Hai phụ nữ có ảnh hưởng nhất nước Mỹ

25/12/2006
Sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, Quốc hội Mỹ đã nổi lên hai nhân vật nữ được xem là có ảnh hưởng nhất nước Mỹ trong những năm tới. Đó là tân Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Thượng nghị sĩ bang New York Hillary Clinton

Nancy Pelosi, người muốn thay đổi đường lối của Mỹ

Với chức vụ Chủ tịch Hạ viện, nữ Hạ nghị sĩ bang California Nancy Pelosi giờ đây trở thành nhân vật đứng thứ 3 trong chính trường Mỹ, chỉ sau Tổng thống G.W. Bush và Phó Tổng thống Dick Chenney. Bà cũng trở thành nữ chủ tịch Hạ viện đầu tiên trong lịch sử Mỹ.

Phát biểu trên tờ San Francisco Chronicle gần đây, bà Pelosi cho rằng: “Mọi thứ đều có thể, ngay cả khi bạn muốn phá vỡ mái nhà bằng cẩm thạch của tòa nhà Quốc hội Mỹ”.

Bà Pelosi được xem là sự kết hợp giữa hai yếu tố: giá trị truyền thống của đảng Dân chủ và sự khôn ngoan sắc sảo đi kèm với sự quyết đoán. Hạ nghị sĩ Nancy Pelosi rất nhiều lần tranh cãi với Tổng thống Mỹ Bush. Chính bà đã vận động được đảng Dân chủ ngăn chặn thành công kế hoạch cải tổ chính sách an sinh xã hội của Tổng thống Bush.

Báo chí Mỹ đánh giá Tổng thống Bush sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải làm việc với con người này. Những ưu tiên hàng đầu của Hạ nghị sĩ Pelosi trên cương vị Chủ tịch Hạ viện là tăng mức lương tối thiểu, thúc đẩy nghiên cứu tế bào mầm và đưa ra bản báo cáo tường tận về sự kiện 11-9.

Bà Pelosi năm nay 66 tuổi, có 5 con, hiện đang cư ngụ tại San Francisco. Cha bà là nghị sĩ tại bang Maryland và từng là thị trưởng Baltimore. Sự nghiệp chính trị của bà được người chồng giàu có hỗ trợ (tài sản của ông này hiện là 55 triệu USD).

Bà Pelosi hiện là chủ nhân hàng loạt văn phòng (với số vốn 5 triệu USD và 63 nhân viên) chỉ cách tòa nhà Quốc hội Mỹ vài bước. Bà thường sử dụng các khoản tiền vận động của mình đắp vào cho các ứng cử viên đảng Dân chủ khác, con số này vào năm 1999 là 2,8 triệu USD.

Đổi lại, bà yêu cầu các đảng viên Dân chủ phải trung thành với đảng và tôn trọng kỷ luật. Chính vì vậy, bà được lòng nhiều đảng viên Dân chủ và được bầu làm lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện từ năm 2002.

Chiến dịch tranh cử bang mang tầm quốc gia của Thượng nghị sĩ Hillary Clinton

Nhân vật đang được chú ý không kém cũng từ đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ. Đúng như dự đoán, bà đã tái đắc cử dễ dàng trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa John Spencer.

Phát biểu sau khi giành thắng lợi, bà Clinton nói: “Thông điệp của cử tri đã quá rõ ràng: Đã đến lúc thay đổi. Người New York và người dân Mỹ muốn chấm dứt văn hóa đồi trụy và sự thống trị của đặc quyền”.

Trong lúc tranh cử tại bang New York, TNS Hillary cũng đã lên tiếng chỉ trích chính sách đối ngoại của TT Bush. Bà nói: “Chúng ta đừng để bao giờ đàm phán trong sợ hãi, cũng không bao giờ phải sợ đàm phán”, trích dẫn câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống John Kennedy.

Theo bà, Mỹ nên thay đổi chính sách đối ngoại hiện nay bằng cách đàm phán trực tiếp với Syria, Iran và CHDCND Triều Tiên cũng như thúc đẩy hơn nữa hòa bình giữa Israel và Palestine. Về việc đóng quân ở Iraq, bà Clinton cho rằng vào cuối năm nay, Mỹ nên “bố trí lại lực lượng ở Iraq” và hãy để “chính phủ Iraq tự giải quyết vấn đề chính trị của chính họ”.

Bà kêu gọi chính quyền Bush phải xem xét chính sách đối ngoại dựa trên “thực tế và lý tưởng” vì các sai lầm của Mỹ hiện nay là do Mỹ quá đặt nặng vào lý tưởng mà quên đi thực tế. Đó là Mỹ quá tin vào liên minh của Mỹ, quá tin vào sức mạnh quân sự, quá tin vào kinh nghiệm chiến trường của quân đội, quá tin vào các phân tích của tình báo và quên đi sức mạnh của các cuộc đàm phán.

Bà dẫn chứng rằng chính sách đối thoại của chồng bà từ năm 1994 tới 2001 đã giúp ngăn cản Bình Nhưỡng phát triển bom hạt nhân và không hề xảy ra các vụ thử tên lửa nào.

Với những phát biểu mang tầm quốc gia, nhiều người cho rằng đây là bước khởi đầu đường vào Nhà Trắng của bà. Bản thân bà thì cho rằng đang cố gắng không nghĩ tới điều đó. Nhưng có điều đáng ghi nhận là cuộc vận động bầu cử năm nay cho thấy năng lực của bộ máy vận động tranh cử của bà TNS Clinton rất hiệu quả.

Bà đã vận động được nhiều hơn số tiền cần thiết. Tới nay bà đã sử dụng 27 triệu USD, còn dư 14 triệu USD. Theo thăm dò mới nhất do CNN công bố, bà được 47% số người ủng hộ ra tranh cử tổng thống vào năm 2008, chỉ thua 1 điểm so với Thượng nghị sĩ kỳ cựu John MacCain của đảng Cộng hòa (ông này từng ra tranh cử tổng thống).

HUY QUỐC (Theo Asia Times, Washington Post)
(theo SGGP)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video