Phụ nữ Trà Vinh thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

14/12/2009
Sau gần ba năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp xây dựng nhiều mô hình thiết thực đi vào đời sống phụ nữ.

Phụ nữ với những mô hình thiết thực làm theo gương Bác

 

Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tích cực “làm theo” tấm gương đạo đức của Người,xây dựng nhiều tổ nhóm, câu lạc bộ (CLB) phù hợp với tâm tư nguyện vọng của phụ nữ như: tổ phụ nữ cần kiệm hùn vốn xây nhà; tổ phụ nữ đóng góp hũ gạo tình thương; tổ phụ nữ tiết kiệm bỏ ống tre, nuôi heo đất hỗ trợ hộ nghèo, người già neo đơn, học sinh nghèo; tổ phụ nữ vận động quyên góp quỹ giúp bệnh nhân nghèo; tổ phụ nữ đi bộ thể dục buổi sáng; tổ nuôi heo đất “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; tổ phụ nữ tiết kiệm hàng ngày nuôi heo đất; CLB phụ nữ tham gia thể dục dưỡng sinh; CLB phụ nữ tiết kiệm chi tiêu hàng ngày; tổ phụ nữ giúp nhau sửa nhà; CLBtuyên truyền viên tuyên truyền học tập làm theo gương Bác; CLB phụ nữ có con hiếu học Đến nay toàn tỉnh có 203 tổ, nhóm, CLB với 4.319 phụ nữ tham gia, đóng góp 15.544 kg gạo, trên 314.384.000 đồng, hỗ trợ 5 hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở, giúp trên 529 hộ nghèo, người già neo đơn; vận động 17.232 phụ nữ thực hành tiết kiệm trong chi tiêu trên 6 tỷ đồng giúp trên 800 chị phát triển kinh tế. 51 tập thể, cá nhân của tổ chức Hội cuộc được Ban Chỉ đạo cấp huyện, thị và cấp tỉnh khen thưởng về thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Mô hình “Hũ gạo tình thương” giúp phụ nữ vượt qua khó khăn

Trước khi nấu cơm, tự nguyện bớt lại một nắm gạo, bỏ vào một cái hũ, gọi là hũ gạo tình thương. Ai không có điều kiện thực hiện hũ gạo tình thương thì thực hành tiết kiệm chi tiêu mỗi ngày từ 1.000 đồng trở lên để đến kỳ sinh hoạt của tổ hàng tháng đóng góp cùng các thành viên khác đem hỗ trợ cho hàng trăm hộ gia đình có người tàn tật, già cả, neo đơn, không nơi nương tựa, cũng như chị em gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất, đau ốm, tai nạn, rủi ro...

Mục đích của phong trào “Hũ gạo tình thương” là thể hiện sự cảm thông chia sẻ thể hiện những tấm lòng từ thiện, nhân ái noi gương Bác Hồ, chung tay đóng góp xây dựng “Hũ gạo tình thương” giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống.

Hơn 1 năm phát động, đến nay toàn tỉnh 100% huyện, thị đều chỉ đạo xây dựng 27 “Hũ gạo tình thương” với 483 thành viên tham gia, đã góp hơn 15.544 kg gạo, hàng chục triệu đồng giúp trên 500 phụ nữ. Nơi có phong trào tốt là huyện Tiểu Cần, Cầu Kè … Chính những "Hũ gạo tình thương" này đã nuôi dưỡng và làm sâu đậm thêm tình làng nghĩa xóm, nối lại gần nhau những con người có hoàn cảnh và điều kiện sống rất khác nhau, đây cũng chính là cách để mỗi thành viên trong nhóm đồng cảm, sẻ chia những khó khăn với cộng đồng về tình yêu thương con người, của tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” .

Nuôi heo đất vì lòng nhân ái

Mô hình “heo đất tiết kiệm” được thực hiện với hình thức mỗi cán bộ hội, hội viên phụ nữ đăng ký nuôi 1 heo đất và mỗi ngày đi chợ bớt ra một vài ngàn tiền lẻ, con cũng bớt một phần tiền ăn sáng để tiết kiệm từ 1.000-2.000đ để nuôi heo, mỗi tháng mỗi người tiết kiệm bỏ vào heo ít nhất 2 lần.

