Hội LHPN Việt Nam: Giữ gìn, phát huy phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam

26/10/2011
Với quan điểm: giáo dục 1 người phụ nữ được một gia đình, người mẹ có phẩm chất tốt thì sẽ có những người con tốt, thế hệ tương lai tốt, có nhiều gia đình tốt sẽ có xã hội tốt, những hoạt động hướng tới cộng đồng của Hội LHPN Việt Nam luôn coi trọng gia đình, lấy đơn vị gia đình làm nơi tác động trực tiếp thông qua người phụ nữ.

Phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ là tài sản vô giá của gia đình và xã hội.

Trang sử vẻ vang ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta mãi ghi đậm công lao to lớn của các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, người phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò, địa vị quan trọng trong đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc, cũng như trong quá trình hình thành và phát triển vǎn hóa của đất nước. Họ không chỉ là người giữ nòi giống Lạc Hồng; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn là những con người yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm; gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc…

Đó là mẹ Nữ Oa sáng tạo đất trời, mẹ Âu Cơ sản sinh ra nòi giống Lạc Hồng, những mẹ đắp núi, đào sông, mở mang các nghề sǎn bắn, trồng trọt, cấy hái… Là những nữ anh hùng hào kiệt Bà Trưng, Bà Triệu, đô đốc Bùi Thị Xuân… không chịu khuất phục kẻ thù, sống kiếp nô lệ, đứng lên chống giặc ngoại xâm giành tự do cho dân tộc -đã tạo nên truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam. Là Thái Hậu Dương Vân Nga, Nguyên Phi Ỷ Lan đảm đang, tài ba, thay chồng đảm đương việc triều chính, trị vì đất nước; Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, Huyền Trân Công chúa, Công chúa Lê Ngọc Hân… vì nghĩa nước quên mình. Là những thi nhân được đời đời truyền tụng Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, bà Huyện Thanh Quan… Là những phụ nữ tần tảo hy sinh cho chồng, con, thủy chung son sắt….

Trong đấu tranh cách mạng, phụ nữ không chỉ là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, mà còn là những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất, làm một thương hiệu phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ở đâu, trên mặt trận nào cũng thấy bóng dáng người phụ nữ gan dạ, dũng cảm, quật cường, chịu đựng gian khổ và tràn đầy lạc quan cách mạng. Chính những phẩm chất đó đã làm nên những cái tên lẫy lừng, từng là nỗi kinh hoàng của quân xâm lược và là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam: “Đội nữ du kích Hoàng Ngân”, “Đội quân tóc dài”, “nữ tự vệ”, “nữ biệt động”, là Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định... Hàng vạn phụ nữ đã tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong mở đường, các đoàn dân công hoả tuyến, tải lương thực, tải đạn ta tiền tuyến. Ở hậu phương, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm, bom đạn, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Chị em nông dân “tay cày, tay súng”, đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, quản lý hợp tác xã với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”. Hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” hưởng ứng khẩu hiệu “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, làm việc với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”; tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Chị em trong ngành y tế, giáo dục, thương nghiệp, văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, công tác chính quyền, đoàn thể… Anh hùng trong chiến đấu, đảm đang trong sản xuất, nhưng những người phụ nữ Việt Nam lại thầm lặng, dung dị, mộc mạc tảo tần. Họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý; mòn mỏi chờ đợi người thân trở về; cạn nước mắt khi những người thân yêu không thể trở lại… Đó là những người Mẹ Việt Nam anh hùng - những con người thắp sáng tinh thần quật khởi, anh hùng, bất khuất, trung hậu của phụ nữ Việt Nam. Lịch sử oai hùng đó đã hình thành, hun đúc và lưu giữ những giá trị, phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Không chỉ là người chiến sĩ cách mạng, người công dân tích cực, người lao động cần mẫn, phụ nữ còn là “người thày đầu tiên” của mỗi con người. Dù ở thời kỳ nào, người phụ nữ cũng là người vợ - giữ tim lửa trong gia đình, là người mẹ - người nâng giấc, đưa nôi, dạy con những tiếng bi bô, những nhận thức đầu tiên, những bài học làm người. Sự dịu dàng, chịu thương chịu khó của người phụ nữ tựa như sợi dây yêu thương, mềm mại mà bền chặt, níu giữ, gắn kết mọi thành viên trong gia đình, mọi nhân tố trong xã hội. Với thiên chức đó, phụ nữ có vai trò và ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị đạo đức trong mỗi gia đình và cộng đồng, xã hội. Những áng thơ, văn, số vàng sử sách Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của đất nước đã khẳng định rõ giá trị văn hoá, tinh thần vô giá của phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Đó là tinh thần yêu nước, quật cường chống giặc ngoại xâm; cần cù thông minh sáng tạo trong lao động sản xuất; luôn gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc; vì lợi ích của mọi người và xã hội; có lòng nhân hậu có tính cộng đồng; đức hy sinh vì hạnh phúc của gia đình, con cái....

 

Có biểu hiện mai một

Trước những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường và những ảnh hưởng tiêu cực của thời kì mở cửa, hội nhập, phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển.

