Người phụ nữ nặng lòng với quê hương

14/09/2009
"Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người"(Đỗ Trung Quân) - lời thơ mà nhiều người yêu thích cũng là lời tâm niệm mà chị Trần Thị Thanh Tân luôn tự nhắc nhở, giục giã mình bởi trong chị luôn ấp ủ ước mong được làm điều gì đó cho mảnh đất “chôn rau cắt rốn” của vợ chồng chị.

Nhớ lại thời điểm năm 1986, khi chị chuyển công tác từ Hải Dương ra Quảng Ninh với mong ước gia đình đoàn tụ để vợ chồng cùng nhau nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế. Cuộc sống mới, công việc mới bao vất vả, khó khăn nhưng với bản chất hay lam hay làm, hi sinh chịu đựng và quyết tâm vượt khó, ngoài công việc chính ở Công ty than Việt Nam, chị động viên chồng làm thêm đủ nghề để có thêm thu nhập nuôi các con ăn học.

Rồi anh chị có quyết định chuyển công tác về Hà Nội. Lại một lần thay đổi, có thêm những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, song bằng sự khéo léo, đảm đang của chị, sự đồng lòng, góp sức của các thành viên, cuộc sống gia đình chị dần dần ổn định.

Điều mà người mẹ như chị Tân cảm thấy mãn nguyện nhất là sự trưởng thành của các con. Cả 4 người con của anh chị đều đã có gia đình riêng yên ấm, hạnh phúc và hiện đang giữ những trọng trách nhất định tại Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, riêng người con trai thứ ba là Trưởng phòng khoa học trường Đại học Kinh tế quốc dân và chuẩn bị bảo vệ Luận án tiến sĩ. Đáng quý là 8 người con cả trai, gái, dâu, rể của chị đều được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Sau gần 40 năm công tác, năm 2001 chị được nghỉ hưu. Con cái đều đã trưởng thành. Lương hưu 2 vợ chồng hàng tháng cộng với số tiền tích luỹ được anh chị có thể thảnh thơi an hưởng tuổi già. Nhưng những lần về thăm quê, chị thấy cuộc sống của bà con, đặc biệt là một số chị em phụ nữ còn nhiều thiếu thốn, vất vả. Quê hương còn nghèo, điều ấp ủ bấy lâu lại thôi thúc chị. Sau nhiều trăn trở, nghĩ suy, chị Tân bàn bạc với gia đình và đi đến quyết định giao toàn bộ cơ nghiệp ở Hà Nội cho các con. Chị cùng chồng về quê sinh sống.

Vốn là một cán bộ ngành than lại sẵn có người thân và bạn bè cũng công tác trong ngành, nên chị đã có ý tưởng thành lập một công ty chuyên chế biến than. Thế là chị bắt tay ngay vào việc nghiên cứu thực địa và thị trường. Năm 2004, chị thành lập Công ty TNHH Huyền Linh tại quê chồng - thôn Liêu Xá, xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ - và để con trai thứ hai Nguyễn Tuấn Huy làm Giám đốc. Công ty chuyên sàng tuyển, phân loại than và liên hệ giao dịch, cung cấp than cho thị trường cả nước. Có người hỏi: “Sao chị không thành lập Công ty ở Quảng Ninh để đỡ công vận chuyển?”. Chị nói: “Mình đã nghĩ kĩ rồi, mục đích của mình là tạo công ăn việc làm cho bà con ở quê hương, đặc biệt là những chị em phụ nữ, mà phụ nữ xa nhà, xa con thì không thể được”.

Đúng như chị nói, công ty đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng vì phải xây dựng cả một cảng nhỏ để đón hàng, rồi kho bãi chứa hàng và nhà xưởng làm việc, trang thiết bị bảo vệ môi trường… Tất cả đã được chị tính toán kỹ lưỡng, chi li sao cho hợp lý, hiệu quả.

