Phát biểu của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQ liên tịch giữa Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam với Hội LHPN Việt Nam

21/07/2010
(Ngày 20/7/2010)

PHÁT BIỂU

CỦA LÃNH ĐẠO HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN NQLT 02 GIỮA HỘI LHPN VN VÀ NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VN

-----------------------------------

Kính thưa đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Thưa toàn thể hội nghị!

Trước hết, thay mặt Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các ban/ngành/đoàn thể TW, các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Hội LHPN các tỉnh/thành và toàn thể các vị đại biểu lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Kính thưa các đồng chí!

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Liên tịch giữa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam lần này có ý nghĩa rất quan trọng. Đây không chỉ là cơ hội để Ngân hàng và các tổ chức Hội nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả, đóng góp trong thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ-TTg, mà quan trọng hơn là từ những kết quả, bài học kinh nghiệm mười năm qua, chúng ta sẽ cùng thảo luậnvà đề ra phương hướng, giải pháp triển khai trong thời gian tới, đặc biệt nhằm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết liên tịch giữa Ngân hàng Nhà nước với Hội LHPN Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam vừa ký kết ngày 30/6 vừa qua, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và mục tiêu CNH – HĐH đất nước.

Thưa các đồng chí!

Thực hiện Nghị quyết liên tịch số 02/NQLT-2000 “về tổ chức thực hiện việc cho vay vốn đối với phụ nữ”, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo các cấp Hội thành lập các tổ vay vốn và phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp cùng cấp tín chấp cho chị em vay vốn. Trong mười năm qua, các cấp Hội đã thành lập được hơn 135 ngàn tổ với gần 11 triệu lượt phụ nữ vay vốn; thời điểm cao nhất (2005) có số dư nợ xấp xỉ 10.000 tỷ đồng với hơn 1,7 triệu phụ nữ vay; tỷ lệ hoàn trả đạt xấp xỉ 99%. Nhiều tỉnh/thành Hội đã tích cực tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của Ngân hàng và hướng dẫn, hỗ trợ hội viên phụ nữ vay vốn, sử dụng vốn có hiệu qủa, dư nợ luôn duy trì cao trong nhiều năm. Điển hình như Hội LHPN các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh dư nợ hàng năm luôn ở mức trên 700 tỷ, Hải Dương 350 tỷ, Bắc Giang 330 tỷ, Ninh Bình 260 tỷ, trong đó tỉnh Thanh Hóa có năm đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng. Một số tỉnh (Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An…), được sự quan tâm của chính quyền địa phương, với biện pháp phối hợp chỉ đạo thực hiện đồng bộ giữa Hội và Ngân hàng, nhiều huyện có 100% số xã Hội có vốn tín chấp NHNo&PTNT. Cũng tại các địa phương này, công tác kiểm tra giám sát, nắm bắt tình hình sử dụng vốn và đôn đốc người vay thực hiện tốt nghĩa vụ hoàn trả cũng được các cấp Hội quan tâm thực hiện thường xuyên, vì vậy tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức rất thấp, như Hưng Yên: 0%, Thanh Hóa: 0,2%, Thái Bình: 0,3%, Ninh Bình: 0,7%...

Cùng với việc ký kết Nghị quyết liên tịch 02, TW Hội đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT ký Nghị quyết liên tịch 47/2000/NQLT/LHPN/BNN “về việc hỗ trợ phụ nữ nông thôn phát triển sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống”. Kết quả hàng năm đã có hơn 1 triệu lượt phụ nữ vay vốn được tham gia các lớp khuyến nông, mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; nhờ đó, phụ nữ đã sử dụng vốn có hiệu quả; nhiều phụ nữ đã trở thành những điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiệu quả từ các hoạt động hỗ trợ vốn, nâng cao kiến thức cho chị em và từ các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã góp phần rất quan trọng vào kết quả đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội theo hướng chăm lo quyền lợi thiết thực cho hội viên phụ nữ; qua đó tổ chức Hội không ngừng được củng cố và phát triển.

Có thể nói, việc ký kết liên tịch với hai ngành Ngân hàng và Nông nghiệp là sáng kiến quan trọng trong liên kết thực hiện Quyết định 67/1999/QĐ-TTg, trong đó đã tạo được phương thức phối hợp để vừa chuyển tải vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tới đúng tối tượng một cách nhanh chóng, thuận tiện, vừa đưa kiến thức tới phụ nữ vay vốn, giúp chị em sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần thiết thực cải thiện đời sống của phụ nữ và phát triển kinh tế xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua.

