Lao động nữ Việt Nam chịu nhiều sức ép cạnh tranh khi gia nhập AEC

26/04/2016
Đó là lời khẳng định của bà Ngô Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ tại lớp tập huấn “Quyền kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)” ở Hà Nội từ ngày 25 đến 28/4.
ASEAN cần chú trọng đến quyền phụ nữ
Lớp tập huấn do Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) phối hợp cùng Tổ chức hành động vì quyền của phụ nữ Châu Á Thái Bình Dương (IWRAW Asia Pacific) tổ chức. Học viên là cán bộ thuộc các tổ chức làm việc trong lĩnh vực bình đẳng giới và quyền phụ nữ. Đợt tập huấn này nhằm nâng cao kiến thức và xây dựng năng lực cho các đối tác và các tổ chức làm việc vì bình đẳng giới và quyền của phụ nữ ở cấp độ quốc gia, về chủ đề quyền lãnh đạo và quyền kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh Việt Nam gia nhập AEC với 3 vấn đề trụ cột: Quản trị nguồn tài nguyên; Công nhân nữ lao động nhập cư; Tập đoàn đa quốc gia và giới trong chuỗi giá trị.
Phụ nữ và trẻ em hiện chiếm hơn 50% và 30% dân số ASEAN. Họ có những nhu cầu, mối quan tâm và sự dễ bị tổn thương riêng của mình; do đó, an ninh và phẩm giá của họ cần được tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm một phần bằng việc tạo ra một môi trường hỗ trợ cho việc đạt được các quyền cơ bản như là con người của họ. Bên cạnh đó, có 13,5 triệu lao động di cư từ những quốc gia thành viên ASEAN đi lao động ở các nước khác trên khắp hành tinh, trong đó hơn 5 triệu đang lao động trong nội khối ASEAN. Đặc biệt, phụ nữ đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong trong dân số di cư ở ASEAN. Do đó, những vấn đề mà các nước ASEAN cần tập trung giải quyết cho phụ nữ là: Xóa đói nghèo, chăm sóc sức khỏe tình dục và sinh sản, xóa bỏ nạn tảo hôn và mang thai ở trẻ em gái, bảo vệ phụ nữ trong khu vực phi chính thức, quyền của nữ lao động di cư, nâng cao vị thế và quyền năng của phụ nữ trong chính trị-kinh tế, xóa bỏ định kiến giới, chống bạo lực giới…
Áp lực lớn cho thị trường lao động nữ Việt Nam
Ngoài ra, khóa học còn giúp nâng cao nhận thức về tác động của AEC với cuộc sống của phụ nữ; nâng cao hiểu biết về thực trạng, các vấn đề, cơ hội và thách thức đối với phụ nữ Việt Nam khi gia nhập AEC.
Bàn về vấn đề này, bà Ngô Thị Hà nhấn mạnh rằng AEC tạo ra thị trường chung, không còn rào cản không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ, vốn…; do vậy, bên cạnh sự hợp tác để cùng phát triển thì sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực sẽ càng trở nên gay gắt. Việt Nam có lợi thế lớn nhất là lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Đó cũng là lợi thế của lao động nữ nói riêng. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ tiếp nhận nhiều lao động chất lượng cao từ các nước bạn tới làm việc, trong khi đó trình độ lao động Việt Nam thấp, làm việc chủ yếu ở khu vực phi chính thức với gần một nửa số lao động Việt Nam đang làm việc trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực có năng suất lao động, thu nhập ở mức thấp so với nhiều nền kinh tế khác trong ASEAN. Điều đó cho thấy cạnh tranh trực tiếp giữa lao động Việt Nam và lao động các nước sẽ diễn ra rất quyết liệt.
Ngoài ra, lao động nữ Việt Nam thiếu những kỹ năng mềm để có thể sẵn sàng hội nhập vào thị trường lao động khu vực như giao tiếp công việc bằng tiếng Anh, khả năng làm việc nhóm... Trong khi những lao động có kỹ năng sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm ở các quốc gia có mức lương cao hơn thì phụ nữ Việt Nam phải di cư lao động ở những ngành nghề có kỹ năng thấp như lao động việc nhà, chịu nhiều rủi ro và thậm chí đối mặt với bạo lực giới, nạn buôn bán người. Riêng với doanh nghiệp nữ, cũng như doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhận thức về AEC còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc nắm bắt các cơ hội và vượt qua thách thức khi tham gia tiến trình này.
Từ những thực trạng trên, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng tăng khả năng thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp cho người học, ưu tiên đào tạo nghề và định hướng nghề nghiệp, tăng cường khả năng sử dụng kỹ năng mềm như giao tiếp, ngoại ngữ, lập kế hoạch. Từng chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, vùng, ngành phải thực sự coi đầu tư đào tạo nghề nghiệp là đầu tư cho phát triển, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo đặc biệt trong nội khối ASEAN. Mặt khác, cần tích cực tuyên truyền về AEC để chị em phụ nữ hiểu rõ về cộng đồng, lợi ích cũng như thách thức khi là công dân của cộng đồng này; giáo dục phụ nữ nâng cao ý thức tự học, tự trang bị kiến thức và tự bảo vệ mình trong bối cảnh hội nhập.
Ngoài ra, trong khối ASEAN cần đồng thuận về việc có Công ước riêng về lao động di cư, tăng cường hợp tác về các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với lao động di cư thông qua các thỏa thuận công nhận tham gia và hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giữa các quốc gia ASEAN.
Ngự Bình

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video