Những chuyện chưa ai kể về Bác Hồ

30/07/2007
Một lần, trong chuyến đi khảo sát, Bác Hồ ghé qua Định Hoá (Thái Nguyên) thăm hỏi cán bộ, anh em, lúc đó ông Nguyễn Thế Văn được lệnh pha tách cà phê mời Bác.

Ông Nguyễn Thế Văn (người đi sau) đóng giả Bác Hồ trên đường kháng chiến ( Ảnh chụp năm 1950)

Để viết được bài này, trước tiên tôi xin cảm ơn bác Nguyễn Dư (Khâm Thiên-Hà Nội) đã nhiệt tình đưa tôi đến gặp ông Nguyễn Thế Văn, 94 tuổi, người đã đi theo chăm sóc Bác Hồ từ thời kháng chiến cho đến những năm 60 của thế kỷ XX. Đến giờ, hai vợ chồng ông Nguyễn Thế Văn vẫn sống đơn sơ, đạm bạc trong căn hộ 20m2 tại khu tập thể Quảng Bá, Nghi Tàm, Hà Nội.

Những bức ảnh quý hiếm đăng tải trong bài viết này là ảnh độc quyền chưa công bố của ông Nguyễn Thế Văn.

Bài học lớn từ một tách cà phê

Ông Nguyễn Thế Văn quê ở Thái Bình, có thời được cử đi xây dựng ở an toàn khu cho Trung ương ở Định Hóa (Thái Nguyên). Vì thấy ông tính tình cẩn thận, chu đáo nên cấp trên chuyển ông sang làm người chuyên phụ trách lương thực tiếp tế cho cán bộ. Một lần, trong chuyến đi khảo sát, Bác Hồ có ghé qua Định Hoá thăm hỏi cán bộ, anh em, lúc đó ông Nguyễn Thế Văn được lệnh pha tách cà phê mời Bác.

Trong lúc pha cà phê ông cũng không biết đấy chính là Bác Hồ, khi anh em trong đội nói "Bác Hồ đấy..." ông mới giật mình, xúc động, tay run run pha cà phê mà trong lòng chỉ sợ mình pha ẩu Bác uống không thấy ngon. Nào ngờ, khi ông bưng tách cà phê lên mời Bác, Bác đã ngỏ ý hỏi ông có muốn đi theo Bác không? Còn gì vui hơn thế, về sau ông mới biết Bác rất tinh tường, chỉ cần ngửi mùi cà phê, cách pha và dáng điệu bưng của ông Bác đã biết ông là người cẩn thận, chu đáo và đáng tin cậy. Bắt đầu từ đó, ông là người thân cận duy nhất lo cho Bác từ giấc ngủ đến bữa ăn và theo Bác đi khắp nơi từ các vùng miền trong cả nước đến Trung Quốc, Liên Xô (cũ)...

Ông Nguyễn Thế văn (ngoài cùng bên trái) cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phổ biến chủ trương của Bác trước nhân dân ( Ảnh chụp năm 1960)

Từ khi đi theo Bác, ông học được nhiều điều ở Bác, nhất là tinh thần tiết kiệm thì không ai bằng. Song có lẽ, ấn tượng sâu sắc nhất về tính thương người và tiết kiệm của Bác là ở bữa ăn, ông kể: "Mỗi bữa ăn của Bác chỉ có một niêu cơm nhỏ, một đĩa tai hoặc mũi lợn luộc, một chút mắm chua. Khi ăn, bao giờ Bác cũng gắp tai -mũi lợn ra một chiếc đĩa nhỏ rồi lấy chén đậy lại. Sau đó, Bác lấy dao khoanh tròn niêu cơn, lấy cháy ra ăn trước. Ăn xong, Bác bưng xuống bếp đưa cho tôi và anh em cán bộ phục vụ đĩa thịt tai lợn và bảo chỗ này Bác chưa gắp đến, các chú ăn đi. Chúng tôi nhìn nhau rơi nước mắt, chỉ có vài miếng thịt mỏng mà Bác còn phần chúng tôi thì..."

