Quảng Trị: Nữ đảng viên người DTTS tiên phong nâng cao vị thế của phụ nữ vùng cao

25/09/2022
Trên dặm dài dọc dãy Trường Sơn, thân phận người phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô bao đời nay chịu nhiều thiệt thòi bởi các hủ tục, tập quán lạc hậu. Có những người phụ nữ không cam chịu số phận, quyết tâm thoát khỏi bóng núi để học tập, làm việc và thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ người DTTS làm chủ được cuộc sống và bình quyền trong gia đình vẫn còn thấp.
Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Thị Minh là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, vươn tới ước mơ.

Người “truyền lửa”

Nhiều năm nay, người dân, cử tri tỉnh Quảng Trị đã quá quen thuộc với một nữ Đại biểu Quốc hội người Vân Kiều phong cách giản dị, tác phong làm việc chỉnh chu và thái độ hòa nhã, dễ gần. Chị là Hồ Thị Minh - Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Là người bận rộn với công việc nên phải mất nhiều lần đặt lịch hẹn, chúng tôi mới gặp được để trò chuyện cùng chị. “Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở thôn A La, xã Ba Nang, huyện Đakrông. Ba mẹ tôi sinh được 3 người con gái. Chị đầu của tôi là Hồ Thị Việt - Bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng Khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa. Em gái út Hồ Thị Thu là giáo viên Trường THCS Khe Sanh. Ba tôi từng đi bộ đội, nên ông sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, văn minh. Sau khi phục viên, ông đưa cả gia đình đến sinh sống, lập nghiệp tại thị trấn Khe Sanh để các con có điều kiện học hành tốt hơn”, chị Minh mở đầu câu chuyện.

Với sự quan tâm, động viên, hỗ trợ tối đa từ gia đình, đặc biệt là từ người ba, 3 chị em chị Minh được ăn học đến nơi, đến chốn. Không phụ lòng ba mẹ, sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, chị Minh theo học khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Huế.

Năm 1998, chị Minh thi đậu công chức và được biên chế về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hướng Hóa. Sau đó, chị được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Khe Sanh. Năm 2001, chị Minh khiến nhiều người nể phục, khi là giáo viên đầu tiên của huyện Hướng Hóa trúng tuyển kỳ thi cao học ngành Giáo dục học.

“Một tháng sau khi trúng tuyển thạc sĩ, ba tôi chẳng may bị ngã và ốm nặng, nằm liệt giường. Quãng thời gian 2 năm ba ốm, tôi vừa học vừa chăm ba tại bệnh viện. Ba mất khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp là cú sốc quá lớn đối với tôi. Nhiều hôm, đang viết luận văn mà nước mắt rơi tự lúc nào vì thương nhớ ba. Tôi luôn khắc ghi lời ba dạy: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải gắng học, học thật giỏi để thay đổi số phận”. Đó là kim chỉ nam để tôi nỗ lực mỗi ngày”, chị Minh nhớ lại.

Năm 2004, chị Minh tốt nghiệp cao học, nhận bằng thạc sĩ và trở về trường dạy học. 3 năm sau, chị ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XII nhưng không trúng cử. Thời gian này, chị được cấp trên bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Hướng Hóa. Năm 2010, chị tham gia Ban Chấp hành Huyện ủy Hướng Hóa nhiệm kỳ 2010 - 2015. Sau đó được bầu vào Ban Thường vụ Huyện ủy, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và được phân công làm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hướng Hóa.

Năm 2016, chị tiếp tục ứng cử và trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, chị tiếp tục tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy, làm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Hướng Hóa. Trong giai đoạn này, chị chủ động tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xin chủ trương mở các lớp đại học từ xa, hệ vừa học vừa làm tại Trung tâm Chính trị huyện giúp chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu công tác, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trong quá trình làm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, chị tham mưu mở được 3 lớp; trong đó, 1 lớp đại học từ xa, 1 lớp hệ vừa học vừa làm, 1 lớp văn bằng 2 cho hàng trăm cán bộ. Những cán bộ được đào tạo hệ đại học tại Trung tâm Chính trị huyện hiện nay giữ nhiều chức vụ chủ chốt của các xã trên địa bàn. Từ tháng 3/2021, chị được điều động và bổ nhiệm chức vụ Phó Ban Dân tộc tỉnh. Tháng 5/2021, chị tái cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

“Đến bây giờ, chị đã có một vị thế nhất định trong xã hội. Vậy, có khi nào chị nhìn lại chặng đường đã qua?”, tôi hỏi.