Việc thực hiện Nghị quyết tại các địa phương đạt kết quả cao cho thấy, nguyên nhân căn bản là sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong tổ chức thực hiện của cả hai phía Hội và Ngân hàng, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong giai đoạn gần đây, hoạt động phối hợp giữa Hội và Ngân hàng ở một số tỉnh/thành có chiều hướng giảm sút. Tốc độ dư nợ qua Hội Phụ nữ ở nhiều địa phương tăng chậm, thậm chí ở nhiều huyện, xã không có chương trình phối hợp giữa Hội và Ngân hàng. Đây là một thực tế đòi hỏi cả hai ngành, tổ chức chúng ta cần xem xét và có giải pháp đúng, phù hợp. Trong quá trình thực hiện và ngay trước Hội nghị này, giữa Hội và Ngân hàng TW đã có cuộc khảo sát đánh giá tại các địa phương. Nguyên nhân có nhiều và đều có trách nhiệm của các bên. Ngoài các nguyên nhân đã được nêu tại báo cáo của Ngân hàng, chúng tôi cũng muốn nêu thêm những nguyên nhân thuộc về phía Hội và hội viên phụ nữ. Thực tế còn nhiều tỉnh/thành Hội chưa thực sự quan tâm và mạnh dạn tín chấp cho chị em vay vốn từ ngân hàng thương mại; mới chú trọng hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo mà chưa quan tâm tín chấp cho phụ nữ đã thoát nghèo, phụ nữ có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế hộ, phát triển trang trại, khởi sự và phát triển doanh nghiệp từ nguồn vốn ngân hàng thương mại, trong khi số lượng phụ nữ này rất lớn và cũng có nhu cầu rất lớn về vốn. Còn quan niệm đối với số phụ nữ này thì chị em có thể tự tiếp cận với Ngân hàng. Về phía phụ nữ, còn tâm lý ngại vay vốn lãi suất thị trường và bên cạnh đó, thủ tục vay, điều kiện vay cũng là một rào cản đối với phụ nữ do phụ nữ còn rất ít đứng tên là chủ hộ và có tên trong sổ đất đai. Ngoài ra, còn nguyên nhân thuộc về nhận thức, sự quan tâm, sự chủ động chia sẻ, hợp tác của cả hai phía Hội và Ngân hàng cũng như sự quan tâm chưa đầy đủ của lãnh đạo một số địa phương.

Thưa Hội nghị!

Với hơn 60% lực lượng lao động nữ khu vực nông nghiệp nông thôn và xu hướng này còn tiếp tục tăng lên, phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn. Chị em hiện cũng đang đứng trước rất nhiều thách thức về việc làm, thu nhập và đời sống. Để giải quyết vấn đề này, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT - một Ngân hàng có vai trò chủ đạo và có tiềm năng rất lớn trong cho vay nông nghiệp nông thôn là rất quan trọng và cần có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ trong thời gian tới.

Chúng tôi đề nghị, trên cơ sở kết quả, bài học kinh nghiệm thời gian qua, ngay sau Hội nghị này, Hội LHPN Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Việt Nam sẽ cùng xây dựng một chương trình phối hợp mới cho giai đoạn 2010 – 2020, trong đó đẩy mạnh cho vay không có bảo đảm bằng tài sản với các phương thức phối hợp đa dạng, linh hoạt, cải tiến hơn và cho vay theo mô hình đề án, dự án SXKD theo hướng hàng hóa nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị định 41/NĐ-CP và Nghị quyết Liên tịch đã ký kết giữa Ngân hàng Nhà nước và Hội LHPN Việt Nam.

Nhân Hội nghị này, thay mặt Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn tới các đồng chính lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, cấp ủy và chính quyền các địa phương, các Ban ngành, đoàn thể, các cán bộ ngành Ngân hàng đã luôn sát cánh, hỗ trợ Hội LHPN các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chăm lo quyền và lợi ích của phụ nữ, góp phần xây dựng nông nghiệp nông thôn nước ta văn minh, giàu mạnh và thực hiện bình đẳng giới.

Xin trân trọng cảm ơn!

TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video