Người phụ nữ đầu tiên đưa giống hồng giòn Nhật Bản về trồng trên cao nguyên Mộc Châu

27/09/2022
Bà Phạm Thị Đễ (75 tuổi) – nguyên Phó Giám đốc Công ty chè Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là người đầu tiên đưa cây hồng Nhật Bản (hồng giòn) về trồng ở Mộc Châu từ năm 2001. Bà Đễ đã góp phần không nhỏ để nhân rộng giống hồng quý của Nhật Bản trên cao nguyên Mộc Châu.
Bà Phạm Thị Đễ là người đầu tiên đưa cây hồng giòn về trồng ở cao nguyên Mộc Châu.

Đầu năm 1960, bà Đễ lên cao nguyên Mộc Châu theo tiếng gọi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Bắc. Bao năm vất vả, vật lộn với nơi ở mới, bà Đễ dần dần xây dựng được sự nghiệp cho mình. Bà làm ở Nông trường chè và được bầu làm Phó Giám đốc Công ty chè Mộc Châu- phụ trách về nông nghiệp. Suốt mấy chục năm gắn bó với vùng đất cao nguyên, nên đi đến đâu, bà cũng tìm xem có cây gì hay đưa về Mộc Châu trồng.

Cơ duyên với cây hồng giòn

Trong vườn bà trồng đủ các thứ cây từ hồng bơ, xoài, nhãn. Trong đó bà trồng nhiều nhất là cây hồng Nghĩa Lộ rồi hồng Đà Lạt. Những giống hồng bản địa này chín muộn, quả phải thật chín ăn mới ngon.

Năm 2001, bà tiếp đoàn chuyên gia trồng chè của Nhật Bản đến thăm nông trường. Bà Đễ cũng có may mắn là được mời sang Nhật để học hỏi cách làm chè. Ở Nhật bà được họ mời ăn hồng. Quả hồng còn cứng, vỏ xanh mà bổ ra ăn được luôn, giòn, ngọt lại thơm mát. Ăn một lại muốn ăn hai. Mùi vị của quả hồng đó cứ lưu lại trong tâm trí của bà.

Bà Đễ kể về những năm tháng gắn bó với cao nguyên Mộc Châu.

Về nước, trong những lần làm việc với chuyên gia Nhật Bản, bà có hỏi về giống hồng giòn đó. Bà được biết nó gọi là hồng Fuzi – giống hồng chỉ sống và phát triển tốt ở độ cao từ 800m trở lên so với mặt nước biển. Bà Đễ đã nhờ vị chuyên gia này, xin giống ở Nhật để trồng. Không ngờ, năm sau, vị chuyên gia này đã mang tặng bà 2 cành hồng, mỗi cành dài khoảng 50cm. Có được giống hồng quý, bà đã mang chúng về ghép lên giống hồng bản địa.

Sau 2 năm, cây hồng đó đã cho quả bói, hình thù giống hệt giống hồng ở Nhật Bản mà bà đã từng ăn. "Cây hồng ra quả, tôi mong ngày mong đêm, đợi nó chín để ăn thử. Cuối tháng 8, giống hồng này bắt đầu chín. Tôi vội hái một quả xuống, tôi ăn luôn cả vỏ. Đúng như những gì tôi mong đợi, hồng ăn ngọt và thơm. Nó có thể ăn khi quả vẫn còn xanh, chứ không phải đợi đến lúc chín đỏ như hồng bản địa", bà Đễ nhớ lại.

Hồng giòn Mộc Châu là thứ quả đặc sản, bất kì du khách nào đến thăm cao nguyên cũng "nghiện" quả hồng giòn.

Quả hồng giòn cho chất lượng quá ngon, bà Đễ đã ghép chuyển đổi cả vườn hồng bản địa sang hồng Nhật Bản. Và cũng chỉ 2 năm sau, vườn hồng giòn Nhật Bản của gia đình cho sai trĩu quả. Ai đến thăm và được thưởng thức giống hồng này cũng khen hết lời. Sau mỗi năm cây cho sai quả hơn, các Viện nghiên cứu đã đến thăm vườn hồng và nhân giống hồng quý này ra cho bà con trồng.

Bà con người Mông ở Vân Hồ cũng mạnh dạn trồng cây hồng giòn.

Từ sự mạnh dạn của bà Đễ mà đến nay, nhiều hộ dân của huyện Mộc Châu và Vân Hồ có được vườn hồng giòn, trị giá cả tỷ đồng. Nói về việc này, bà Đễ chia sẻ: "Làm nông dân mà tìm được giống cây quý là tôi thích lắm. Giờ cây hồng giòn đã phổ biến ở Mộc Châu, tôi cũng lấy làm mừng vì mình có đóng góp chút công sức vào đó".

Cơ hội để bà con ở cao nguyên làm giầu

Mộc Châu và Vân Hồ có lợi thế về khí hậu nên mới trồng được cây hồng giòn. Cây hồng phát triển tốt và ít sâu bệnh, giá bán luôn cao hơn nhiều so với cây xoài, cây nhãn và các loại rau màu khác. Mỗi gốc hồng khi cho thu hoạch ổn định mang lại cho người dân từ 1 đến vài triệu đồng. Hơn nữa, hồng giòn khi chín quả rất chắc chắn, dễ vận chuyển và có thể để cả tháng không bị hỏng. Cây hồng sống ở độ cao từ 800m so với mặt nước biển. Do vậy, chỉ có các xã vùng cao của cao nguyên Mộc Châu mới trồng được hồng giòn. Đây là lợi thế mà ít địa phương nào trên cả nước có được. Hồng giòn Mộc Châu được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bà con người Mông ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ thu hoạch hồng giòn.

Hiện, một số gia đình ở thị trấn Mộc Châu đang mạnh dạn ươm giống hồng giòn bán cho bà con. Giá giống vẫn tương đối đắt từ 40.000 đến 50.000đ/1 cây, nên bà con ở các xã vùng cao không có đủ điều kiện để nhân rộng. Cây hồng giòn đã khẳng định được vị thế vượt trội ở cao nguyên Mộc Châu, thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhân giống và vận động bà con vùng cao trồng hồng.

Hiện 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã trồng khoảng 50ha hồng giòn, sản lượng đạt khoảng 20 tấn quả/ha. Khác với các giống hồng giòn vùng khác, hồng giòn Mộc Châu ăn có vị giòn ngọt và không chát mặc dù không ngâm nước, giá bán trung bình từ 25.000 đồng đến 35.000 đồng/kg.

Cây hồng giòn rất hợp với thổ nhưỡng cao nguyên Mộc Châu. Hơn nữa, quả hồng giòn cho chất lượng rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là cơ hội để bà con dân tộc sống trên cao nguyên Mộc Châu lựa chọn được cây trồng phù hợp.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video