Ngày đầu thành lập, Công ty chỉ có 30 công nhân, chủ yếu là chị em trong họ, đến nay đã có 100 công nhân làm liên tục, trong đó khoảng 80% là phụ nữ độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, chủ yếu là những chị em có hoàn cảnh khó khăn, đã quá tuổi để vào làm việc tại các công ty khác trên địa bàn. Thu nhập bình quân của chị em khoảng 2 triệu đồng/tháng/người (mức thu nhập mà những người nông dân chưa bao giờ nghĩ tới). Gặp gỡ các chị em đang lao động trong xưởng, ai cũng hồ hởi, hăng say, còn khi được hỏi về người chị đã “cầm tay chỉ việc” cho mình, các chị chỉ cười và bảo: “Chị cứ xem rồi biết, một lời chúng tôi chẳng thể nói hết được đâu!”.

Bên cạnh việc điều hành hoạt động chung của công ty,  chị Tân còn xây dựng mô hình VAC tại gia đình với tổng diện tích 2ha, trong đó có 6 sào ao, ngoài ra là vườn và chuồng trại, mỗi năm thu hoạch 3-4 tấn cá cùng hoa trái các loại, ước tính thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Có thể nói, phương châm phát triển kinh tế của chị là để có thêm điều kiện giúp đỡ chị em, đóng góp xây dựng xóm làng, đồng thời thúc đẩy những hoạt động xã hội của địa phương. Những con đường trải nhựa, đường bê tông liên xóm, nhà văn hoá, đường điện và chùa chiền - nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương – đều được chị hỗ trợ để xây mới, sửa chữa. Số tiền bản thân và gia đình chị Tân ủng hộ các hoạt động lên tới trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, chị còn tích cực vận động anh chị em, những người con Liêu Xá đang làm việc và công tác tại tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam tham gia đóng góp để xây dựng quê hương.

Vốn là người chu đáo, quan tâm đến mọi người, vào những dịp lễ, Tết, ngày 8/3, 1/6, 20/10, chị Tân đều có quà tặng riêng cho con em công nhân lao động và chị em phụ nữ trong công ty, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chị cũng được coi là “nhà tài trợ chính” trong các phong trào thanh thiếu niên và phong trào phụ nữ tại địa phương. Hơn 50 cháu là con em các gia đình trong xã cũng đã được chị “đỡ đầu” để đi học rồi xin việc đi làm, có thu nhập ổn định.

Chị kiệm lời khi nói về mình nhưng tôi nhận thấy những ước mong vẫn còn cháy bỏng trong đôi mắt tinh anh của người phụ nữ đã ở tuổi lục tuần. Tôi gặng hỏi về những nỗ lực không mệt mỏi trong việc tìm tòi hướng đi giúp chị em phụ nữ quê nhà phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần, về tấm lòng tha thiết với xóm làng, chị cười và nói: “Tôi chỉ nghĩ một điều giản dị rằng: mình có thể giúp đỡ đuợc mọi người việc gì thì giúp thôi. Thấy bà con tin tưởng, chịu khó làm ăn, có thu nhập, thấy diện mạo xóm làng có phần đổi mới là mình vui rồi!”.

Cùng chị trò chuyện dưới hàng cây rợp bóng trong vườn, tôi chợt nhớ về những lời Bác Hồ thường xuyên nhắc nhở cán bộ: “Việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh…Cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân là tiêu chí số một đánh giá năng lực, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau”. Một cán bộ đã nghỉ hưu, điều kiện kinh tế gia đình lại khá giả, con cái đã trưởng thành nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Tân vẫn miệt mài, cần mẫn lo toan để tạo công ăn, việc làm cho các chị em phụ nữ khó khăn, tích cực đóng góp để xây dựng quê hương. Phải chăng một cán bộ, một đảng viên như chị đã được động viên, tiếp sức rất nhiều từ những điều Bác Hồ căn dặn?

Tạm biệt chị Nguyễn Thị Thanh Tân, suy nghĩ về những điều chị nói, những việc chị làm tôi nhận thức được rằng: Sức lan toả của một Cuộc vận động lớn thường bắt nguồn từ những điều giản dị. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mãi mãi là những bài học tươi mới, mang đầy ý nghĩa, là lẽ sống, là kim chỉ nam trong mọi hành động, việc làm của mỗi chúng ta.

Thuỳ Lâm
Ban Tuyên giáo - Hội LHPN Hải Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video