Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng phụ nữ

12/11/2008
...Việc thực hiện và làm theo tư tưởng về giải phóng phụ nữ của Hồ Chí Minh là một việc làm thiết thực để cho toàn Đảng, toàn dân ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường giải phóng phụ nữ hôm nay.

Từ lúc Bác rời xa quê hương, xa tổ quốc thân yêu đi tìm đường cứu nước, khát vọng đấu tranh vì nhân dân, vì độc lập tự do, vì sự công bằng và bình đẳng của con người không phút nào ngủ yên trong trái tim của Người. Cả cuộc đời phấn đấu hy sinh cho dân tộc, giải phóng con người, giải phóng phụ nữ đã trở thành khát vọng cháy bỏng trong tâm nguyện của Người. Trên tờ báo Le Paria, số 5, ra ngày 1/8/1920, Người có bài viết nhan đề “Phụ nữ Việt Nam và chế độ đô hộ của Pháp” thuật lại vụ lính Pháp thay nhau hãm hiếp một em bé 8 tuổi và hai phụ nữ rồi giết hại một cách man rợ những chị em này để cướp lấy tư trang. Nhân vụ việc này, Người lên án chế độ thực dân Pháp đối với phụ nữ Việt Nam “chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơnnữa”. Người nhấn mạnh, “thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy văn minh được trưng dưới nhiều hình thức khác nhau... mà lại đối xử bằng những cách ô nhục nhất với biểu trưng sống của chính mình và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hóa, trinh tiết, và đời sống của họ[i]. Người phụ nữ Việt Nam cũng như bao người phụ nữ trên toàn thế giới, họ đáng được trân trọng. Bằng ngòi bút của mình dưới nhiều bút danh khác nhau, Người không ngừng đấu tranh giành lại những gì mà đáng lẽ họ phải được nhận, được đối xử một cách bình đẳng vì tất cả những gì tốt đẹp mà họ dâng hiến cho cuộc sống tươi đẹp này.

Trong “Báo cáo về tình hình Việt Nam” gửi Quốc tế nông dân năm 1925 có đoạn Người viết: “Đại đa số nông dân bị thất học. Còn nữ thanh niên và phụ nữ nông dân thì trên thực tế bị tước mất học vấn. Sự dốt nát đã khiến cho nông dân trở thành một công cụ dễ sai khiến trong tay thế lực phản cách mạng”. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công, Người phát động phong trào bình dân học vụ nhằm diệt giặc dốt vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” mà “người không biết chữ là người đứng ngoài chính trị”. Do đó, để nâng cao vai trò của mình thì phụ nữ phải tự học tập và nâng cao hiểu biết cho bản thân.

Trong bài viết “Nam nữ bình quyền”, Người đã phê phán tư tưởng "trọng trai khinh gái” còn ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Theo Người, thực hiện nam nữ bình đẳng, bình quyền "là một cuộc cách mạng khá to và khó". "Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân" và "vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật". Bởi vì, cuộc cách mạng nhằm giải phóng phụ nữ, là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa. “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Để minh chứng cho sự lớn mạnh của phong trào này, trên báo Cứu quốc ra ngày 21/3/1952 đăng bài viết "Nam nữ bình quyền" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ký bút danh Đ.X, đưa ra những số liệu về phụ nữ Liên Xô tham gia ở các ngành khoa học, giáo dục, ở các cấp chính quyền…. Để chứng tỏ Liên Xô đang thực hiện quyền bình đẳng nam nữ. Còn ở Việt Nam, phụ nữ từ già đến trẻ đều xung phong trong mọi việc kháng chiến cứu nước. Từ công việc hậu phương, đến công tác của tiền tuyến, họ không những giỏi việc nước mà còn đảm việc nhà. Họ làm cả công việc của đàn ông trong thời bình, thế nhưng ý chí và lòng quả cảm nơi họ không hề thuyên giảm, “tất cả cho tiền tuyến”, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, “đánh còn cái lai quần cũng đánh”…

Song Người cho rằng, số phụ nữ giữ các cương vị lãnh đạo ở các ngành còn ít, đồng thời chỉ rõ phụ nữ muốn đảm nhiệm các chức trách quan trọng thì bản thân phải cố gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật, nâng cao tinh thần yêu nước, giác ngộ xã hội chủ nghĩa và hăng hái thi đua thực hiên “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình". Người khuyên “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh".

Lời dạy của Người như một nguồn động viên, khích lệ cho những thế hệ phụ nữ Việt Nam không ngừng phấn đấu trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nữ giới ngày nay tự hào có mặt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống như kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng,... nhiều người hiện đang nắm giữ những cương vị quan trọng trong quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Dù ở cương vị, chức vụ nào họ vẫn luôn khẳng định được vị trí, năng lực của mình.

Mặc dầu quan điểm về thiên chức của người phụ nữ còn nặng nề trong nhiều gia đình nhưng nhìn chung người phụ nữ ngày nay đã được nam giới chia sẻ và cùng gánh vác công việc gia đình. Những biểu hiện của bình đẳng giới ngày càng phổ biến trên nhiều lĩnh vực và được cải tiến trong nhận thức của người dân. Tuy nhiên, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện còn tồn tại nhiều quan điểm bảo thủ về vấn đề bình đẳng giới, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại mà người thiệt thòi vẫn là phụ nữ và trẻ em.

Nhìn lại chặng đường đã đi qua của phụ nữ Việt Nam, mới thấy hết sự gian nan và đầy cố gắng của họ. Mặc dù trên thực tế, vấn đề bình đẳng giới còn gặp nhiều hạn chế nhất định mà nguyên nhân chủ quan là ở sự mặc cảm, tự ti, an phận từ chính những người phụ nữ. Thiết nghĩ việc thực hiện và làm theo tư tưởng về giải phóng phụ nữ của Hồ Chí Minh là một việc làm thiết thực để cho toàn Đảng, toàn dân ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường giải phóng phụ nữ hôm nay.




[i] Trung tâm thông tin: “Biên niên một số hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phụ nữ”, http://hoilhpn.org.vn, 19/5/2008
Trương Diệu Hải An
Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video