từ năm 1947.
Sau 65 năm hy sinh, gia đình của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý được nhận tấm Bằng "Tổ quốc ghi công" với đầy niềm xúc động, nghẹn ngào
Tháng 12/1948, bà Nguyễn Thị Tý được tuyển chọn vào Công an quận Nam Sách, thuộc Ty Công an Hồng Quảng với nhiệm vụ là chiến sỹ điệp báo viên hoạt động trong lòng địch. Bà đã chiến đấu dũng cảm và lập được nhiều chiến công. Bà hoạt động rất tích cực, dũng cảm, thu lượm được nhiều tin tức quan trọng của địch và lập được nhiều thành tích xuất sắc, được cấp trên ghi nhận, khen thưởng. Đó là ngày 02/6/1950, bà Tý đã cùng đồng đội bám sát bọn Tề phản động và tay sai, bà trực tiếp ném lựu đạn trừng trị bọn chúng giữa ban ngày tại thị trấn Nam Sách, làm một số tên địch bị thương vong.
Tháng 9/1950, bà Nguyễn Thị Tý đã tình nguyện hy sinh sự trong trắng, tiết hạnh, danh dự của người con gái thôn quê tuổi đôi mươi, làm nội ứng với vai trò là vợ tên sếp bốt Vạn Tải. Sau khi nhận nhiệm vụ, chỉ 2 ngày sau, ta đã tổ chức đánh bốt Vạn Tải giữa ban ngày và dành thắng lợi. Khi đó bà Nguyễn Thị Tý đã cướp được 1 khẩu súng.
Hai trận đánh trên đã gây được tiếng vang lớn với quần chúng nhân dân trong vùng địch hậu Nam Sách, trong đó có sự đóng góp to lớn của bà Tý. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, công tác Công an nói chung và công tác điệp báo nói riêng là một công tác cực kỳ khó khăn, nguy hiểm. Các chiến sĩ điệp báo viên phải đối đầu với thử thách: Với kẻ thù phải luôn ứng phó một cách linh hoạt, khôn khéo; với phía ta phải đối mặt với sự nghi kỵ, hiểu lầm không thể thanh minh. Với gia đình, người thân và xóm làng phải hy sinh tình cảm, chấp nhận oan ức, rèm pha mỗi khi phải ra vào đồn bốt, đi lại quan hệ với địch. Song bằng nghị lực kiên cường, bà Tý đã vượt lên chính mình, gác bỏ hạnh phúc riêng để làm một nữ điệp báo viên công an phục vụ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngày 10/12/1950, bà bị mất tích cùng bố đẻ và người anh trai (đều là những người tham gia hoạt động cách mạng trong vùng địch chiếm đóng). Sự ra đi đầy bí ẩn của một nữ điệp báo viên giữa tuổi đời 23, khép lại tuổi thanh xuân với bao mơ ước dang dở là một mất mát không gì bù đắp nổi. Sự hy sinh thầm lặng ấy để lại niềm xúc động nghẹn ngào, niềm thương tiếc vô hạn cho gia đình, đồng đội, bạn bè và bà con thôn xóm.
Nữ liệt sĩ điệp báo viên Nguyễn Thị Tý hy sinh đã 72 năm, nhưng ý chí anh hùng, tinh thần dũng cảm, sự cống hiến to lớn của bà cho độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân sẽ còn mãi. Bà là một trong 5 nữ liệt sĩ Công an Nhân dân tỉnh Hải Dương hi sinh qua các thời kỳ. Nhân dân và thế hệ con cháu hôm nay sẽ mãi ghi nhớ công ơn của nữ liệt sĩ công an kiên trung, bất khuất Nguyễn Thị Tý.