Cán bộ Hội vinh dự 4 lần được gặp Bác

19/05/2017
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tấm Huy hiệu Bác Hồ cùng những ký ức đẹp về 4 lần được vinh dự gặp Bác vẫn được bà Nguyễn Thị Định gìn giữ như báu vật của cuộc đời mình.

Bà Định có một tuổi thơ không may mắn. Mồ côi bố mẹ từ khi còn nhỏ, chị gái đi lấy chồng, bà Định côi cút sống một mình. Cảm thương trước hoàn cảnh của bà, các đồng chí cán bộ xã gần gũi, dìu dắt bà tham gia làm liên lạc trong xã. Dáng vóc nhỏ bé giúp bà có cơ hội tự do đi lại, liên lạc trong địa bàn xã mà không sợ địch nghi ngờ. Sự nhanh nhẹn, hoạt bát của bà được phát huy nên sau một thời gian, bà được tin tưởng, giao phó thêm một số công việc khác của Cách mạng. Có những đêm địch đi tuần quanh làng, hỏi thăm đến nhà bà vì nghi ngờ bà chứa chấp cán bộ cách mạng, nhưng bà vẫn bình thản, tinh thần không bị nao núng.

Bà kể: “Mấy thằng Tây cao to, lực lưỡng, tôi là con gái bé nhỏ nhưng tôi không thấy sợ sệt, bình tĩnh dõng dạc trả lời từng câu hỏi của chúng. Trong trường hợp cấp bách quá, tôi la lên để ra hiệu cho các anh cán bộ chạy đi”.

Cuộc đời bà trải qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong mỗi cuộc chiến, bà đều đóng góp công sức của mình vào sự nghiệp giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Theo lời kể của bà, những năm tháng chiến tranh vô cùng gian khó nhưng bà và thanh niên trong xã đều hăng hái đi bộ đội. Có người chưa đến tuổi nhập ngũ nhưng đã khai thêm tuổi, viết đơn tình nguyện để lên đường hành quân. Do tham gia công tác cán bộ ở xã, bà Định ở lại địa phương, nhưng mỗi khi địch tăng cường chiến tranh ra miền Bắc, bà lại xông pha ra trận chiến đấu.

Có lần chúng nổ súng ở đầu làng, mọi người chui hết xuống hầm ẩn nấp nhưng bà vẫn dũng cảm cầm súng. Có người đã ôm chặt lấy bà khóc và không cho đi vì sợ người cán bộ xã mẫu mực gặp chuyện không lành, nhân dân trong xã sẽ không còn ai để dìu dắt, chỉ bảo. Nhưng bà trấn an nhân dân bởi chỉ có thể tiêu diệt địch thì nhân dân mới có cuộc sống yên bình.

Hăng hái hoạt động Cách mạng và các công tác xã hội tại địa phương nhưng bà Định chưa trải qua nhiều trường lớp đào tạo nào, chủ yếu đi theo sự hướng dẫn, chỉ bảo của các anh cán bộ đi trước. Năm 1955, bà được phân công làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Giang Biên. Khi đó có lớp học bổ túc văn hóa 6 tháng được mở tại xã Thượng Cát, là người tham gia công tác phụ nữ đầu tiên của địa phương nên bà được cử đi học cùng với 5 cán bộ khác trong xã. Sau này, được cử đi học lần 2, lúc đó chồng đi bộ đội, mẹ chồng già yếu, bà một tay nuôi hai con nhỏ, cáng đáng mọi công việc trong gia đình. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà vẫn quyết tâm đi học để lấy kiến thức phục vụ nhân dân.

Những năm tháng công tác tại địa phương, bà được nhân dân vô cùng yêu mến và tin tưởng. Bất kỳ chuyện gì khó khăn đến mấy, nhân dân cũng tin tưởng vào cách giải quyết của bà. Thời kỳ chiến tranh đói khổ, nhân dân trong xã cấy lúa để phục vụ lương thực cho các chiến sĩ bộ đội trong chiến trường miền Nam. Có những khi thấy nhân dân trong xã  thiếu thốn nhưng vẫn lao động hăng say để gửi gạo cung cấp cho chiến trường, bà đã rơi nước mắt vì cảm động. Thấy bà khóc, mọi người cũng nức nở khóc theo bà. Tình cảm giữa người cán bộ xã và nhân dân càng thêm khăng khít, gắn bó. Với những đóng góp cho địa phương, được nhân dân tin yêu, bà Nguyễn Thị Định vinh dự được trao tặng Huy hiệu của Bác.

Tại Thành ủy Hà Nội, bà đã được chính Bác trao tặng và động viên. Cho đến tận bây giờ, cảm xúc nghẹn ngào vẫn còn lắng đọng trong bà. Những lần về sau, do công tác tốt, bà nhiều lần có cơ hội lên Thành ủy làm việc và bà lại có thêm cơ hội được gặp gỡ với Bác Hồ 3 lần nữa. Bà luôn tâm niệm: “Mình là người may mắn nhận được tình cảm từ nhân dân nên mình phải sống và làm việc để không phụ lòng của nhân dân. Hơn nữa mình lại vinh dự nhận được Huy hiệu của Bác thì càng phải ra sức cống hiến cho Đất nước”.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video