“Con bố Huyên” 3 lần được gặp Bác Hồ

01/09/2008
Được gặp Bác Hồ là vinh dự thiêng liêng không phải ai cũng có được. Với đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Kim Nữ Hiếu thì đó là những kỉ niệm đẹp của thời thanh niên mà mãi mãi về sau chị luôn tự hào kể lại cho con cháu.

Lúc lên 4 tuổi (năm 1946), một lần cô bé Nguyễn Kim Nữ Hiếu ra sân bay tiễn bố là Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên (Bộ trưởng Bộ Giáo dục) cùng đoàn đại biểu do Bác Hồ dẫn đầu đi dự Hội nghị Phông – ten – nơ – blô. Tại sân bay Gia Lâm, nhìn thấy đồng chí Phạm Văn Đồng bế một bé gái nhỏ, Bác hỏi thăm và bế bé Hiếu một lúc trước khi lên máy bay. Đó là lần đầu tiên "Con bố Huyên " được gặp Bác Hồ.

Khi lên 7 tuổi, bé Hiếu bị lao xương. Bác Hồ biết tin đã cho người tìm thuốc và cao hổ cốt để giao cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên mang về chữa bệnh cho bé. Một thời gian sau, Bác Hồ vẫn quan tâm và hỏi thăm Bộ trưởng về tình hình cháu Hiếu. Được tin cháu Hiếu đã khỏe và chuẩn bị đi học ở Trường thiếu nhi Việt Nam tại Quế Lâm - Trung Quốc, Bác Hồ gửi cho Hiếu một hộp sữa “con chim” và một mảnh vải kaki màu vàng. Cái áo được may từ mảnh vải ấy đã được Hiếu trân trọng và luôn mang theo bên mình. Không may một lần trên đường sang Trung Quốc, đi qua suối, Hiếu mang áo ra giặt thì bị trôi mất. Hiếu cứ tiếc mãi…

Lần thứ hai, sau khi hoà bình lập lại ở Việt Nam (sau năm 1954), Hiếu được làm đại diện cho nữ sinh trường Trưng Vương đến Phủ Chủ tịch đón Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm Việt Nam. Trong lúc chờ đợi, Bác ân cần hỏi thăm từng cháu, đến lượt mình, Hiếu bối rối thưa: “Cháu là con bố Huyên!” Bác âu yếm hỏi ngay: “Cháu là Hiếu phải không?” Hiếu vô cùng xúc động, bởi vì dù bận trăm công nghìn việc và đã cũng đã rất lâu nhưng Bác vẫn còn nhớ tới cô bé ngày xưa. Bác còn quan tâm hỏi thăm tới sức khỏe và việc học tập của Hiếu.

Lần thứ ba Hiếu được gặp Bác Hồ là vào năm 1961, khi đó chị đã là thành viên của Đoàn đại biểu sinh viên Việt Nam tham dự Hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế lần thứ Nhất. Tại đây, chị vinh dự được gặp Bác Hồ và chụp ảnh với Người.

Những cảm nhận về sự gần gũi, quan tâm, gắn bó của Bác đối với gia đình và bản thân luôn ở trong tâm trí Nguyễn Kim Nữ Hiếu. Đối với Bác Hồ, chị vừa kính trọng vừa yêu quý vô vàn. Những lần gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đã tác động lớn đến những quyết định của chị sau này, nhất là khi chị xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc ngay từ lúc sắp tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội.

Năm 1965, chị trở thành bác sĩ tại Viện quân y 9. Chỉ 3 tháng sau khi lập gia đình, đầu năm 1972, chị nhận được tin sẽ vào phục vụ tại chiến trường Trị-Thiên. Chị vui mừng khôn xiết nhưng lại cũng rất lo lắng bởi khi đó đang mang thai đứa con đầu lòng. Biết đây là cơ hội để mình được cống hiến, chị giấu đơn vị chuyện mang thai để quyết tâm lên đường. Khó có thể nói hết được những vất vả của chị trong thời gian đó. Tuy nhiên, bao nhiêu gian khổ cũng không làm cho bác sĩ Hiếu chùn bước, chị vẫn luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đã nhiều lần được biểu dương trên báo chí.

Tự hào, vinh dự với những kỷ niệm được gặp Người, chị luôn say mê nghiên cứu, chăm lo và tận tuỵ vì người bệnh; quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp, luôn khắc phục khó khăn, vất vả để vươn lên bằng chính nghị lực của mình và chăm lo hạnh phúc gia đìnhCô gái bé bỏng ốm yếu được Bác Hồ bế năm xưa về sau đã trở thành đại tá, phó giáo sư, tiến sĩ y học, Thầy thuốc nhân dân, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108Sau khi nghỉ hưu, chị vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Hiện nay, chị là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam Hà Nội, Ủy viên thường vụ Hội Nhi khoa Việt Nam. Hằng ngày, chị vẫn tham gia khám chữa bệnh và giảng dạy sau Đại học, cũng như tham gia các hoạt động đoàn thể ở khu phố. Chị luôn tự nhủ: “Mình và gia đình đã được Đảng, Nhà nước, nhất là Bác Hồ quan tâm đến, mình phải luôn phấn đấu, vươn lên để góp phần cống hiến hết mình cho xã hội.”

Phan Thanh Phương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video