Những "nữ tướng" vùng biên Điện Biên

28/06/2023
Trong những năm gần đây, nhiều nữ đảng viên, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã phát huy tốt vai trò trên các mặt công tác. Họ đã và đang là những tấm gương sáng cho chị em phụ nữ DTTS học tập, nỗ lực rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành.
Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu - Pờ Mý Lế tặng quà cho các gia đình chính sách địa phương

Vượt lên định kiến

Chúng tôi gặp chị Pờ Mý Lế (dân tộc Hà Nhì) trong một chuyến công tác cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng tại xã biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Chị Lế xuất hiện trước mắt chúng tôi bằng hình ảnh một nông dân đích thực, quần xắn qua gối, lội ruộng và thoăn thoắt đôi tay cấy những hàng lúa đều tăm tắp.

Chị Lế là nữ Bí thư Đảng ủy xã đầu tiên ở vùng biên giới Sín Thầu. Để được đi học, có vị trí ngày hôm nay là cả một hành trình dài kiên trì vượt định kiến của bản thân chị.

“Ngày ấy, cả bản, cả xã, ai cũng giữ tư tưởng là con gái không cần đi học. Ở nhà lấy chồng, sinh con, chăm lo cho gia đình. Phải đấu tranh nhiều lắm, rồi bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị, dèm pha, mãi đến tận năm 10 tuổi tôi mới chính thức đi học lớp 1. Nhiều người còn nói ông bà không nên để con gái đi học như thế, đi ngược lại với truyền thống nơi đây”, chị Lế trải lòng.

Chị Pờ Mý Lế (thứ 4 từ phải sang) cùng Ban Thường vụ Đảng ủy xã Sín Thầu nhiệm kỳ (2020 - 2025) ra mắt tại Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXI

Nghĩ thương bố mẹ, chị càng quyết tâm phấn đấu học thật tốt, thật cao để trở thành cán bộ, làm rạng danh cho gia đình. Đó là cách duy nhất trả lời cho những hy sinh của ông bà. Còn nhớ lúc đó, cả xã chỉ có 4 người đi học và chị là nữ duy nhất. Để không phải chịu sức ép từ định kiến, lời dèm pha của mọi người, chị Lế phải vượt hàng chục ngọn núi, chấp nhận sang tận Mường Tè (nay thuộc tỉnh Lai Châu) theo học.

Bền bỉ vượt qua hành trình học phổ thông, chị Lế quyết tâm học tiếp Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật. Sau khi ra trường, bằng nhiều nỗ lực phấn đấu, chị Lế được giao nhiều trọng trách quan trọng ở địa phương, tiếp tục hoàn thiện bản thân và trở thành nữ Bí thư Đảng ủy đầu tiên ở Sín Thầu, điều chưa có tiền lệ từ trước đến nay.

Chị Giàng Thị Pày (thứ 2 từ phải sang), Bí thư Chi bộ bản Nậm Pan 2, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé trò chuyện, trao đổi cùng người dân địa phương

“Mặc dù ai cũng ghi nhận sự đóng góp, năng lực của tôi, nhưng việc để phụ nữ trở thành lãnh đạo thì nhiều người không đồng ý, bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn. Vì thế, thời gian đầu nhận nhiệm vụ tôi sụt mất 4kg. Vừa vì khối lượng công việc nhiều, song cái chính là áp lực rất lớn”, chị Lế bộc bạch.

Cũng như chị Lế, hành trình trở thành nữ Bí thư Chi bộ đầu tiên tại bản Nậm Pan 2, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé của chị Giàng Thị Pày đầy thách thức. Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ (năm 2020), chị Pày bảo: “Ai cũng hoài nghi, kể cả chồng tôi. Bởi trước đó, anh cũng từng làm Bí thư Chi bộ bản này. Khi tách bản mới thì anh được điều động sang đó để gây dựng cơ sở Đảng”.

Chị Giàng Thị Pày (bên trái), Bí thư Chi bộ bản Nậm Pan 2 , xã Mường Toong, huyện Mường Nhé hỗ trợ người dân địa phương xát thóc

Nghi ngờ của chồng chị Pày là có lý. Bởi dân số bản Nậm Pan 2 đông gấp 2, thậm chí gấp 3 địa bàn khác (gần 200 hộ, trên 1.000 nhân khẩu). Trong đó đa phần là đồng bào dân tộc Mông. Một bộ phận không nhỏ còn hạn chế về nhận thức, phong tục, tập quán còn lạc hậu…

“Có người bảo tôi là, đàn ông có khi làm còn chẳng được, mình đàn bà ham hố quyền lực, chức vụ làm gì. Bản thân tôi biết mình chẳng quan trọng mấy thứ ấy. Nhưng là vì lãnh đạo giao nhiệm vụ, kỳ vọng, đa phần bà con đã tín nhiệm bầu, thì tôi phải nhận và hoàn thành cho bằng được”, chị Pày bộc bạch.

