Thái Bình có 242 làng nghề và 8 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận trong năm 2013

23/12/2013
Nghề, làng nghề ở Thái Bình từ lâu đã được cả nước biết đến. Đến nay, nhiều nghề truyền thống vẫn được duy trì và phát triển mạnh như: nghề dệt khăn, dệt vải ở Thái Phương, dệt đũi ở Nam Cao, chiếu cói ở Tân Lễ, Thị trấn Hưng Nhân; chạm bạc Đồng Xâm, mây tre đan ở Thượng Hiền, đúc đồng ở Đông Kinh, một số nghề mới du nhập đang có chiều hướng phát triển tốt như: nghề làm lông mi giả ở Quỳnh Phụ, nghề đan đệm ghế cói ở Đông Hưng, Tiền Hải, làm song nứa ghép sơn mài ở Thành phố, Kiến Xương.

Phát triển nghề và làng nghề đã góp phần tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tích cực; bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, kết cấu hạ tầng dần được hoàn thiện, xoá dần sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, hình thành các vùng cụm nghề, các thị tứ, thị trấn. Ở những nơi có nghề, làng nghề phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, nhiều phong tục tập quán truyền thống tốt của nhân dân được khôi phục. Nhiều xã đã xây dựng hương ước của làng, chú trọng giáo dục truyền thống cho con em. Do có nghề tại địa phương đã góp phần giải quyết tốt lao động việc làm tại chỗ, người dân đỡ phải đi làm ăn xa, tai tệ nạn xã hội giảm, thực hiện được chủ trương “Ly nông bất ly hương" của tỉnh, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nhận thức được vị trí, vai trò của nghề và làng nghề, chính vì vậy, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích để phát triển làng nghề như: Nghị quyết 01/NQ-TU ngày 5/6/2001 về phát triển nghề, làng nghề; Quyết định 03/2008/QĐ-UBND, ngày 07/4/2008 vềtrình tự thủ tục và tiêu chuẩn công nhận làng nghề; Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND ngày 02/11/2007 củaUBND tỉnh về tiêu chuẩn, qui trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú ngành thủ công mỹ nghệ; Quyết định số 17/2009/QĐ-UBND, ngày 06/11/2009 về việcban hành quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Đến nay hoạt động của làng nghề đã có nhiều thay đổi do phát triển của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, sự hình thành phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong đó có cả dự án đầu tư nước ngoài. Cùng với đó trên thị trường đã hình thành nhiều loại hình dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ lao động nước ngoài....Để kịp thời động viên khuyến khích các địa phương làm tốt công tác phát triển nghề, làng nghề ngày 18/12/2013 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2838/QĐ-UBND công nhận làng Trung Thôn 2, xã Kim Trung, huyện Hưng Hà đủ tiêu chuẩn làng nghề và xã Thụy Thanh, huyện Thái Thụy đạt tiêu chuẩn xã nghề. Tính đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã có 242 làng nghề và 8 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận.

Trong tình hình hiện nay việc phát triển nghề, làng nghề còn gặp những khó khăn nhất định. Song với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, cùng với cơ chế chính sách khuyến khích của tỉnh và sự nỗ lực của các địa phương, trong thời gian tới nghề và làng nghề của tỉnh sẽ duy trì và phát triển theo hướng bền vững.

Thaibinh.gov

thaibinh.gov

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video