Hỏi đáp LPCS Nhà nước

08/03/2006
Hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn

Hỏi: Đề nghị cho biết điều kiện để người lao động ở nông thôn được hỗ trợ dạy nghề. Mức hỗ trợ cụ thể?

 

Trả lời: Theo Thông tư liên tịch số 06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 19-1-2006 của Liên Bộ Tài chính, Lao động, Thương binh-Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, lao động nông thôn trong độ tuổi lao động chưa qua học nghề, có nhu cầu học nghề và đủ điều kiện xét tuyển thì được hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn. Người lao động được xét tuyển theo thứ tự ưu tiên như sau:

 

- Lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác do đô thị hóa hoặc do xây dựng các công trình công cộng, khu công nghiệp, khu chế xuất và các dự án khác về an ninh quốc phòng vì lợi ích quốc gia có nhu cầu học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.

 

- Lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật.

 

- Lao động thuộc các dân tộc thiểu số; các xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

- Lao động nữ chưa có việc làm.

 

- Lao động thuộc các làng nghề nằm trong dự án khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống mà dự án không có khoản kinh phí riêng cho dạy nghề.

 

- Lao động thuộc vùng chuyên canh có nhu cầu chuyển đổi nghề.

 

- Lao động khác, ở nông thôn có nhu cầu học nghề.

 

Học viên được tham gia các khóa học đã được ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) phê duyệt trong kế hoạch hỗ trợ hàng năm và có thời gian dạy nghề từ một tháng trở lên. Học viên hoàn thành khóa học được kiểm tra và đánh giá, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ nghề.

 

Việc tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn do các cơ sở dạy nghề và cơ sở đào tạo khác có chức năng dạy nghề của địa phương và Trung ương trên địa bàn thực hiện. Khuyến khích các hình thức dạy nghề lưu động để tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người học nghề.

 

Mức hỗ trợ dạy nghề tính theo số lượng học viên thực tế tốt nghiệp khóa học, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng /người/tháng và không quá 1.500.000 đồng /người/khóa học nghề. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng khóa học do UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với điều kiện của địa phương. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng khóa học, của từng đối tượng học nghề, khả năng ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác mà UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc chi hỗ trợ thêm về tiền ăn, ở, đi lại cho người học.

 

 

(Theo Hà Nội Mới)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video