Những bước tiến mới của Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước

13/05/2015
Năm 2010, Chính phủ giao cho Hội LHPN Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 – 2015”. Sau 5 năm triển khai hoạt động, Đề án có những bước tiến mới đáng ghi nhận, là cơ sở thực tiễn cho việc tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam (PNVN) trong giai đoạn tiếp theo.

Chủ trương đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X đã xác định nhiệm vụ quan trọng là xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời k công nghiệp hoá, hiện đại hoá với những tiêu chí: có sức khoẻ, tri thức, kĩ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu; đồng thời xây dựng Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015 (Đề án 343), góp phần thực hiện chiến lược xây dựng, phát triển con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kì đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Việc xác định nội dung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước đáp ứng yêu cầu thời đại và được các tầng lớp phụ nữ chấp thuận, hưởng ứng là vấn đề không đơn giản, bởi trong thực tế, ngoài “tứ đức” quen thuộc (công dung, ngôn, hạnh) và 8 chữ vàng Đảng trao tặng phụ nữ Việt Nam trong những năm kháng chiến (Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang), chưa có định hướng nào cụ thể về những phẩm chất đạo đức mới của người phụ nữ trong thời đại ngày nay.

Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, tổ chức nhiều cuộc thử nghiệm, khảo sát tại các tỉnh/thành, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đông đảo các tầng lớp phụ nữ và nhân dân, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam kì họp thứ X (Khóa X) đã quyết định lựa chọn 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang để triển khai tuyên truyền, học tập, rèn luyện trong toàn thể cán bộ, hội viên Hội phụ nữ.

Sự vào cuộc của các cấp, các ngành; sự hưởng ứng, ủng hộ của phụ nữ và người dân cộng đồng về tứ đức mới: Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang

Sau 5 năm triển khai hoạt động, Đề án nhận được những tín hiệu đáng mừng: có sự đồng thuận, nhất trí của lãnh đạo các cấp, các ngành, sự hưởng ứng của các tầng lớp phụ nữ, người dân trong cộng đồng về sự cần thiết của việc rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Hiện nay, 100% các tỉnh/thành thành lập Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, 22 tỉnh/thành lập Ban chỉ đạo ở 100% các huyện/thị, trong đó có 59/63 tỉnh/thành có Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án là Phó chủ tịch UBND; 100% cấp tỉnh/thành đều được cấp kinh phí hoạt động, trong đó một số tỉnh được bố trí ngân sách khá lớn, từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đắc Lắc, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Long An).

Theo số liệu khảo sát của Đề án được tiến hành vào cuối năm 2014 tại 6 tỉnh/thành: Hà Nội, Lạng Sơn, Thừa Thiên Huế, Đăk Lăk, Sóc Trăng, Bình Dương cho thấy, trên 54% người trả lời phỏng vấn ở tất cả các địa bàn khảo sát đánh giá công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ có ảnh hưởng rất tốt tới phụ nữ và người dân trên địa bàn.Đa số phụ nữ và người dân ở các vùng miền, đặc biệt là tại các thành phố lớn đã quan tâm tìm hiểu và tiếp cận với những hoạt động tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức thông qua nhiều kênh tiếp cận khác nhau, trong đó phổ biến nhất là tiếp cận qua các chương trình truyền hình (64,2%), tiếp cận từ các tổ chức đoàn thể (78,5%) và tiếp cận từ cán bộ địa phương (58,6%). Điều quan trọng là đa số các ý kiến đều có nhận thức và hiểu biết tốt về nội hàm các phẩm chất đạo đức: Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang, trong đó Hà Nội và Bình Dương có số người trả lời đúng các nội hàm chiếm tỷ lệ cao nhất, trên 94%.

Những hoạt động thiết thực góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Bên cạnh các tài liệu tuyên truyền được chuẩn bị, biên soạn một cách công phu, việc TW Hội LHPN Việt Nam phát động và tổ chức thành công cuộc thi viết Những tấm gương Phụ nữ Việt Nam “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang” đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo các tầng lớp phụ nữ, góp phần tuyên truyền sâu rộng trong phụ nữ và quần chúng nhân dân về những gương điển hình trong rèn luyện, thực hiện các phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Cuối năm 2014, Liên hoan hát ru, hát dân ca, cổ truyền cấp khu vực tổ chức tại 2 miền Nam, Bắc không chỉ là sân chơi bổ ích nhằm tôn vinh, giữ gìn, phát huy giá trị những làn điệu hát ru, hát dân ca, cổ truyền dân tộc mà còn là hành trang quý giá để mỗi cán bộ, tuyên truyền viên, hội viên mang theo trong hành trình tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức PNVN.