Đánh giá về những khó khăn, thách thức đối với phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết 11-NQ/TW đã chỉ rõ: “Cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa một mặt có tác động tích cực, nhưng mặt khác đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan trực tiếp tới phụ nữ. Phụ nữ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi thực hiện vai trò người mẹ, người thầy đầu tiên của con người trong điều kiện xã hội và gia đình Việt Nam có nhiều thay đổi. Phẩm chất đạo đức và một số giá trị truyền thống tốt đẹp có phần bị mai một, lối sống thực dụng có xu hướng phát triển trong một bộ phận phụ nữ”.

Phẩm chất đạo đức và giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ bị mai một được biểu hiện ở các điểm sau:

Một là, quan niệm về các giá trị đạo đức truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức và lối sống của một bộ phận phụ nữ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Hai là, một bộ phận phụ nữ sống thiếu lý tưởng, vô cảm, bàng quan trước các vấn đề bức xúc của xã hội, cộng đồng; thích hưởng thụ, đua đòi, dễ bị lôi kéo vào con đường tệ nạn xã hội; quá coi trọng kinh tế, bất chấp thủ đoạn để làm giàu, sẵn sàng tham gia vào hoạt động vi phạm pháp luật, bán rẻ nhân phẩm.

Ba là, nhận thức của một bộ phận người dân, phụ nữ về vai trò, chức năng giáo dục của gia đình còn hạn chế; trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xây dựng gia đình hạnh phúc có xu hướng bị xem nhẹ; tình trạng ngoại tình, ly hôn có chiều hướng gia tăng; lối sống thiếu văn hoá, vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, đạo đức gia đình đang là vấn đề đáng lo ngại.   

Bốn là, giới trẻ đang có xu hướng sống thực dụng, có quan niệm lệch lạc trong hôn nhân, tình yêu. Xu hướng lấy chồng ngoại chỉ vì lợi ích vật chất trước mắt đã xuất hiện ở một bộ phận nữ thanh niên. Những cuộc hôn nhân theo hình thức thương mại hoá này đã dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng cho phụ nữ: bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng ép quan hệ tình dục với nhiều người trong gia đình, bị bán làm gái mại dâm hoặc bị hành hạ, đánh đập. Hình ảnh các cô dâu Việt được rao bán trên một số báo Hàn Quốc, Đài Loan; những vụ xem mặt, chọn vợ tập thể diễn ra ở một số nơi đã và đang làm tổn hại nghiêm trọng đến phẩm giá, đạo đức, làm sai lệch hình ảnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Năm là, một bộ phận phụ nữ còn hạn chế về mặt nhận thức, quen sống thụ động, tự ty, an phận, chấp nhận những đối xử bất bình đẳng, chưa biết tự bảo vệ quyền lợi của mình dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý, thậm chí thiệt hại tính mạng. Vấn đề sức khoẻ của phụ nữ Việt Nam đang đứng trước những thách thức như bệnh phụ khoa, lây nhiễm HIV/AIDS ...

Những tồn tại trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết là do nhận thức, tiếp cận và xử lý thông tin của một bộ phận phụ nữ còn hạn chế; bản thân chưa tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, chưa có ý thức giữ gìn, phát huy các phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ, của dân tộc. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm, đời sống còn nhiều khó khăn, các vấn đề xã hội nảy sinh chậm được giải quyết, sự bùng nổ thông tin với nhiều loại thông tin ngoài luồng khó kiểm soát, sự du nhập văn hóa nước ngoài với lối sống đề cao sự hưởng thụ đang tác động vào các tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ.

 

Hội LHPN Việt nam tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức cho phụ nữ.

Hội LHPN Việt Nam luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ là một trong những yêu cầu cần thiết trong chiến lược xây dựng, phát triển người phụ nữ Việt Nam. Nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ luôn được coi là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, được phát động thành các phong trào thi đua yêu nước triển khai rộng khắp trong các cấp Hội. Những tiêu chí về phẩm chất, chuẩn mực đạo đức, truyền thống của phụ nữ được cụ thể hóa, tuyên truyền tới đông đảo hội viên, phụ nữ trong cả nước.

Với quan điểm: giáo dục 1 người phụ nữ được một gia đình, người mẹ có phẩm chất tốt thì sẽ có những người con tốt, thế hệ tương lai tốt, có nhiều gia đình tốt sẽ có xã hội tốt, những hoạt động hướng tới cộng đồng của Hội LHPN Việt Nam luôn coi trọng gia đình, lấy đơn vị gia đình làm nơi tác động trực tiếp thông qua người phụ nữ. Nhiều mô hình, chương trình xây dựng gia đình được các cấp Hội LHPN Việt Nam triển khai, hoạt động hiệu quả. Mô hình “5 không, 3 sạch”: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực, không sinh con thứ ba trở lên, không để trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, nhà sạch, bếp sạch, ngõ sạch ngày phát huy hiệu quả, được các cấp Hội đón nhận. Tới đây Hội LHPN Việt Nam sẽ triển khai mô hình này thành cuộc phát động sâu rộng trong toàn thể hội viên phụ nữ. Các mô hình “Giáo dục pháp luật, không vi phạm pháp luật”, “Gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe – dạy con ngoan”… cũng đã góp phần không nhỏ vào việc giáo dục, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cho phụ nữ.

