“Điểm nhấn” trong triển khai Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước

02/06/2015
Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” giai đoạn 2010- 2015 do 4 bộ/ngành chủ trì thực hiện gồm: Hội LHPN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với thế mạnh riêng của mỗi ngành, sau 5 năm triển khai hoạt động, Đề án tạo được những “điểm nhấn” đáng ghi nhận, tác động tới nhận thức, tình cảm và hành vi của các tầng lớp phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

.Hội LHPN Việt Nam: Uu tiên truyền thông diện rộng phù hợp với nhu cầu của các tầng lớp phụ nữ

Với mục tiêu 95% trở lên hội viên phụ nữ, nữ đoàn viên thanh niên, nữ cán bộ, công chức, viên chức và nữ công nhân; 70 % trở lên phụ nữ được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam, tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội LHPN Việt Nam lựa chọn giải pháp ưu tiên truyền thông diện rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tính từ năm 2013, với 9 số chuyên mục giáo dục đạo đức lối sống cho các đối tượng phụ nữ trong chuyên mục “Vì sự tiến bộ phụ nữ”- VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, 6 chương trình giáo dục phẩm chất đạo đức cho giới trẻ trên kênh VTV6; 12 phóng sự truyền thanh bằng 3 thứ tiếng dân tộc trên Đài Tiếng nói Việt Nam; sản xuất 12 phim thông điệp “Những đóa sen hồng”, in sao gần 5.000 bản đã góp phần tuyên truyền rộng rãi đến người dân và phụ nữ cả nước về 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước, đồng thời phục vụ sinh hoạt hội viên tại cơ sở.

Bên cạnh đó, cuộc thi viết Những tấm gương Phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang” đã thu hút gần 30 nghìn bài tham gia dự thi, nhiều bài viết có chất lượng được đăng tải trên Báo Phụ nữ Việt Nam và websites của Hội đã tuyên truyền, nhân rộng các điển hình về rèn luyện, phấn đấu trong cuộc sống.

Liên hoan hát ru, hát dân ca và cổ truyền của các cấp Hội là một hoạt động sinh hoạt văn hóa, chính trị rộng khắp, thực sự khơi dậy được tình yêu quê hương, con người Việt Nam góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần quan trọng trong việc giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước, cổ vũ cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động Hội và phong trào phụ nữ, chung tay xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

Ngành Giáo dục và Đào tạo: Tổ chức thành công nhiều cuộc thi, cuộc vận động, phong trào thi đua

Giáo dục phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cho nữ nhà giáo và nữ học sinh, sinh viên không chỉ để giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, mà còn là sự chuẩn bị vô cùng quan trọng nguồn nhân lực cho đất nước, giúp đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo có đủ bản lĩnh, trí tuệ, đạo đức, lòng vị tha, nhân hậu và năng động, sáng tạo để làm tốt sự nghiệp “trồng người”.

Được Chính phủ giao chủ trì Tiểu Đề án 2 trong hệ thống trường học, ngành Giáo dục chú trọng thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam với các cuộc vận động, các chương trình, phong trào chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của ngành; lồng ghép nội dung về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam vào các môn học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, tuần sinh hoạt công dân đầu năm học; mở các sinh hoạt chuyên đề… Báo Giáo dục và Thời đại đã tổ chức thành công cuộc thi "Cô giáo của tôi" thu hút trên 71.000 bài dự thi, đăng tải 201 tác phẩm viết về những tấm gương nữ nhà giáo tiêu biểu, tuyên truyền nhiều câu chuyện cảm động về tình cô- trò trên các ấn phẩm của Báo. Chuyên mục “Nữ sinh Việt Nam: Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang” cũng là sáng kiến tuyên truyền có hiệu quả, tạo được một diễn đàn rộng rãi thể hiện suy nghĩ, quan điểm của những nữ sinh thời đại mới, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của nữ học sinh, sinh viên trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Ngành Thông tin và Truyền thông: Chú trọng xây dựng mạng lưới phóng viên, biên tập viên

Ngành Thông tin và Truyền thông tham gia chủ trì Tiểu Đề án 3 với tư cách giúp các nhà quản lý, lãnh đạo, biên tập và các phóng viên chuyên viết và thực hiện chương trình về mảng đề tài phụ nữ của các cơ quan báo, đài ở trung ương và địa phương có kỹ năng tuyên truyền về phẩm chất đạo đức người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, hàng năm, các sở Thông tin và Truyền thông đều tổ chức các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ phóng viên báo chí tại địa phương. Các sản phẩm tuyên truyền về Đề án 343 của đội ngũ phóng viên được đăng tải trên các phương tiện truyền thông của địa phương với nhiều loại hình phong phú: chuyên mục, tin, phóng sự tài liệu, phóng sự điển hình, tọa đàm, phim tài liệu, clip,…..đều là những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính chuyên sâu, tạo được hiệu ứng tốt tại cộng đồng. Để ghi nhận những đóng góp của đội ngũ phóng viên báo chí trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ,Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tọa đàm gặp gỡ gương các phóng viên, biên tập viên tiêu biểu trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, kết quả bước đầu thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều đối tượng người dân trong cộng đồng.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thông qua nhiều hoạt động văn hóa thiết thực, đa dạng

Trước yêu cầu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát phát triển bền vững đất nước, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì triển khai Tiểu Đề án 4 thông qua hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động sân khấu hóa- biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động chủ đề về phụ nữ, ca ngợi những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, các cuộc triển lãm ảnh thời sự, nghệ thuật giới thiệu một số hình ảnh và thành tựu do phụ nữ đạt được trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước; xây dựng phim phóng sự tài liệu tuyên truyền về hoạt động của Đề án; liên hoan tuyên truyền lưu động, liên hoan hát ru, hát dân ca và cổ truyền ca ngợi về phẩm chất phụ nữ Việt Nam; thi sáng tác tranh cổ động, sáng tác, biên tập, dàn dựng, biểu diễn các chương trình nghệ thuật lưu động chủ đề ca ngợi phẩm chất đạo đức phụ nữ đều là những hoạt động văn hóa nghệ thuật có tác động tích cực tới việc giáo dục phẩm chất đạo đức và xây dựng hình ảnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Trong 2 năm 2014 và 2015, công tác gia đình được triển khai với chủ đề “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục, đạo đức lối sống trong gia đình”. Theo đó, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai đa dạng tại các địa phương như tăng cường các hoạt động tuyên truyền ở cơ sở về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng, kế thừa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị mới, tiến bộ….

Có thể nói, sau 5 năm triển khai hoạt động, mặc dù còn những khó khăn, hạn chế, nhưng kết quả quan trọng của các ngành tham gia triển khai Đề án“Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” đã góp phần giúp các cấp, các ngành có cái nhìn mới về vai trò, tầm quan trọng của nữ giới, quan tâm vì sự tiến bộ của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, tôn trọng và ghi nhận sự đóng góp của cán bộ nữ các cấp, các ngành trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hương Giang- Ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video