Qua phát động phong trào phụ nữ toàn tỉnh Trà Vinh đã có 103 tổ phụ nữ nuôi heo đất có 2.555 phụ nữ tham gia, với số tiền tiết kiệm ban đầu 186.152.000 đồng từ tiết kiệm chi tiêu trong gia đình. Ngoài những con heo được nuôi bằng công sức của cả tập thể, nhiều hội viên còn mua heo “nuôi” riêng tại gia đình bằng chính số tiền tiết kiệm hàng ngày, qua đó đã giúp được 203 phụ nữ khó khăn, sửa chữa nhà, xây dựng “mái ấm tình thương” và sửa chữa công trình vệ sinh … Huyện thực hiện phong mô hình nuôi heo đất nhiều nhất là huyện Tiểu Cần, Càng Long …

Từ mô hình này mới thấy hết ý nghĩa của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giúp nhau vượt qua khó khăn của chị em phụ nữ. Theo các chị, số tiền giúp nhau tuy không nhiều nhưng đã thể hiện tấm lòng, sự quan tâm đùm bọc “nhường cơm sẻ áo” của cộng đồng với những người khó khăn, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Đây là một việc làm bình dị nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, mặc dù với số tiền này, số người được giúp chưa nhiều nhưng phong trào cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó hiệu quả trên hết chính là chị em hội viên phụ nữ đã biết vận dụng bài học về sự tiết kiệm của Bác vào trong chính cuộc sống hàng ngày của mình.

Tổ phụ nữ tham gia bảo dưỡng cây xanh và làm đẹp đường phố vỉa hè –Giữ gìn nét văn minh đô thị

Năm 2009, Hội LHPN TXTV phát động phụ nữ phường, xã tham gia giữ gìn vệ sinh trong gia đình, trong khu dân cư và ở nơi công cộng, chỉ đạo xây dựng các mô hình về vệ sinh môi trường nơi gia đình đang sinh sống. Xác định vai trò của người phụ nữ trong gia đình, Hội đã phát động từng gia đình đăng ký đổ rác đúng nơi quy định, không để con em vứt rác bừa bãi ra hè, thùng rác của từng gia đình phải có nắp đậy, trước mỗi căn nhà đều sạch sẽ.

Trước đây, do ý thức một số người dân chưa ý thức được vấn đề giữ vệ sinh chung nên tình trạng vứt rác, đổ nước bẩn, thậm chí vứt xác súc vật chết ra đườngxảy ra khá phổ biến, tình trạng này thực sự là nỗii bức xúc của nhiều người.

Để góp phần cải thiện tình hình vệ sinh, Hội phụ nữ phường họp với các tổ phụ nữ, các tổ chức Hội, đoàn thể ở từng tổ dân phố tổ chức sinh hoạt lồng ghép, tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, trước hết là khu vực nhà ở của mình, trong đó phụ nữ đóng vai trò chính trong việc động viên, giáo dục con em giữ gìn vệ sinh và đăng ký nhận “Đoạn đường tự quản” về vệ sinh môi trường, bên cạnh đó, nhân các ngày lễ, phụ nữ cùng với bà con ở khu dân cư tổ chức tổng vệ sinh khu vực nhà ở, quét dọn đường sá tạo bộ mặt khang trang cho tổ dân phố… Sau một thời gian ngắn tình hình vệ sinh ở các đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Phạm Hồng Thái … được cải thiện rõ rệt. Việc đổ rác thải, nước thải đổ ra đường được hạn chế đến mức thấp nhất, không những người lớn mà trẻ em trên các đoạn đường này cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh ở khu vực nhà mình và ở nơi công cộng

Tuy chỉ mới thành lập được 2 tổ với 44 thành viên tham gia làm nồng cốt, nhưng phong trào đã được đông đảo hội viên phụ nữ hưởng ứng và đem lại kết quả bước đầu phấn khởi, cần được biểu dương và nhân rộng, góp phần hình thành chuẩn mực về nếp sống văn hóa, gia đình văn hóa…giữ gìn cho bộ mặt của nội ô thị xã thêm xanh, sạch, đẹp hướng đến chào mừng Thị xã Trà Vinh lên thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2010.