Chị Minh cười nhẹ rồi đáp: “Sinh ra trong gia đình ba mẹ làm nông còn nhiều khó khăn, vất vả, nên để có được như ngày hôm nay, tôi đã nỗ lực, phấn đấu rất nhiều. Những lúc gần như gục ngã, lời dạy của ba là điểm tựa để tôi vượt qua. Không chỉ tự giúp mình, với vai trò là Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, tôi làm cầu nối để chuyển tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân và gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri đến với Quốc hội. Qua đó, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào mình và những người phụ nữ yếu thế sớm vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Thật may mắn là trong quá trình công tác, tôi luôn được lãnh đạo, đồng nghiệp tin tưởng, động viên, khích lệ để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, chị Minh chia sẻ.

Để phụ nữ được vươn lên

Chị Minh là một minh chứng cụ thể, sinh động cho quá trình nỗ lực, vượt qua mọi trở lực của số phận để vươn tới ước mơ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội, lòng can đảm để đạt được những điều ấy. Đối với phụ nữ vùng cao lại càng khó khăn hơn. Theo quan niệm của người Vân Kiều, Pa Kô từ xưa, phụ nữ đến tuổi là phải lấy chồng, sinh con. Nếu sinh ra trong gia đình đông con, thì bố mẹ sẽ ưu tiên cho con trai đi học, con gái phải ở nhà làm việc phụ giúp gia đình.

Thực tế, có nhiều trẻ em gái bị cản trở việc học vì hoàn cảnh gia đình, tập tục lâu đời và tình trạng bất bình đẳng giới. Tỷ lệ tảo hôn cao cũng là nguyên nhân khiến trẻ em gái đánh mất cơ hội học tập và tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, vấn đề bạo lực gia đình xảy ra khá phổ biến.

Để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, giúp phụ nữ vươn lên trong cuộc sống, cần sự vào cuộc của chính quyền, ban, ngành các cấp và sự tham gia của toàn xã hội.

Thêm một trở lực nữa khiến bất bình đẳng giới trong đồng bào DTTS còn dai dẳng, là xuất phát từ chính nhận thức của phụ nữ còn hạn chế. Trong tiềm thức họ đã ăn sâu, bám rễ là họ phải cam chịu thiệt thòi, sẵn sàng làm mọi việc trong gia đình. Thậm chí có nhiều nơi chồng ở nhà nhậu nhẹt, vui chơi tối ngày trong khi phụ nữ phải lên nương lên rẫy làm những công việc nặng nhọc. Có thể thấy rằng, từ trong nhận thức, nhiều phụ nữ chưa muốn tự mình nâng cao vị thế trong gia đình.

Theo chị Minh, giải pháp đầu tiên đối với thực hiện bình đẳng giới trong đồng bào DTTS là công tác giáo dục. Vấn đề dạy chữ viết cho phụ nữ là ưu tiên hàng đầu. Những chương trình dạy chữ cần thiết thực, kết hợp phát triển kinh tế và học chữ để khuyến khích phụ nữ tham gia. Cần quan tâm để các em gái có thể theo đến hết bậc trung học, học cao lên và tránh tái mù chữ như các thế hệ phụ nữ trước. Cùng với đó, cần thực hiện nghiên cứu toàn diện hơn về tỷ lệ mù chữ trong phụ nữ DTTS để có thể đưa ra những giải pháp xóa mù phù hợp và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tăng cường mở các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe, dân số và kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con, kỹ năng sống và tổ chức cuộc sống gia đình hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hình tượng người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, tích cực lao động sản xuất, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Hiện nay, lao động nữ DTTS vẫn bị tụt hậu so với mặt bằng chung của xã hội do rào cản ngôn ngữ và hạn chế về trình độ học vấn. Các lớp đào tạo dạy nghề cho phụ nữ DTTS cần quan tâm đến những đặc thù này và khả năng tham gia vào thị trường lao động cụ thể. Trong công tác đào tạo nghề cần có sự hài hòa về vai trò sản xuất và tái sản xuất của người phụ nữ. Cần tiếp tục đầu tư và củng cố cơ sở hạ tầng ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để giúp phụ nữ DTTS tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ giáo dục và y tế.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành, tạo điều kiện cho phụ nữ DTTS có việc làm tại chỗ, có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, không phải đi làm ăn xa, có điều kiện chia sẻ trong thực hiện vai trò của người phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng giới.

“Bình đẳng giới, bình đẳng các dân tộc trở thành mục tiêu phát triển của Việt Nam nói riêng, của cộng đồng quốc tế nói chung. Để đạt được mục tiêu này, cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền, ban, ngành các cấp và sự tham gia của toàn xã hội”, chị Minh nhấn mạnh.

baoquangtri

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video