Tứ đức của phụ nữ thời hội nhập

20/10/2015
Việc đầu tư nghiên cứu xác định bốn phẩm chất đạo đức cốt lõi của người phụ nữ thời kỳ hội nhập để tuyên truyền, giáo dục hội viên là việc làm hết sức có ý nghĩa của Hội. “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” vừa mang tính kế thừa giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, vừa đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn.

Tự trọng vượt lên nghịch cảnh

Câu chuyện của Đại úy chuyên nghiệp Phạm Thị An Bình (nhân viên Nhà Văn hóa, Cục Chính trị Quân đoàn 1) là thí dụ điển hình cho những tấm gương phụ nữ Việt Nam hiện đại giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh cuộc đời. Sinh ra trong gia đình quân nhân, mẹ mất sớm, để lại năm đứa con thơ dại, tuy mới lớp ba, nhưng Bình vừa là lao động chính, bảo đảm lương thực cho sáu miệng ăn, vừa thay mẹ chăm lo bốn cậu em trai. Bình tâm sự, những ngày tháng khó khăn ấy là nền tảng giúp cô rèn luyện sức chịu đựng, vượt qua hàng loạt những biến cố sau này. Tốt nghiệp THPT, Bình nhập ngũ, tiếp tục chăm lo bốn em trai lần lượt vào đại học, ra trường, có công việc ổn định, cô mới lập gia đình. Khi người em trai Bình bị u cổ, biến chứng, không thể đứng trên bục giảng, một lần nữa, người chị gái lại đưa em về nhà mình chăm sóc. Chẳng bao lâu sau, Bình phát hiện mình bị u não. Những cơn đau đầu xuất hiện bất thình lình, liên tiếp khiến cô gặp khó khăn trong giao tiếp, dễ ngã khi di chuyển. Khi cầm trên tay kết luận của bác sĩ về căn bệnh quái ác cũng là lúc người chồng của Bình rời bỏ tổ ấm vì không chịu được áp lực.

Bình rơm rớm nước mắt nhớ lại: Khi ấy tinh thần suy sụp, suy nghĩ tiêu cực bủa vây, tôi không thiết sống, định buông xuôi tất cả. Chính lúc đó, Ban Phụ nữ Quân đội triển khai đề án 343 “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”. Là cán bộ phụ nữ, sau một thời gian ngắn tìm hiểu nội dung đề án, tôi mày mò áp dụng vào công tác hội và chính bản thân mình. Bình tâm lại, nhìn ra quanh mình, tôi nhận thấy còn nhiều tình cảnh trớ trêu, bi đát hơn mình. Bản thân là quân nhân, trụ cột gia đình, trách nhiệm với các em, tôi cần có lòng tự trọng để vượt qua thử thách cuộc đời. Từ đó, xốc lại tinh thần, tôi nhanh chóng vượt qua mặc cảm, tham gia đều đặn, nhiệt tình mọi hoạt động chuyên môn, hội phụ nữ. Hăng hái tham gia các hoạt động kết nghĩa giữa đơn vị và địa phương, dần dà quên đi, đẩy lùi và chiến thắng bệnh tật.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Hiền, Ban Phụ nữ Quân đội kể: Chúng tôi gặp Bình tại một cuộc thi tuyên truyền viên về bốn phẩm chất phụ nữ thời kỳ hội nhập. Chúng tôi ấn tượng vì Bình có giọng nói truyền cảm, hùng biện đi vào lòng người, rất thuyết phục. Ngay lập tức chúng tôi tìm hiểu, biết hoàn cảnh, bệnh tật của cô nên đã xin ý kiến của lãnh đạo Quân đoàn chuyển Bình từ đội thông tin lên Cục Tuyên huấn Quân đoàn, tránh cho cô phải trực đêm. Hiện tại, sức khỏe của Bình tốt hơn rất nhiều sau khi chuyển công tác, phát huy tốt khả năng của mình ở vai trò mới: phát thanh viên, tuyên truyền viên. Vừa qua, Quân đoàn 1 quyết định xây tặng Bình căn nhà nghĩa tình đồng đội để đồng chí yên tâm công tác, vượt qua hoàn cảnh.

