“Cách mạng Việt Nam đã làm thay đổi cuộc đời tôi”

24/11/2005
Từng hoạt động không mệt mỏi trong phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam ngay từ khi còn rất trẻ, Merle Patner (MR), nhà hoạt động xã hội người Mỹ, đồng Chủ tịch Diễn đàn Brecht, Trường Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở New York, được biết đến như một người luôn hết lòng vì Việt Nam.

Gặp chị tại Hà Nội một ngày đầu tháng sáu với áo lụa xanh, tóc đen, tay cắp non, mới thấy Việt Nam đã như một phần máu thịt trong người phụ nữ Mỹ mang đầy chất Á Đông này.

 

PV. Xin chị cho biết do đâu mà chị lại dành nhiều tình cảm cho Việt Nam đến như vậy?

 

M R: Nhiều người bạn Mỹ và Việt Nam cũng hỏi tôi như thế. Một số cho rằng vì chồng tôi là một Việt kiều và tôi có nhiều bạn thân ở Việt Nam. Nhưng lý do thật đơn giản: Tôi yêu vẻ đẹp đất nước, lịch sử và nền văn hoá Việt Nam. Cuộc cách mạng Việt Nam đã làm thay đổi cuộc đời tôi, chồng tôi và hàng triệu người Việt Nam khác. Chiến thắng của các bạn đã chỉ ra rằng nhân dân lao động có thể thay đổi được xã hội phù hợp với lợi ích của mình.

 

Nó cũng giúp chúng tôi tin là một ngày nào đó chúng tôi có thể đấu tranh chống lại bất công và áp bức bóc lột ngay tại chính nước Mỹ. Và cuối cùng là vì, cuộc cách mạng của các bạn đã mở đường cho tôi đến với Chủ nghĩa Mác và khoa học xã hội.

 

Vì thế, thật khó nói hết được những tình cảm của tôi đối với Việt Nam.

 

Merle Ratner sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Mỹ nhưng chị sớm nhận thức được tính chất tàn khốc của cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ởViệt Nam.

 

Năm 1969, khi mới 13 tuổi, chị bắt đầu chính thức tham gia các hoạt động chống chiến tranh. Đó cũng là lần đầu tiên chị bị bắt cùng với rất nhiều nhà hoạt động khác trong một cuộc biểu tình trước cứa toà nhà Liên hợp quốc. Cô gái trẻ ấy đã một mình treo khấu hiệu chống chiến tranh ngay dưới chân tượng Nữ thần Tự do và bị bắt đến hơn 10 lần vì chính những hoạt động phản đối chiến tranh.

 

PV: Kỷ niệm nào mà chị nhớ nhất trong những năm tháng hoạt động vì Việt Nam?

 

MR: Có hai kỷ niệm còn in đậm trong tôi. Đó là một lần trong cuộc biểu tình trước Nhà thờ Thánh Patricks ở New York, một người bạn của tôi, nhà lãnh đạo phong trào cựu chiến binh người Mỹ gốc Phi, anh Al Habbard đã bị thương nặng. Cho đến nay, hình ảnh anh với máu và những vết tím bầm vẫn đeo đẳng theo tôi không lúc nào nguôi. Nó cho thấy tính bạo lực và phân biệt chủng tộc của cuộc chiến tranh phi nghĩa này.

 

Một kỷ niệm khác đó là ngày chiến thắng 30/4/1975 của nhân dân Việt Nam. Tôi và những người đồng chí khác thực sụ vui sướng. Chúng tôi đã tổ chức một lễ ăn mừng ngay tại New York.

 

Chiến thắng đó không chỉ giải phóng cho nhân dân Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân đế quốc, nó còn là tấm gương cho nhân dân trên toàn thế giới.

 

Đối với nước Mỹ, điều này có nghĩa hoà bình đã về và nhân dân Mỹ hoàn toàn có thể phán đối chiến tranh và sự xâm lược mà Chính phủ Mỹ tiến hành.

 

Ngay khi chiến tranh ở Việt Nam kết thúc, Merle Ratner lại tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh đòi xoá bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Việt Nam, đòi bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, đòi Chính phủ Mỹ phải trách nhiệm thi hành Hiệp định Paris, hàn gắn vết thương chiến tranh và bồi thường cho các nạn nhân da cam... "Đòi công lý cho người Việt Nam cũng là đem lại công bằng, bình đẳng cho chính chúng tôi và cho mọi người trên thế giới". Chị kế rằng, "Ngay từ sau chiến tranh, chúng tôi đã có một mạng lưới hoạt động về Việt Nam. Chúng tôi giúp tổ chức cho đoàn cựu chiến binh Việt Nam đầu tiên thăm Mỹ sau chiến tranh năm 1991, giúp tổ chức việc trao đổi đoàn tôn giáo, phụ nữ, tổ chức kỷ niệm các ngày 30/4 ở Mỹ”. Với tuổi 49 của mình, hiện Merle Ratner là người đồng sáng lập "Cuộc vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với các nạn nhân da cam Việt Nam”, một chiến dịch quốc gia ở Mỹ với sự tham gia của nhiều giới, tiến hành vận động để Chính phủ Mỹ và các công ty hoá chất trả lại công lý cho các nạn nhân da cam. Chị đã sát cánh cùng Giáo sư Phan Thị Phi Phi, một trong những bị đơn của vụ kiện da cam ở New York cuối tháng 3 vừa qua.

 

PV. Theo chị, vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ hai nước?

 

MR: Tôi nghĩ Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm về những gì tồi tệ đã gây ra trên thế giới. Trong thời gian qua, Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể để giúp Mỹ tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, còn Mỹ vẫn chua làm như vậy đối với Việt Nam. Mỹ vẫn từ chối thừa nhận hậu quả của chất da cam đã rải xuống Việt Nam. Đây cũng là một trong những vấn đề nổi cộm của quan hệ hai nước. Nhưng tôi tin rằng phía Mỹ sẽ dần phải đáp ứng nhiều hơn vấn đề này.

 

PV. Vậy còn nền tảng nào đảm bảo cho mối quan hệ đó?


MR:
Một điều chúng ta có thể thấy rõ là 10 năm sau bình thường hoá chỉ là quan hệ giữa hai Chính phủ. Còn người dân hai nước đã có quan hệ hữu nghị, hợp tác và đoàn kết ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Suốt những năm tháng chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, hàng triệu người Mỹ đã biểu tình phản đối Chính phủ. Ngày nay, cơ sở vững chắc nhất đảm bảo cho quan hệ Việt - Mỹ, theo tôi, vẫn là quan hệ giữa người dân hai nước. Điều chúng ta cần làm là tăng cường đối thoại, gặp gỡ, trao đổi để người dân hai nước hiểu nhau hơn, nhất là đối với lớp trẻ Mỹ hiện nay, khi mà họ hiểu về Việt Nam còn quá ít, chỉ qua những trang sách lịch sử, trong nhà trường.

 

PV: Nhận xét của chị về Diễn đàn Việt - Mỹ vừa diễn ra tại Hà Nội?

 

MR: Tôi nghĩ những Diễn đàn như vậy là rất cần thiết. Các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước đã được đưa ra trao đổi thẳng thắn, cởi mở với sự tham dự của nhiều học giả, nhà hoạt động chính trị - xã hội cả Việt Nam và Mỹ. Bản thân tôi cũng sẽ tiếp tục các hoạt động để thúc đẩy trao đổi giữa hai bên trong thời gian tới.

 

PV. Xin cảm ơn chị và chúc chị thành công với những dự định của mình.

Mai Ngân (Tạp chí Hữu nghị) thực hiện

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video