Cuộc đời và sự nghiệp của Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Quế (Phần 1)
Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hà Thị Quế
Thừa hưởng truyền thống hiếu học của quê hương và dòng tộc, vốn chăm học, lại thông minh nên bà học rất giỏi và thường được xếp vào tốp đầu lớp. Sinh ra trong một gia đình mà cả bố, mẹ, chú ruột đều là những đảng viên cộng sản đầu tiên của Ninh Bình, dòng máu cách mạng đã thấm vào bà ngay từ lúc còn nhỏ.
14 tuổi, bà làm giáo viên cho Hội Cứu tế do người cha và chú ruột thành lập nhằm hưởng ứng “Bức thư Ngỏ” của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi các tổ chức đảng phái, các lực lượng dân chủ, các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đoàn kết chung trong một tổ chức Đông Dương Đại hội.
17 tuổi, bà tham gia Phường Cấy – một tổ chức tập hợp các chị em phụ nữ yêu nước của xã và sau đó được bầu làm Bí thư phụ nữ phản đế và Đoàn thanh niên phản đế rồi Bí thư Hội phụ nữ cứu quốc xã. Năm 1940, khi mới 19 tuổi, bà được cử đi học lớp quân sự do Xứ ủy Bắc Kỳ mở tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
20 tuổi bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và được cử làm Bí thư Chi bộ xã.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, bà được Xứ ủy điều về Thái Bình tham gia Ban cán sự Tỉnh ủy Thái Bình, trực tiếp phụ trách hai huyện Kiến Xương và Tiền Hải là những địa phương có phong trào phát triển mạnh. Cũng có thời kỳ bà được Xứ ủy điều động sang Nam Định để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm sớm phục hồi phong trào sau khi bị địch khủng bố nặng.
Tháng 4/1944, bà được điều lên ATK II phụ trách ba huyện Hiệp Hòa, Phú Bình, Phổ Yên.
Với vị trí đặc biệt của Bắc Giang, nơi có nhiều cơ sở Đảng mạnh, phong trào vững, có địa hình đồi núi hiểm trở, Thường vụ Trung ương Đảng đã tập trung xây dựng Bắc Giang thành một địa bàn cách mạng trọng yếu, một trung tâm liên lạc giữa Xứ ủy với Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Ninh và Hà Nội.
Nhằm bổ sung cán bộ có năng lực và kinh nghiệm cho Bắc Giang, bà được Trung ương điều về Yên Thế. Và tháng 6/1945, Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ Bắc Giang được thành lập gồm 5 đồng chí do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm Bí thư – người sau này trở thành bạn đời của bà; còn bà Hà Thị Quế được phân công phụ trách quân sự và đặc trách các huyện Yên Thế, Việt Yên và một bộ phận huyện Lạng Giang.
Với trọng trách được phân công, bà tổ chức cho các đoàn thể, trước hết là nông dân cứu quốc, thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc tập luyện quân sự, lập các đội du kích tập trung, tổ chức nhiều trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” nhằm “cướp súng địch để diệt địch” như chủ trương của Trung ương đã đề ra.
Những chiến công vang dội trong các cuộc tập kích để trừ gian, diệt phỉ, đánh Pháp, đuổi Nhật, bảo vệ vững chắc núi rừng Yên Thế - căn cứ địa của cách mạng do bà chỉ huy, đã làm cho kẻ thù khiếp sợ. “Nữ tướng Việt Minh” – cái tên mà bọn Pháp và Việt gian đặt cho bà xuất hiện từ thời đó.
Đồng chí Hà Thị Quế là đại biểu nữ duy nhất của Bắc Giang được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Đồng chí cũng là người trực tiếp tổ chức khởi nghĩa và giành chính quyền ở Yên Thế. Để ghi nhớ chiến công dũng cảm vô song và đầy mưu lược của “Nữ tướng Việt Minh” trước Cách mạng tháng Tám, tại chùa Nam Thiên thị trấn Nhã Nam hiện có tấm bia lớn khắc đậm nét hai câu:
“Yên Thế lừng danh Hà Thị Quế,
Nhã Nam bất khuất đất anh hùng”.