Tấm gương tự tin, tự trọng của chị Bình chỉ là một trong hơn 30 nghìn tấm gương phụ nữ tiêu biểu được tôn vinh qua cuộc thi viết “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam, tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" trên địa bàn cả nước và hơn chín nghìn tập thể, gần 20 nghìn cá nhân điển hình phụ nữ tiêu biểu được biểu dương qua đại hội thi đua các cấp, hội nghị điển hình tiên tiến của các cấp hội từ cơ sở.

Lan tỏa sâu rộng

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng ban điều hành đề án 343 Nguyễn Thị Tuyết khẳng định: Trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đòi hỏi người phụ nữ vừa đảm trách tốt công việc xã hội, vừa hoàn thành các nghĩa vụ trong gia đình, lại phải biết chăm sóc bản thân. Do vậy, chúng tôi đề cao sự chủ động, năng động, tự tin, tự trọng của người phụ nữ hiện đại, đó là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sau 5 năm triển khai, đề án 343 đã đáp ứng đúng, trúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết T.Ư 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Đề án 343 đã giáo dục đạo đức truyền thống không theo lối sáo mòn, hô khẩu hiệu. Theo báo cáo từ 60 trong số 63 Hội LHPN tỉnh, thành phố, có hơn năm nghìn mô hình xây dựng phù hợp địa bàn, đối tượng, góp phần định hướng vững chắc cho giá trị đạo đức mới xây dựng văn hóa con người Việt Nam trong phát triển bền vững, chung tay xây dựng nông thôn mới, thay đổi hành vi thiết thực, hiệu quả cho các nhóm đối tượng đặc thù, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của hội viên phụ nữ trên cả nước. Đặc biệt, các mô hình tại các địa bàn dân tộc, tôn giáo, miền núi đã giúp chị em mạnh dạn, tự tin tham gia hoạt động của địa phương, vay vốn để sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Trong hàng nghìn mô hình thành công có thể kể tới CLB “Tiểu thương văn minh, hiện đại” tại Thừa Thiên - Huế. Chủ tịch Hội LHPN Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Ái Vân cho biết: Hội LHPN tỉnh chọn những nữ tiểu thương phường Vinh Ninh, TP Huế triển khai thí điểm đề án với lý do họ là những người ít có dịp tiếp xúc với các kênh thông tin, giáo dục chính thống, nhưng lại là đại diện cho hình ảnh của một bộ phận không nhỏ phụ nữ ở thành phố Festival. Chợ, chính là nơi bạn bè du khách thập phương tìm tới giao lưu, tìm hiểu, tham quan và mua sắm. Ban đầu, mô hình được thành lập tại hai chợ: Bến Ngự và Hai Bà Trưng. Hội LHPN tỉnh đã vận động chị em bán hàng với thái độ lịch sự, nhã nhặn, không nói thách, hàng hóa bảo đảm xuất xứ, chất lượng tốt. Sau một thời gian ngắn, ý thức bán hàng văn minh, lịch sự của phụ nữ tiểu thương chuyển biến rõ nét, không còn cảnh mua bán xô bồ, nói thách. Từ thành công của mô hình điểm, hai chợ lớn là Đông Ba và An Cựu cũng náo nức triển khai, xây dựng gian hàng văn minh thương mại. Ngoài ra, vào các dịp lễ, tết, festival, tiểu thương đồng loạt mặc áo dài nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của phụ nữ Huế. Các chị còn hồ hởi rủ nhau đi đăng ký học thêm ngoại ngữ để giao tiếp thuận lợi hơn với du khách nước ngoài. Đến nay, các chợ lớn nhỏ tại chín huyện, thị xã, thành phố đều triển khai mô hình này. Với tiêu chí “tự trọng” đặt lên hàng đầu, chị em dần bỏ thói quen buôn bán cũ, biết giữ gìn đạo đức trong kinh doanh, hàng hóa niêm yết nhãn mác, giá cả công khai. Khung cảnh chợ nhờ đó văn minh, sạch sẽ hơn rất nhiều.