Từ 2010-2015, công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ theo tiêu chí: có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu được các cấp Hội tăng cường bằng việc triển khai thực hiện hiệu quả đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước được tổng quát hoá thành 4 chuẩn mực đạo đức: Tự trọng, Tự tin, Đảm đang, Trung hậu.

Giáo dục phẩm chất tự trọng để phụ nữ nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc coi trọng, giữ gìn phẩm cách, tư cách, danh dự của mình, không còn vi phạm pháp luật, vi chuẩn mực đạo đức xã hội, biết lấy chuẩn mực đạo đức xã hội làm hành lang pháp lý trong mọi hành động của mình, phấn đấu để tự hoàn thiện mình, sống lạc quan, tự tin.

Giáo dục phẩm chất tự tin để phụ nữ vững tin vào năng lực bản thân, tự tin khi giao tiếp, ứng xử, tự lực, tự chủ, chủ động, bình tĩnh lý lý các tình huống trong cuộc sống, dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ, chững chạc, mạnh dạn bày tỏ quan điểm của bản thân, dễ hòa nhập cộng động…

Đảm đang là cơ sở tạo nên những truyền thống cao đẹp khác: cần cù, thông minh, sáng tạo, anh hùng, bất khuất, giữ gìn văn hóa dân tộc... Phẩm chất đảm đang tạo nên người phụ nữ đảm đang, biết quán xuyến công việc gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động; biết sắp xếp hài hòa việc gia đình với việc xã hội; bố trí thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý.

Cùng với các phẩm chất trên, phẩm chất trung thực làm nên một người phụ nữ có phẩm chất tốt. Phẩm chất trung thực tạo nên người phụ nữ trung thành với tổ quốc, vớ nhân dân, thủy chung với tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp; nhân ái, sống có nghĩa có tình, có lòng yêu thương, vị tha, chấp nhận hy sinh bản thân; trung thực, thẳng thắn, cương trực, công tâm.

Phẩm chất này là tiền đề, điều kiện, cơ sở, kết quả của phẩm chất kia và ngược lại. Để có lòng tự trọng, phụ nữ cần phải rèn luyện để thể tự tin, cần phải sống trung thực, nhân ái. Có tự tin mới có đủ bản lĩnh thể hiện lòng tự trọng, sự trung thực, thẳng thắn; tự tin mới có đủ năng lực để thể hiện sự đảm đang trong gia đình và đảm đang công việc xã hội. Từ tình yêu thương gia đình, lòng chung thủy với chồng, sự hiếu thảo với bố mẹ... , người phụ nữ sẽ không quản vất vả, khó nhọc, có thể toàn tâm toàn ý lo toan, đảm đang công việc gia đình mà không hề tính toán thiệt hơn. Chính sự đảm đang ấy sẽ góp phần thể hiện một cách đầy đủ nhất, sinh động nhất vẻ đẹp của lòng nhân hậu ở người phụ nữ. Như vậy, hội tụ được 4 phẩm chất trên, người phụ nữ sẽ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực của CNH, HĐH, hội nhập quốc tế; tránh những tác động tiêu cực của thời kì CNH, HĐH và hội nhập; vượt qua những thách thức trong cuộc sống; thực hiện tốt vai trò, thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm công dân trong xã hội; tác động tích cực tới các thành viên trong gia đình; có cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội.

Hội LHPN Việt Nam thấm nhuần các giá trị tinh thần to lớn mà thế hệ phụ nữ Việt Nam dày công vun đắp, thấy được trách nhiệm to lớn của mình đối với sự trân trọng, tự hào, giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp đó và khắc phục hạn chế, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực để góp phần xây dựng phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới: Tự trọng - Tự tin – Đảm đang – Trung hậu.

Để thực hiện thành công Đề án, các cấp Hội LHPN Việt Nam sẽ tập trung nguồn lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức trên cơ sở lồng ghép với các chương trình, dự án, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của Hội, của đất nước, địa phương. Tập trung xây dựng tài liệu tập huấn, tài liệu truyền thông về những phẩm chất đạo đức truyền thống của phụ nữ Việt Nam và về phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kì CNH, HĐH đất nước với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, dễ sử dụng. Xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kì CNH, HĐH đất nước với các tiêu chuẩn: nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu trong cuộc sống và trong công việc, có kỹ năng truyền thông và vận động quần chúng tốt, nắm vững địa bàn, hiểu rõ đặc điểm tình hình phụ nữ tại địa phương. Tăng cường công tác bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng, cung cấp tài liệu để phục vụ tốt hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở nhằm tác động một cách hiệu quả nhất tới hội viên phụ nữ và người dân cộng đồng, tạo sự đồng thuận về mặt nhận thức để thay đổi hành vi./.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video