Đi đầu và đứng đầu

Năm 2015, chị Pờ Mỳ Lế được Huyện ủy Mường Nhé tín nhiệm phân công giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu. Với hơn 90% là đồng bào dân tộc Hà Nhì. Trải qua nhiều thế hệ, chị Lế nhận thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn trong nhiều nếp nhà. “Tôi nhận nhiệm vụ bằng quyết tâm phải thành công để chứng minh rằng, phụ nữ Hà Nhì có thể gánh vác được việc lớn”, chị Lế nói.

Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu - Pờ Mý Lế giúp người dân địa phương cấy lúa

Hai mục tiêu mà nữ Bí thư đặt ra cho nhiệm kỳ của mình là giúp người dân thoát nghèo và đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn. Để làm được, điều đầu tiên chị Lế xác định là phải thay đổi nhận thức của bà con. Từ việc sắn quần lội ruộng, cuốc đất… đến chỉ đạo trên các “diễn đàn”, hội họp ở địa phương, chị luôn gương mẫu đi đầu và thể hiện rõ bản lĩnh người đứng đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Sau chưa đầy 1 nhiệm kỳ, chị Lế đã lãnh đạo tập thể cán bộ, đảng viên trong xã tạo sự khởi sắc cho vùng biên này. Đặc biệt là những năm gần đây, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp nâng cao chất lượng đời sống bà con. Từ một xã có trên 70% là hộ nghèo, đến nay đã giảm còn gần 30%. Hiện Sín Thầu đã đạt chuẩn nông thôn mới, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 35,4 triệu đồng/người/năm.

Đặc biệt, việc phát triển đảng viên và phát huy vai trò của họ ở cơ sở được quan tâm, chú trọng. Nếu như năm 2015, toàn xã chỉ có 35 đảng viên thì sau gần 2 nhiệm kỳ, con số này đã tăng lên là 130 người, trong đó có 36 nữ, vượt xa so với Nghị quyết đầu nhiệm kỳ đã đặt ra. Riêng năm 2022, đã phát triển được 17 đảng viên (kế hoạch giao 15 đảng viên), trong đó có 5 nữ.

Còn nữ Bí thư Chi bộ bản Nậm Pan 2, chị Giàng Thị Pày thì luôn được lãnh đạo xã đánh giá cao vai trò gương mẫu, đi đầu, giúp đỡ người dân địa phương trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và phòng, chống tảo hôn. Mặc dù còn trẻ tuổi, song hiện gia đình chị Pày đang sở hữu một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước. Vừa kinh doanh cửa hàng tạp hóa, máy xay sát phục vụ nhu cầu bà con, chị Pày còn đầu tư chăn nuôi trâu, bò; sản xuất sắn, với tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Năm 2021, bản Nậm Pan 2 được lựa chọn làm điểm mô hình phòng, chống tảo hôn. Xác định nhiệm vụ, chị Pày đã đi từng hộ để nhắc nhở, kiên trì tuyên truyền. Riêng năm 2022, chị Pày đã kịp thời ngăn chặn được gần 10 cặp có ý định tảo hôn. Vận động các em tiếp tục duy trì việc học, tạm thời chưa sinh con. Nếu như trước đây, phong trào ly hương để đi làm thuê ở bản phát triển mạnh, thì nay nhu cầu lao động đã chuyển dịch dần theo hướng phát triển kinh tế tại địa phương, với nhiều mô hình chăn nuôi, trồng các giống cây mới có giá trị…

“Mặc dù là nữ, song đồng chí Pày thực hiện các nhiệm vụ được giao không thua kém nam giới. Thậm trí có phần vượt trội. Nhất là trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn, sinh nhiều con và thúc đẩy trẻ em gái tiếp tục đi học phổ thông, học nghề. Qua đó góp phần thay đổi cuộc sống gia đình, bản làng”, ông Giàng A Khua - Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ.

Người dân xã Sín Thầu thu hoạch ngô

Ông Tạ Văn Sơn - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Mường Nhé cho biết: Với đặc thù là huyện biên giới, có đông đồng bào DTTS sinh sống, những năm qua, địa phương luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, cán bộ người DTTS, nhất là nữ. Trong quá trình thực hiện, Mường Nhé bám sát Quyết định 402/QĐ-TTg, ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức  người DTTS trong thời kỳ mới. Trong đó, bao gồm cả phát triển đội ngũ cán bộ, lãnh đạo nữ. Trong tổng số 962 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của huyện, có 24 người là nữ đang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý (chiếm 2,4%). Ngoài ra, một số lãnh đạo tiêu biểu khác có thể kể đến như: Chị Lò Thị Nhâm - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Nhé; Lò Khay Nu - Bí thư Đoàn xã Sen Thượng…

“Mặc dù chiếm tỷ lệ hết sức khiêm tốn, gặp nhiều rào cản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, song đội ngũ đảng viên, lãnh đạo là nữ luôn phát huy tốt vai trò của mình ở cơ sở. Chị em không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân cả về trình độ chuyên môn, năng lực thực hiện nhiệm vụ. Họ thực sự là những "nữ tướng", những thủ lĩnh đi đầu, lãnh đạo địa phương trong phát triển các mặt công tác”, ông Sơn khẳng định.

baodantoc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video