Phụ nữ Thủ đô với cuộc vận động “Học tập và làm theo Bác”

18/05/2010
Sáng ngày 18/9/2010, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác, tại một địa điểm đầy ý nghĩa là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội LHPN TP Hà Nội đã thiết thực kỷ niệm ngày sinh nhật của Người và tôn vinh 120 tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Sau 3 năm triển khai, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo được những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ thủ đô. Nội dung cuộc vận động ngày càng được các cấp Hội triển khai một các có nền nếp, sáng tạo, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội, của địa phương, tạo sức lan tỏa và động lực thúc đẩy các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Cùng với việc cụ thể hóa nội dung cuộc vận động thành các chỉ tiêu thi đua hàng năm để chỉ đạo đồng bộ trong các cấp Hội, Hội LHPN TP Hà Nội đã lựa chọn những vấn đề cần tập trung để lồng ghép với phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội như thực hiện “Văn hóa ứng xử người phụ nữ Hà Nội”, phát động các đợt thi đua cao điểm tham gia các vấn đề xã hội bức xúc như giải quyết việc làm, giúp phụ nữ nghèo…lồng ghép những tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đăng ký thực hiện phong trào “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc” căn cứ vào kết quả thực hành mô hình làm theo tấm gương của Bác của từng hội viên, coi đó là một trong những tiêu chí quyết định danh hiệu thi đua trong năm. Nhờ vậy, việc bình xét được tiến hành nghiêm túc tạo khí thế thi đua và ý thức phấn đấu của hội viên.

Chị Nguyễn Minh Hà, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội cho biết: “Để cuộc vận động thực sự thiết thực hiệu quả, BCH Hội PHN Hà Nội chúng tôi đã tập trung chỉ đạo thực hiện cuộc vận động ngay từ những ngày đầu, trong đó tập trung nhiều cho công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ hội viên về ý nghĩamục đích của cuộc vận động. Chúng tôi đã có nhiều những hoạt động cụ thểnhư tọa đàm, thi kể chuyện về Bác, thảo luận, học tập những tấm gương điển hình trong cuộc vận động. Nhờ vậy các cơ sở Hội cũng như mỗi cán bộ hội viên đã tiết kiệm từng động tiền, bát gạo để hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, trẻ em có nhiều khó khăn, người khuyết tật…3 năm qua chúng tôi cảm nhận cuộc vận động đã thực sự đi vào cuộc sống”

Đặc biệt, để giúp cán bộ hội viên dễ dàng “học tập” và “làm theo”, các cấp Hội đã căn cứ tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn mô hình chỉ đạo, hướng dẫn hội viện thực hiện các mô hình làm theo tấm gương đạo đức của Bác, trong đó tập trung vào việc thực hành tiết kiệm, cải tiến lối làm việc, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, tiết kiệm chi tiêu…Điểm đáng chú ý là mỗi mô hình lại có một cách làm tiết kiệm riêng, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, đơn vị. Trong đó tiêu biểu là mô hình “nuôi lợn nhựa”, tạo thói quen tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày của mỗi cán bộ hội viên, được tổng số tiền trên 53 tỷ đồng. Điển hình là các đơn vị như Đông Anh, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông… Một phần của số tiền này đã được dùng để tặng hơn 2,000 xuất quà, 303 sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây sửa 20 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa cùng nhiều đồ dùng học tập, vật dụng gia đình cho hội viên, phụ nữ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, từ các mô hình tiết kiệm năng lượng (mà điển hình là Ứng Hòa, Đống Đa) đã tiết kiệm được trên 13.533 kw điện, mô hình tiết kiệm trong việc cưới, việc tang (Hà Đông) đã góp phần nâng cao tính tự giác của cán bộ hội viên trong tham gia xây dựng nếp sống văn minh tại cơ sở.

Nhiều đơn vị, cá nhân coi việc “đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân” là việc thiết thực học và làm theo lời Bác. Điển hình như chị Nguyễn Thị Bạt, nguyên chủ tịch Hội LHPN quận Long Biên ở tổ 18, phường Long Biên, quận Long Biên. Trước đây gia đình chị sở hữu diện tích nhà đất hơn 200m2.Tháng 10/2009, khu dân cư trong xóm có nhu cầu mở rộng đường, và vì vậy hơn 60 m2 đất trên đó có căn nhà 3 tầng của anh chị sẽ phải “giải tỏa” thì đường xóm mới rộng được. Tính theo giá thị trường lúc đó, cả nhà và hơn 60 m2 đất của chị trị giá khoảng 3 tỷ đồng, nếu hiến cho xóm cũng chỉ được hỗ trợ lại một phần, vừa đủ tiền mua nguyên vật liệu xây căn nhà mới. Như vậy gia đình chị sẽ “thiệt” mất hơn 60 m2 đất. Thấm nhuần ý nghĩa của cuộc vận động Học tập tấm gương đạo đức của Bác, với vai trò đi tiên phong của những người đảng viên, anh chị đã đấu tranh tư tưởng và bàn nhau quyết định đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, hiến số đất trên cho xóm để việc đi lại cho bà con trong xóm được thuận lợi, dễ dàng hơn. Bây giờ, có dịp đi trên con đường xóm rộng rãi, nhiều người thầm cảm ơn anh chị Bạt đã hiến đất cho mục đích chung.

Hoặc như chị Triệu Thị Lương, hội viên phụ nữ dân tộc Dao, thôn Hợp Sơn, Ba Vì mặc dù điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng với tấm lòng “thương người như thể thương thân”, gia đình chị đã từng nhận nuôi 1 cháu bé 3 tuổi có mẹ mắc bệnh nặng, bố đi lấy vợ khác cho tới khi cháu được 9 tuổi. Hiện nay chị lại đang tiếp tục nhận nuôi và phụng dưỡng cụ bà Trần Thị Chẩm sống đơn thân, không nơi nương tựa…

Và còn biết bao tấm gương cán bộ, hội viên phụ nữ học và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh của Thủ đô khác đang từng ngày chung tay góp sức “dệt thêu” để bức tranh “non sông gấm vóc” của dân tộc Việt Nam mỗi ngày thêm tốt đẹp, rực rỡ như lời Bác Hồ dạy.

Mỗi tập thể, mỗi cá nhân từ những đặc thù của mình đã tìm ra được con đường đi riêng để hòa nhập chung vào cuộc vận động của nhân dân cả nước, tỏ lòng biết ơn một cách thiết thực nhất, ý nghĩa nhất đối với cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp cách mạng của người Cha già dân tộc.

Và 120 tập thể, cá nhân của cán bộ, hội viên, phụ nữ Thủ đô được tôn vinh nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác hẳn là một con số trùng hợp đầy ý nghĩa?

Trung tâm thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video