Đồng bào Dao bản Cát hát dân ca về Bác Hồ

21/03/2008
Mới đến nửa chừng con dốc cao chót vót dẫn đến bản Cát, xã Bản Qua, huyện biên giới Bát Xát (Lào Cai), đã thấy vang lên những làn điệu dân ca Dao mượt mà, hoà lẫn tiếng sáo trúc, tiếng kèn pí lè réo rắt, trầm bổng…
Ngày đầu xuân hoặc trong lễ cưới hay lễ cúng rừng, người Dao mớihát dân ca truyền thống. Hôm nay mọi người tụ họp ở nhà trưởng thôn Kim Văn Tín, bàn chuyện trồng rừng vụ xuân và sinh hoạt văn nghệ, sôi nổi nhất là đám thanh niên hát dân ca lời mới, đó là những bài hát được phỏng theo những bài thơ chúc Tết, hoặc những bài trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác Hồ.

Ngạc nhiên, chúng tôi hỏi tác giả của những bài hát đó thì được biết đó là anh Lò A Hằn, người Dao, năm nay ngoài 50 tuổi, nhà ở tít cuối bản.

Trưởng thôn Kim Văn Tín cho biết: Qua những bài hát dân ca do anh Hằn chuyển thể, người già, người trẻ bản Cát hiểu rõ hơn về Bác Hồ và Đảng đãđem lại độc lập, tự do, cơm áo cho mọi dân tộc trên đất nước Việt Nam. Bác Hồ dạy, muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phải thì phải đoàn kết, cố gắng học tập, siêng năng lao động, bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hoá. Người Dao bản Cát chúng tôi bảo nhau cố gắng làm theo lời dạy của Bác. Lớp thanh niên Dao ở bản bây giờ đều biết hát dân ca của tổ tiên ông bà, lại biếtthi đua học tập tấm gương sáng của Bác Hồ, chăm chỉ lao động, làm điều tốt, không sa vào tệ nạn xã hội. Mừng nhiều lắm!

Bí thư Đảng uỷ xã Hà Mạnh Tuấn cho biết thêm: Phong trào hát dân ca Dao về Bác Hồ ở bản Cát bắt đầu từ khi anh Hằn chuyển thể những bài thơ giàu chất nhạc của Bác sang thành những bài hát dân ca Dao khiến bà con dân tộc Dao ở đây rất thích vì dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ. Qua đó hiểu biết rõ hơn, sâu sắc hơn đức tính cần kiệm, lối sống giản dị, tình cảm yêu thương và công ơn của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi. Người Dao ở Bát Xát từ lâu đã hằng ngưỡng vọng, kính yêu Bác Hồ như người Cha già, nhưng nhiều người còn chưa biết tiếng phổ thông, nay nhờ chuyển thể thơ Bác Hồ sang những bài hát dân ca truyền thống nên có độ phổ biến rộng rãi,để học tập và làm theo. Chúng tôi coi đó là một kênh tuyên truyền rất hiệu quả, đang có những biện pháp hỗ trợ để nhân rộng.

Hỏi chuyện, anh Hằn bảo những bài thơ lục bát, hoặc thất ngôn tứ tuyệt của Bác Hồ rất ngắn gọn, nhưng có sức lay động, thuyết phục lớn, vì rất trúng tâm tư, tình cảm, ước vọng của mọi người. Anh tâm sự rằng, rất thích những bài thơ chúc Tết của Bác vì đọc lên thấy âm hưởng phấn khích, hào hùng; đặc biệt bài thơ “Hòn đá to, hòn đá nặng” và những câu thơ Bác dạy thanh niên: Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên”, mỗi khi gặp khó khăn, hay vấp váp trong cuộc sống, đọc thơ của Bác thấy như được động viên, tiếp thêm nghị lực để vượt qua.

Anh Hằn kể, từ nhỏ đã yêu thích ca hát, được mẹ dạy cho nhiều bài hát dân ca truyền thống. Từ sức lay động của những bài thơ của Bác Hồ, lại sẵn có vốn dân ca truyền thống dân tộc mình, anh Hằn liền dịch nghĩa ý thơ Bác, rồi mượn những làn điệu dân ca Dao để đưa thơ Bác đến với nhiều người, nhất là những người không biết chữ trong bản. Ngoài chuyển thơ Bác sang dân ca người Dao, anh Hằn còn dịch nghĩa, chuyển thể, sáng tác nhiều bài hát, tiểu phẩm vui sang tiếng Dao để tuyên truyền bà con phát triển kinh tế, bảo vệ rừng, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, bài trừ mê tín dị đoan... Đời sống người Dao bản Cát ngày càng khá lên, số hộ nghèo giảm, không có người nghiện hút hoặc mắc các tệ nạn xã hội.

Trước khi chia tay, tự anh Hằn hát một bài dân ca bằng tiếng Dao ca ngợi quê hương Bát Xát giàu đẹp và công ơn to lớn của Đảng và Bác Hồ đã đem lại độc lập tự do và cuộc sống no ấm cho đồng bào các dân tộc miền núi cao nơi đây. Anh nói, chỉ ước muốn có được tập thơ của Bác Hồ để chuyển sang được nhiều bài hát dân ca Dao hay và nhiều ý nghĩa cho mọi người cùng học tập.

Quốc Hồng
Theo báo Lào Cai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video