Quảng Trị: Phòng, chống bạo lực gia đình gắn với hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, từng bước đưa nội dung các luật, văn bản dưới luật về xây dựng gia đình đi vào cuộc sống của hội viên phụ nữ (HVPN) vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi được các cấp Hội chú trọng, tập trung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), Luật trẻ em, Luật Bình đẳng giới…; tổ chức nói chuyện chuyên đề về bạo lực gia đình, sức khoẻ sinh sản, tuổi thành niên, giới và giới tính, hôn nhân gia đình, phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội, môi trường an toàn,... đến hơn 200 ngàn lượt hội viên phụ nữ và người dân.
Điểm đáng chú ý là các hình thức tuyên truyền được sân khấu hóa, giúp đồng bào Vân Kiều, Pa Kô dễ hiểu, dễ nhớ. Nổi bật như: phối hợp với ngành Văn hóa - Thể thao tổ chức hội thi, diễn đàn “Tìm hiểu luật phòng, chống bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc”, “kiến thức bố mẹ - sức khỏe con”, Hội thi “ATGT với hạnh phúc gia đình”, bữa ăn dinh dưỡng, “Chung tay phòng chống tảo hôn”, diễn đàn giao lưu “Vì một cộng đồng không bạo lực” và trưng bày bộ sản phẩm “Nước mắt cười”...
Hội đã xây dựng 16 CLB gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 với 500 thành viên tham gia. Các CLB có chủ đề sinh hoạt phù hợp, sinh động chuyển tải đến hội viên những nội dung thiết thực, bổ ích trong cuộc sống. Để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực gia đình nhằm tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả của bạo lực gia đình, tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức Cây Hòa Bình tại Việt Nam, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng 3 nhà tạm lánh nằm tại thư viện phụ nữ xã Tân Thành và Hướng Tân (huyện Hướng Hóa), xã Mò Ó (huyện Đakrông) với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng.
Mô hình nhóm “Tiết kiệm vốn vay thôn bản” vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Quảng Trị
Qua khảo sát cho thấy, 60% các vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân từ kinh tế, chính vì vậy, để tạo nền tảng cho hạnh phúc gia đình, phòng chống tệ nạn bạo lực phụ nữ, trẻ em thì vấn đề cốt lõi được Hội xác định là hỗ trợ phụ nữ DTTS nâng cao quyền năng kinh tế, giúp chị em có việc làm, thu nhập ổn định nâng cao đời sống. Nhằm tạo được nguồn vốn vay tại chỗ, Hội đã vận động hội viên phát huy nội lực xây dựng, nhân rộng 418 nhóm tiết kiệm vốn vay thôn bản với 7.517 hội viên tham gia tại 27 xã, phường thị trấn, đến nay tổng dư nợ tiền tiết kiệm cho nhau vay là 2,636 đồng, đang cho chị em vay. Bên cạnh huy động tiết kiệm từ chị em, các cấp Hội cũng đã tranh thủ kết nối các nguồn lực từ Ngân hàng chính sách xã hội và vốn các dự án phi chính phủ đatk dư nợ đến nay 1.885,589 tỷ đồng, hỗ trợ cho 68.106 lượt hội viên, phụ nữ vay. Trước tình hình tỷ lệ hộ nghèo ở các xã miền núi còn cao, Hội LHPN tỉnh và các huyện, cơ sở tham gia tích cực và có trách nhiệm phong trào “Tổ, xóm, khu dân cư không có hộ nghèo” do tỉnh phát động, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính Phủ phát động. Tiếp tục thực hiện các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ trên cơ sở rà soát, nắm bắt cụ thể nguyên nhân nghèo và phân công giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo.
Kết quả, trong 5 năm qua, Hội LHPN các huyện có đồng bào DTTS đã giúp đỡ 15.323 lượt hộ phụ nữ nghèo, trong đó có 723 lượt hộ PN nghèo chủ hộ thoát nghèo. Xây dựng “Ngân hàng con giống” qua đó cấp phát hàng trăm con bò, lợn giống, hàng vạn con gà giống và giống rau các loại cho 660 hộ nghèo để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, tổng trị giá gần 5 tỷ đồng. Hỗ trợ hàng trăm phụ nữ khởi sự kinh doanh với các hình thức như tập huấn trang bị kiến thức, cho vay vốn, hướng dẫn thủ tục, pháp lý...; hỗ trợ gần 30 mô hình chăn nuôi lợn/dê/bò sinh sản quay vòng với trên 300 hộ hội viên tham gia. Phối hợp đào tạo nghề cho 9.982 hội viên, phụ nữ, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo chiếm 80%; vận động, hỗ trợ 178 con em của hội viên, phụ nữ tham gia đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Hội LHPN tỉnh phối hợp với tổ chức Plan tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo phát triển sinh kế cho nhóm hộ gia đình vùng DTTS; phát động 4 cuộc thi “Xây dựng ý tưởng khởi nghiệp” cấp tỉnh hàng năm, đã có 10 ý tưởng của HVPN DTTS tham gia, trong đó có 4 ý tưởng có chất lượng cao được BTC cuộc thi lựa chọn trao giải. Đã có nhiều ý tưởng của chị em được hiện thực hóa có hiệu quả cao như: ý tưởng du lịch trãi nghiệm cộng đồng 199.000 đồng, THT trồng chuối lùn bản địa xã Tà Rụt, du lịch thiên nhiên “Miền Viên Thảo”...Tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các mô hình kinh tế, THT do Hội đầu tư, đồng thời góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tổ chức các phiên chợ quê, ngày hội giới thiệu sản phẩm, hội nghị kết nối cung - cầu...
Bà Nguyễn Thị Quế Phượng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Quảng Trị cho biết: “Hội LHPN tỉnh được UBND tỉnh giao chủ trì triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Dự án 8 được thiết kế với 6 chỉ tiêu cốt lõi và nhiều hoạt động can thiệp, tập trung vào 4 nhóm nội dung: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em. Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng; Giám sát và phản biện xã hội. Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và người có uy tín trong cộng đồng...”. Triển khai các hoạt động của Dự án 8 một cách một cách nghiêm túc, khoa học, hiệu quả, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2021- 2026 để tác động toàn diện làm thay đổi căn bản thực trạng bạo lực gia đình, rút ngắn khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phát triển kinh tế - xã hội của phụ nữ tại vùng DTTS và miền núi, xây dựng nông thôn mới ngày càng khởi sắc, giữ gìn an ninh biên giới, chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.