Tỷ lệ cán bộ nữ của Việt Nam vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra
Sáng 11/3, tại buổi Toạ đàm "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới" do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức, Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã có những chia sẻ về công tác cán bộ nữ của Việt Nam trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch Hà Thị Nga, trong những năm qua, công tác cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành. Với khung pháp lý tiến bộ, khá toàn diện và phù hợp với các yêu cầu quốc tế, cùng với sự nỗ lực vươn lên của các lực lượng phụ nữ, Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực về bình đẳng giới, phụ nữ đã và đang tham gia ngày càng nhiều trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực chính trị.
Toạ đàm do bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì
Đội ngũ cán bộ nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo, quản lý, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng tăng về số lượng và chất lượng; kết quả thực hiện bình đẳng giới của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập.
"Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có nỗ lực tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp" – Chủ tịch Hà Thị Nga chia sẻ thông tin.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, căn cứ vào Nghị quyết số 11, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và một số văn bản của Đảng, tỷ lệ cán bộ nữ ở nước ta hiện nay vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, có sự tăng trưởng song tỷ lệ tăng chưa cao và thiếu tính bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và sự đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ.
Toạ đàm sẽ xác định các nguyên nhân và đưa ra những kiến nghị, giải pháp để góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác cán bộ nữ trong thời gian tới
Vẫn còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu. Vẫn còn cơ sở không có cấp ủy viên là nữ; có những địa phương chưa có nữ tham gia ban thường vụ cấp ủy; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND có nơi chưa đạt 20%....
Bà Hà Thị Nga cũng nêu ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan của vấn đề này, cụ thể:
Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế; chủ trương công tác cán bộ nữ chưa được quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc ngay từ khâu quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng, đề bạt cán bộ;
Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến tại điểm cầu 62 tỉnh, thành phố
Việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phụ nữ, cán bộ nữ chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ.
Vai trò của tổ chức Hội LHPN các cấp trong tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ trong từng thời kỳ còn hạn chế.
Một bộ phận phụ nữ chưa thực sự chủ động phấn đấu vươn lên...
"Vấn đề này đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền phải nỗ lực, quan tâm hơn nữa cả trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, cũng như tìm ra các cơ chế, biện pháp thích hợp để phụ nữ được tham chính một cách công bằng, từ đó có thể được tham gia sâu hơn vào quá trình hoạch định và quyết định những vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước"- Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh.