Bà giáo sư của làng nghề Việt Nam

05/03/2009
Tại ngôi trường chị đang giảng dạy, các đồng nghiệp, bạn bè thường gọi chị là Chi “làng nghề”. Trên con đường khoa học, chị đã gặt hái được rất nhiều thành công, chị là một trong những người đặt nền móng cho việc xây dựng Ngành khoa học và Công nghiệp môi trường - một ngành khoa học mới tại Việt Nam và là một trong 6 cán bộ khoa học đầu tiên xây dựng và phát triển Viện khoa học và Công nghệ Môi trường. Giờ đây, khi đã là Giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú và là gương mặt được đề cử giải Kovalevskaia 2009, GS.TS Đặng Kim Chi vẫn giản dị cho rằng “số phận đã ưu đãi cho chị quá nhiều”.

GS.TS Đặng Kim Chi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có học vấn cao, bố chị là GS.TS Đặng Vũ Hỷ - một trong bảy vị giáo sư đầu tiên của Việt Nam được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, anh trai là GS.Viện sĩ Đặng Vũ Minh – nguyên Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Cô gái nhỏ Kim Chi khi học phổ thông đã từng đoạt giải Văn, từng nghĩ mình sẽ theo nghiệp văn chương nhưng cánh cổng parabol của trường Đại Học Bách Khoa đã gieo vào tâm hồn chị một niềm đam mê khoa học sâu sắc. Hồi tưởng lại quãng thời gian học tập, chị thấy mình quá may mắn khi được sự dìu dắt của những người thầy tài đức của đại học Bách Khoa, được cử đào tạo tại nước Đức và nhất là được là người tiếp cận với chuyên ngành Khoa học và Công nghiệp môi trường ngay từ lúc mới thành lập.

Tuy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng tuổi thơ của chị luôn đầy ắp những kỷ niệm về nông thôn. Mỗi lần về quê, lòng chị luôn trào dâng một niềm vui khó tả. Và có lẽ, đó cũng là động cơ thúc đẩy chị muốn làm một điều gì đó cho quê hương, cho các làng quê Việt Nam.

Trong quá trình nghiên cứu công nghiệp môi trường, nông thôn và đặc biệt là làng nghề Việt Nam từ năm 1996, chị đã rất ngạc nhiên khi “đi nhiều nước nhưng chưa thấy có đất nước nào có nhiều làng nghề như ở Việt Nam”. Hiện nay tính trung bình, cả nước có khoảng 1450 làng nghề, sự phân bố làng nghề trong cả nước tập trung vào đồng bằng Sông Hồng (chiếm 67,3%), miền Trung (20,5%) và miền Nam (12,2%). Sự phát triển của làng nghề đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của người dân đây nhưng mặt trái của nó là sự sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó phần lớn là do ý thức của người dân.

Đi sâu tìm hiểu, chị nhận thấy người dân ở các làng nghề chưa ý thức được sự nguy hiểm khi các khu sản xuất gây ô nhiễm được đặt ngay sát với khu dân cư sinh sống. Làng chế biến gỗ Hương Mạc (Bắc Ninh), làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái (Hà Tây), làng nghề bún bánh đa Thanh Lương (Hà Tây), làng nghề tái chế giấy Phú Lâm (Bắc Ninh),…là những mô hình mà chị và đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu để đưa ra hơn 30 đề tài cấp Bộ và 4 đề tài cấp Nhà nước như: tận thu chất thải công nghiệp (2002 -2006), giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình phát triển năng lượng tới môi trường (2005 – 2009)…trong đó nhiều đề tài đã triển khai, ứng dụng có hiệu quả trong thực tế.

Là một trong số hàng chục giải thưởng cao quý mà chị Chi được trao tặng, Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2005 là kỉ niệm khó quên nhất khi cùng năm đó, anh trai Đặng Vũ Minh của chị cũng được Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Không dừng lại ở những thành công đó, chị cùng đồng nghiệp, các nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu hiện trạng của môi trường làng nghề Việt Nam, tham gia đề xuất và triển khai các giải pháp cải thiện môi trường ở các làng nghề.

Bên cạnh công việc nghiên cứu bề bộn, chị cũng là một người phụ nữ “đảm việc nhà”. Có một nhà khoa học đã từng hỏi chị sau một cuộc họp: “Chị có biết nấu cơm không?” và chị Chi đã tự hào trả lời: “Không những nấu cơm mà tôi còn có thể nấu cỗ ngon cho nhiều người”. Món tủ của chị là món patê và món bánh cổ truyền ngũ vị được truyền dạy từ hai người mẹ: mẹ đẻ và mẹ chồng. Dù có bận đến đâu thì chị Chi vẫn cố gắng đảm nhiệm tốt vai trò một người vợ, một người mẹ trong gia đình. Chính vì vậy, gia đình, họ hàng và bạn bè đã giúp đỡ chị hết lòng, tạo điều kiện cho chị được chuyên tâm giảng dạy và công tác.

Quả thật, chị rất xứng đáng với giải thưởng Kovalevskaia 2009. Dù tự cho là mình may mắn được thừa hưởng một nền giáo dục bài bản, có một gia đình hạnh phúc nhưng đó là bởi chị có một cái “tâm” yêu nghề, say với nghề, tình yêu đối với con người Việt Nam nói chung và đối với những người dân làng nghề nói riêng. Chị tâm sự “tâm nguyện lớn lao nhất của chị là được sống bình yên bên cạnh những người thân”, hàng ngày nghiên cứu, cống hiến cho sự nghiệp môi trường và làng nghề Việt Nam đúng như cái tên mà người ta vẫn gọi chị - cô Chi “làng nghề”.

Đặng Thanh Thuỷ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video