Việc triển khai các mô hình hiệu quả tại các tỉnh/thành cũng góp phần không nhỏ vào quá trình thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi của các nhóm đối tượng đặc thù tại các địa bàn đặc thù trên cả nước như: Câu lạc bộ phụ nữ “Tiểu thương Vĩnh Ninh văn minh, hiện đại”(Thừa Thiên Huế), mô hình “Nét đẹp thanh lịch trong phụ nữ tiểu thương khu vực phố cổ” (Hà Nội); các mô hình tại địa bàn dân tộc, tôn giáo như: CLB “Phụ nữ tứ đức” (Đăk Lăk), mô hình Tuyên truyền, giáo dục trong giới hiền mẫu (Bà Rịa- Vũng Tàu), mô hình Phụ nữ không tảo hôn, tiết kiệm với ma chay, thực hiện không sinh con thứ ba, nói không với thách cưới (Lâm Đồng)... Đặc biệt, mô hình truyền thông giáo dục cho đối tượng nữ phạm nhân như mô hình “Đồng cảm với nữ phạm nhân” của Hội LHPN Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đã có những hoạt động hỗ trợ hiệu quả về tinh thần, động viên các nữ phạm nhân cải tạo tốt. Mô hình thay đổi hành vi “15 phút sẵn sàng” tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, giúp chị em rèn luyện tinh thần 3 đúng: đúng thời gian, đúng thành phần và đảm bảo nội dung trong sinh hoạt hội họp và 3 biết: biết cười, biết xin lỗi và biết cảm ơn trong tác phong làm việc, xây dựng đoàn kết nội bộ, sâu sát với hội viên và phụ nữ.Những mô hình trên đã giúp chị em dần xóa bỏ thói quen mặc cảm, tự ti trong cuộc sống, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, nếp sống, cách làm, có nhiều đổi mới trong phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, vươn lên thoát nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Đa số phụ nữ trả lời phỏng vấn tại cuộc khảo sát cuối giai đoạn đều tự nhận thấy bản thân mình đã có chuyển biến tốt về những biểu hiện cụ thể của 4 phẩm chất đạo đức. Với phẩm chất Tự tin, có gần 50% số phụ nữ được hỏi tự đánh giá bản thân mình có nhiều chuyển biến mạnh dạn trong giao tiếp, 71,5% số phụ nữ có nhiều chuyển biến trong việc sẵn sàng nhận nhiệm vụ và nỗ lực vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Đánh giá về phẩm chất Tự trọng, 88% phụ nữ thay đổi rất nhiều trong việc chấp hành nghiêm túc luật lệ giao thông, 85,4% số phụ nữ chuyển biến nhận thức rõ rệt trong việc đổ rác đúng nơi quy định. Đối với phẩm chất Trung hậu, 84,3 % số phụ nữ có nhiều chuyển biến về giữ gìn sự thủy chung trong các mối quan hệ, 84,1% số phụ nữ biết sống vì mọi người, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Còn về phẩm chất Đảm đang, 80,6% số phụ nữ có nhiều chuyển biến về việc biết cách chia sẻ, phân công công việc phù hợp cho các thành viên trong gia đình, 84% phụ nữ chuyển biến rất nhiều trong việc biết cách chi tiêu hợp lý, có kế hoạch, tiết kiệm, phù hợp kinh tế gia đình,…

Cần bước tiếp chặng đường dài trong giai đoạn tiếp theo

Đối chiếu với chỉ tiêu tổng thể cả giai đoạn 5 năm 2010- 2015, đến thời điểm hiện tại, Tiểu Đề án 1 và Tiểu Đề án 2 đã thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và chỉ tiêu của từng Tiểu Đề ánđề ra (Tiểu Đề án 1 ước đạt khoảng 90% các chỉ tiêu, Tiểu Đề án 2 đạt 85% các chỉ tiêu ). Tiểu Đề án 3 ước đạt 80% các chỉ tiêu và Tiểu Đề án 4tạm ước khoảng 70%. Hiện nay, Hội LHPN Việt Nam đang xúc tiến các hoạt động tổng kết Đề án giai đoạn 2010- 2015 và xây dựng dự thảo Đề án giai đoạn 2016- 2020 trình thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án được tiếp tục triển khai sẽ tạo tiền đề quan trọng trong việc góp phần đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Trong tời gian tới, Hội LHPN Việt Nam mong muốn các cấp ủy Đảng nghiên cứu, bổ sung đưa nội dung tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH-HĐH đất nước vào kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 33- Hội nghị TW 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các ngành liên quan bảo đảm nguồn kinh phí cho các hoạt động của Tiểu đề án từ Trung ương đến địa phương; tăng cường các hoạt động phối hợp giữa các cơ quan/thành viên thường trực Đề án của cấp TW và cấp tỉnh; tiếp tục nâng cao trách nhiệm của Hội LHPN các cấp trong việc chủ trì và phối hợp thực hiện Đề án 343 ở địa phương, đơn vị. Các Bộ, ngành chủ trì các Tiểu Đề án đặc biệt chú trọng việc chỉ đạo ngành dọc; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, đối tượng, hoạt động ưu tiên, đặc thù và là thế mạnh của ngành mình để chỉ đạo triển khai sâu, rộng các hoạt động tới các đối tượng. Đây là một yêu cầu cần thiết, không thể thiếu để huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm tạo đà cho Đề án gặt hái được nhiều thành quả hơn nữa trong giai đoạn tiếp theo.

Hương Giang- Ban Tuyên giáo TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video