Đối với địa bàn đông nữ công nhân, lao động, CLB “Người phụ nữ mới” của phường Phú Lợi, Bình Dương là mô hình có cách làm sáng tạo. Về lý do ra đời mô hình này, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương Đặng Thị Mộng Huyền cho biết: Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp thu hút hơn một triệu công nhân, lao động, trong số đó hơn 70% là lao động nữ. Phần lớn nữ công nhân bị áp lực công việc căng thẳng do làm tăng ca, không có thời gian và điều kiện nâng cao trình độ, chuyên môn, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí. Thêm vào đó, đồng lương thấp, môi trường sống đơn điệu, nghèo nàn là nguyên nhân chính dẫn tới việc những nữ công nhân có cuộc sống buông thả. Bản thân họ cũng tự ti trước xu thế hội nhập, nảy sinh nhiều tiêu cực trong nếp sống. Tất cả những lý do ấy dẫn tới nguy cơ phá vỡ một phần đạo đức truyền thống và thiết chế văn hóa vốn có.

Ngày ra mắt, CLB được tỉnh hội hỗ trợ kinh phí gần 100 triệu đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã duy trì 101 CLB rèn luyện "tứ đức" với những tên gọi khác nhau: Người phụ nữ mới, Phụ nữ thế kỷ 21… Với hơn 30 thành viên/CLB, các hội viên của CLB đồng thời là tuyên truyền viên đi tới từng nhà dân, phòng trọ để tuyên truyền về "tứ đức" mới. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 99,6% số người được hỏi cho rằng họ được tiếp cận và đánh giá cao hoạt động tuyên truyền này. Chị em đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, ứng xử, có chính kiến, thái độ thẳng thắn, xây dựng được tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động. Tại các khu nhà trọ, nữ công nhân có nhiều chuyển biến trong thực hiện nếp sống văn hóa, giữ gìn môi trường sống lành mạnh, văn minh.

Còn có thể vinh danh các mô hình CLB: “Phụ nữ tứ đức” tại Đác Lắc; “Tuyên truyền giáo dục trong giới hiền mẫu” tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mô hình “Phụ nữ không tảo hôn, tiết kiệm với ma chay, thực hiện không sinh con thứ ba, nói không với thách cưới” tại Lâm Đồng giúp chị em dần xóa bỏ thói quen mặc cảm, tự ti trong cuộc sống, mạnh dạn xóa bỏ hủ tục, lạc hậu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, mô hình truyền thông giáo dục cho đối tượng phạm nhân nữ của Hội LHPN Diên Khánh, Khánh Hòa đã có những hoạt động hỗ trợ hiệu quả về tinh thần, động viên các nữ phạm nhân cải tạo tốt. Một số mô hình thay đổi hành vi như “15 phút sẵn sàng” tại thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp, giúp chị em rèn luyện tinh thần ba đúng: Đúng thời gian, đúng thành phần, đúng nội dung trong sinh hoạt và ba biết: Biết cười, biết xin lỗi và biết cảm ơn trong làm việc, xây dựng đoàn kết nội bộ, sâu sát hơn với hội viên và phụ nữ. Mô hình “Tổ phụ nữ thay đổi hành vi” tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp lại vận động phụ nữ từ bỏ thói quen đánh bài, số đề, đánh đập con cái…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Thủy, người gắn bó với đề án 343 từ những ngày đầu cho biết: “Để phấn đấu hoàn thiện bản thân theo bốn phẩm chất đạo đức của phụ nữ thời kỳ hội nhập không phải là điều dễ dàng, ngày một, ngày hai. Đối với mỗi người phụ nữ, đó là cả một quá trình ý thức tự rèn luyện, phấn đấu thường xuyên, liên tục. Tôi nghĩ, bản thân một mình phụ nữ cũng không thể phấn đấu trọn vẹn để có bốn phẩm chất ấy nếu không tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh; có sự hỗ trợ của những người thân trong gia đình, nhất là nam giới; sự đồng thuận ủng hộ của xã hội, cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể”.

Theo nhandan online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video