CLB tuyên truyền viên tuyên truyền học tập và làm theo gương Bác – tập hợp những con người tâm huyết

CLB tuyên truyền viên tuyên truyền học tập và làm theo gương Bác trực thuộc Hội LHPN huyện Cầu Ngang ra đời đáp ứng mong muốn của đa số cán bộ, hội viên phụ nữ. Được thành lập trong năm 2009 với 45 thành viên là cán bộ Hội phụ nữ từ cấp huyện đến chi tổ hội với nhiệm vụ tuyên truyền các chuyên đề của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Từ khi thành lập, Ban chủ nhiệm (BCN) CLB đã xây dựng quy chế đề ra kế hoạch hoạt động, hàng tháng tổ chức họp định kỳ triển khai các chuyên đề, nội dung về tư tưởng đạo đức, Di chúc của Bác và lần lượt chọn những câu chuyện gần gũi, bình dị về tấm gương của Bác để sinh hoạt trong CLB, rút ra bài học kinh nghiệm làm cơ sở lồng ghép tuyên truyền vào các cuộc họp chi, tổ hội, câu lạc bộ khác hiện đang có tại nơi các thành viên của CLB công tác.

Nhằm làm cho nội dung sinh hoạt không bị nhàm chán, khô khan, mang tính hình thức, thể hiện khả năng sáng tạo của các thành viên, mỗi kỳ sinh hoạt CLB đều tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như một diễn đàn, tọa đàm để các thành viên có thể giao lưu, trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Các chuyên đề của cuộc vận động được Ban chủ nhiệm CLB soạn thảo dưới dạng câu hỏi gửi trực tiếp trước đến từng thành viên để mỗi người nghiên cứu, học tập.Nhìn chung, các hoạt động của CLB đã tác động sâu rộng đến tâm tư, tình cảm và ý thức của từng thành viên, qua đó hun đúc được sự nhiệt tình, tâm huyết, phấn đấu học tập theo đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau hơn 6 tháng đi vào hoạt động, CLB đã tổ chức tuyên truyền được 56 cuộc có 3.951 lượt hội viên, phụ nữ tham dự, vận động cán bộ hội viên phụ nữ tham gia sưu tầm trên 500 hình ảnh, tư liệu về thân thế, sự nghiệp và mẩu chuyện về Bác Hồ. Một trong những hoạt động tuyên truyền hiệu quả nhất chính là hình thức sân khấu hóa kết hợp các hình thức trực quan băng rol, pa nô, áp phích, phát thanh lưu động (kinh phí và tài liệu từ nguồn dự án AVV tài trợ), xây dựng nhiều chương trình tiết mục phục vụ công tác tuyên truyền …

CLB không chỉ trang bị cho các chi, tổ hội phụ nữ về kiến thức làm theo gương Bác mà còn biết vận dụng, cụ thể hóa vào các hoạt động thực hiện mô hình "5 không 3 sạch" (không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội; không bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3; không có trẻ suy dinh dưỡng; không có trẻ bỏ học và sạch nhà; sạch bếp; sạch ngõ) đồng hành với chương trình "1 tăng 4 giảm" (tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật; giảm nghèo, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm tai nạn giao thông; giảm ô nhiễm môi trường và phòng chống dịch bệnh).

Hoạt động của CLB ngày càng đi vào chiều sâu, nâng cao kiến thức, phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của phụ nữ, xây dựng đạo đức mới: lòng yêu nước, sống có tình, có nghĩa, có đạo đức, có tinh thần đoàn kết, nhân ái... động viên cán bộ, hội viên, phụ nữ học tập, lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc,, giúp nhau làm kinh tế gia đình, xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đặc biệt là trong việc tang, việc cưới, lễ hội và các hoạt động văn hóa khác. vận động chị em thực hành tiết kiệm trong sinh hoạt, tránh lãnh phí trong chi tiêu, tích cực trồng trọt, chăn nuôi, sắp xếp công việc phù hợp nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi gia đình...

Có thể khẳng định, các mô hình hoạt động của Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua Cuộc vận động, ý thức tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống của đa số cán bộ, hội viên, phụ nữ được nâng lên, biểu hiện qua hành động tự giác hàng ngày, trong mối quan hệ gia đình, công việc, tập thể và cộng đồng. Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, gương mẫu điển hình tự giác làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành đánh giá cao, góp phần đưa Cuộc vận động đi vào đời sống.

Bích Phượng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video