Năm 1950, tại Đại hội thống nhất Phụ nữ cứu quốc với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng chí Hà Thị Quế được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội; đồng thời tham gia Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân cứu quốc và được phân công làm Phó ban Nông nghiệp Trung ương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tháng 9/1960, đồng chí Hà Thị Quế được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961, đồng chí Hà Thị Quế được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội và được bầu làm Phó Hội trưởng phụ trách phong trào. Trên cương vị này, đồng chí Hà Thị Quế đã cùng với đồng chí Nguyễn Thị Thập và tập thể lãnh đạo Trung ương Hội LHPN Việt Nam đề xướng và phát động các phong trào phụ nữ “5 tốt” (1961-1965), “Ba đảm đang”(1965-1975). Những phong trào này trở thành phong trào cách mạng rộng lớn, huy động được đông đảo giới phụ nữ vững tay cày, chắc tay súng, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, xây dựng hậu phương vững mạnh, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vì miền Nam ruột thịt; xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”; và đánh giá của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong bài phát biểu tại Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9/1977): “đã có những đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xây dựng miền Bắc – hậu phương lớn của cả nước và giải phóng miền Nam”.
Đồng chí Hà Thị Quế, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại Hội nghị kỷ niệm 30 năm phong trào “3 đảm đang” (3/1965 – 3/1995) do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, tháng 3/1995
Đến tháng 3/1974, tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IV, đồng chí Hà Thị Quế được bầu làm Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam thay đồng chí Nguyễn Thị Thập.
Đồng chí Hà Thị Quế được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội liên tiếp 5 khóa từ khóa II ngày 8/5/1960 đến hết khóa VI ngày 28/4/1981. Với 21 năm là đại biểu Quốc hội, trên cương vị Ủy viên Ban công tác nông thôn (khóa II), Phó ban kiểm tra Trung ương (khóa III và khóa IV) rồi Ủy viên Ủy ban kế hoạch và ngân sách Quốc hội (khóa V và khóa VI) đồng chí Hà Thị Quế đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng một Quốc hội liêm chính, đoàn kết và vững mạnh.
Tháng 6/1976, tại Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc, đồng chí Hà Thị Quế được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.
Đồng chí Hà Thị Quế, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đọc nghị quyết tại Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc, ngày 10- 12/6/1976. Hội nghị thống nhất lấy tên cho tổ chức phụ nữ cả nước là Hội LHPN Việt Nam. Tại đại hội này, đồng chí được bầu là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
Tiếp đó, tại Đại hội IV họp tháng 12/1976, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng và được bầu làm Phó ban Kiểm tra Trung ương.
Năm 1984, mặc dù được Nhà nước cho nghỉ chế độ nhưng bà vẫn năng nổ tham gia các phong trào làng, xóm. Bà qua đời ngày 25/12/2012 tại Hà Nội.
Với 91 năm tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng, gần 21 năm là đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó ban Kiểm tra Trung ương các khoá III,IV (từ 9/1960 đến 3/1982); hơn 30 năm đảm nhiệm vị trí lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam trong đó có hơn 8 năm làm Chủ tịch Hội (từ 3/1974 đến 5/1982), đồng chí Hà Thị Quế đã sống một cuộc đời gương mẫu, trong sáng, giản dị, nhiệt thành với sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Ở cương vị nào Bà cũng xử lý công việc đầy trách nhiệm và tình người. Sát dân, luôn lấy dân làm gốc, luôn quan tâm đến đời sống chị em phụ nữ - những người bà cho là mất mát và hy sinh nhiều nhất nên bà luôn mong muốn giúp chị em có cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà mạnh dạn đề bạt các cán bộ nữ, từ nữ nông dân đến đội ngũ nữ trí thức. Trong các bản tham luận ở Quốc hội hay trong các hội nghị, bà luôn nêu vấn đề phải cải thiện cuộc sống cho người phụ nữ; đồng thời, luôn đấu tranh để phát huy vai trò của người phụ nữ nhằm đưa tỷ lệ phụ nữ tham gia các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng cao. Bà là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đề nghị Đảng, Nhà nước thực hiện chính sách sinh đẻ có kế hoạch.
Bà Hà Thị Quế là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn (năm 1962) và đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động quốc tế. Tại Đại hội Phụ nữ thế giới họp ở Moskva năm 1963, bà Hà Thị Quế tham gia với tư cách là Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế, Trưởng đoàn Phụ nữ miền Bắc Việt Nam Bà đã tham gia nhiều cuộc họp ở Áo, Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Mông Cổ, Liên Xô…, với tư cách là Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ thế giới và cũng là Ủy viên thường vụ Hội đồng Phụ nữ Quốc tế. Trong lòng bạn bè thế giới, Bà là hiện thân của cuộc đấu tranh cho hòa bình độc lập dân tộc, là trung tâm đoàn kết, hữu nghị của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Đồng chí Hà Thị Quế và những đóng góp nổi bật cho phong trào phụ nữ
Trên cương vị là Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam (1974-1976); Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1976-1982), đồng chí Hà Thị Quế đã có những đóng góp quan trọng trong công tác chỉ đạo phong trào phụ nữ; sáng tạo những phong trào vận động phụ nữ thiết thực, phù hợp với điều kiện lịch sử của đất nước; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước những năm 1974-1982.