May áo cho... cái quạt 

Những dịp theo Bác đi khảo sát tình hình thời sự ở Trung Quốc, ông mới thực sự nhận thấy tính hóm hỉnh của Người. Va li quần áo của Bác chỉ có hai chiếc quần đùi, hai chiếc áo may ô và một bộ trang phục để tiếp khách thế nhưng Bác luôn dặn ông phải hết sức cẩn thận cất giữ chiếc va li như báu vật, nếu đi đâu ra khỏi phòng phải cho vào tủ khoá lại. Thấy ông ngạc nhiên, Bác bảo "Đây là bí mật quốc gia, đừng  tiết lộ ra ngoài". Sau này, ông mới hiểu, Bác không muốn người nước ngoài nhìn thấy sự quá giản dị của một vị lãnh tụ.

Khi về nước, Ban chấp hành TW Đảng Trung Quốc có tặng Bác một chiếc quạt điện, Bác không dùng mà bảo ông: "Chú may cho cái quạt này một chiếc áo rồi cất đi, bao giờ dân có Bác mới dùng". Không dám cãi lời Bác, ông cất đi, trong lòng vừa thấy vui vì sự hóm hỉnh của Bác lại vừa thấy xót xa. Trong một lần đi quan sát tại Định Hoá - Thái Nguyên, khi ông đang "ngộp thở" trước tiếng reo hò của bà con trong xã thì thấy Bác chỉ tay lên khẩu hiệu bên trên và nói: "Này chú ơi, cái xã này giỏi lắm nhé, thấy Bác đến liền giăng ngay khẩu hiệu Hồ Chủ Tịch muốn nằm". Ông nhìn theo tay Bác chỉ và chợt bật cười, thay cho "Hồ Chủ Tịch muôn năm" là "Hồ Chủ tịch muốn nằm". Sau đấy, Bác nhắc nhở anh chị em phải chịu khó rèn rũa, học câu chữ cho chính xác, tránh những trường hợp sai sót đáng cười.

"Tiết kiệm tiền cho nhân dân Liên Xô"

Bác Hồ cùng phái đoàn chính phủ thăm Liên Xô ( Ảnh chụp năm 1955)

Năm 1955, Hồ Chủ Tịch cùng phái đoàn Việt Nam đi cám ơn các nước XHCN trong đó có Liên Xô, tại đây họ đã tiếp đón Hồ Chủ Tịch theo đúng tiêu chuẩn một vị lãnh tụ, nhưng chính điều đó lại làm cho Bác rất phiền lòng. Hàng ngày, Mỗi bữa ăn là một bàn tiệc. Hai lần Bác bảo ông Văn nhắc họ  đừng làm như thế nữa nhưng phía bạn vẫn cứ theo lễ tiếp đón nguyên thủ quốc gia. Lần thứ ba, Bác mời tất cả những cán bộ trong nhà khách cùng bảo vệ vào ăn, khi ăn xong Bác mới mời người quản lý ra và bảo:"Đấy chú xem, cả chục người ăn còn không hết huống hồ chúng tôi chỉ có hai người. Lần sau, chú đừng làm như thế nữa, đây là tôi tiết kiệm tiền cho nhân dân Liên Xô". Về sau, trước khi đến bữa ăn, người phụ trách lại ra hỏi Bác xem hôm nay Người muốn ăn gì? Còn ông Văn lại có thêm một cơ hội để học hỏi đức tính của Người.

Giờ đây, khi đã ở tuổi 94, râu và tóc bạc phơ nhưng trông ông Văn vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, nhất là khi được hỏi về Người ông phấn chấn hẳn. Ông nói: "Tôi được như thế này là nhờ những năm tháng sống cận kề bên Bác". Có lẽ vậy mà giờ đây cuộc sống của hai vợ chồng ông đơn sơ, đạm bạc? Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá ngoài những bức ảnh chụp ông hồi trẻ bên cạnh Bác Hồ và nhưng tấm huân, huy chương ông treo khắp nhà. Khi tôi hỏi ông có mong muốn điều gì không trong suốt những năm tháng ông đi theo Người? Ông cười, nụ cười thật hiền hậu: "Sống được là tốt rồi" và như muốn chứng minh cho điều mình vừa nói, ông nhắc lại cho tôi nghe câu nói của Chủ Tịch Hồ Chí Minh mà ông luôn khắc sâu trong lòng: "Chú ạ, ở đời ai cũng có công nhưng không nên kể, kể ra là công không thật, nên bỏ chữ kể đi".

(VietNamNet)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video