Chân dung đồng chí Hà Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khóa 4 (1974 – 1982)
1.Tổ chức thành công Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tháng 6/1976.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với quá trình thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận trong cả nước. Thực hiện Quyết định trên, từ ngày 10 đến ngày 12/6/1976, Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc được tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong lịch sử tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội nghị đã tiến hành thống nhất tổ chức Hội trong toàn quốc, tạo nên một sức mạnh mới, mở đường cho phong trào phụ nữ nước ta phát triển lên một trình độ cao hơn. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới được quan tâm. Sự lớn mạnh của hệ thống tổ chức, bộ máy của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tạo điều kiện thúc đẩy phong trào phụ nữ những năm 1976 - 1987 phát triển sang một giai đoạn mới, thiết thực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thị Định, Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội LHPN Việt Nam đón và tặng hoa cho bà Hà Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhân dịp vào dự Hội nghị thống nhất hai tổ chức phụ nữ tại sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 6/1976
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức Hội trong chỉ đạo phong trào phụ nữ trong cả nước, trên cương vị là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Hà Thị Quế và Ban Thường vụ Trung ương Hội đã tập trung chỉ đạo công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn 1976 - 1982 cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và nhiệm vụ cụ thể.
2. Sáng tạo nên các phong trào phù hợp, từng bước cải tiến nội dung, phương thức hoạt động của Hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới:
Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng đất nước”: Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của đất nước, của sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội LHPN Việt Nam (họp từ ngày 09 đến ngày 11/01/1978), chủ trương phát động phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng đất nước” với khẩu hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng” nhằm động viên các tầng lớp phụ nữ phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, phát huy vai trò làm chủ tập thể, tích cực tham gia phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa, lao động sản xuất tiết kiệm hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước 5 năm; Xây dựng người phụ nữ mới, đẩy mạnh việc chăm lo quyền lợi đời sống phụ nữ trẻ em.
Phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng đất nước” triển khai chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây - Nam xảy ra. Hàng nghìn phụ nữ và trẻ em bị tàn sát trong các cuộc tấn công vào các vùng Ba Chúc (An Giang), Sa mát (Tây Ninh) của bọn phản động Pôn Pốt Yêngxary. Nhân dân Việt Nam chưa kịp hàn gắn vết thương chiến tranh đã buộc phải đối phó với một cuộc chiến tranh mới có thể xảy ra. Tình hình hết sức nguy hiểm buộc mọi hoạt động của đất nước phải đặt trong tình huống vừa có hòa bình vừa chuẩn bị nếu chiến tranh xảy ra.
Nắm bắt nhanh nhạy tình hình, ngày 8/3/1978, Trung ương Hội quyết định đổi tên phong trào “Người Phụ nữ mới xây dựng đất nước” thành “Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc’’ và chính thức phát động phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc’. Tên phong trào được thay đổi với việc bổ sung thêm nội dung phục vụ chiến đấu, nhằm động viên và phát huy cao nhất vai trò, khả năng làm chủ tập thể của phụ nữ trong sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng xã hội mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, củng cố quốc phòng vững chắc, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1976-1980; rèn luyện xây dựng người phụ nữ mới, chăm lo thiết thực quyền lợi phụ nữ và trẻ em.
Những thành tích của Hội LHPN Việt Nam và phong trào phụ nữ Việt Nam trong những năm 1974 -1981 không thể tách rời sự chỉ đạo của Đảng, của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Quế.
3. Hạt nhân lãnh đạo phong trào đoàn kết với phụ nữ thế giới, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam do bà Hà Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam dẫn đầu tham dự Hội thảo quốc tế “Phụ nữ và Chủ nghĩa xã hội” tại Matxcơva, tháng 6/1977
Nhận thức sâu sắc cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới; thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc ta không tách rời sự ủng hộ mạnh mẽ và có hiệu quả của nhân nhân và phụ nữ tiến bộ trên toàn thế giới, ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và những tình cảm tốt đẹp của nhân dân và phụ nữ tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam, Bà đã tập trung chỉ đạo hoạt động quốc tế của Hội trong những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất nhằm tăng cường tình đoàn kết chiến đấu bảo vệ hòa bình với phụ nữ các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Đẩy mạnh hoạt động quốc tế, tích cực tham gia các hoạt động do Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế tổ chức, tham dự các hội nghị quốc tế; tích cực tuyên truyền, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức phụ nữ quốc gia và quốc tế.