Việt Nam giành 2 giải thưởng về kinh doanh trong APEC
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế và Phụ nữ APEC 2017 diễn ra tại Huế, ngày 27/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) và Bộ Phát triển Kinh tế Liên bang Nga đồng tổ chức Giải thưởng Kinh doanh thành công trong APEC (APEC BEST).
Tham gia giải thưởng có 12 nữ là chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến từ 12 nền kinh tế thành viên của APEC. Đây cũng là những doanh nghiệp tiêu biểu được các nền kinh tế lựa chọn và tiến cử.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: Đây là sự kiện đặc biệt trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế và Phụ nữ APEC 2017 diễn ra tại Huế với mục tiêu giới thiệu các dự án của phụ nữ từ các khu vực kinh tế khách nhau, góp phần thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ trong các nền kinh tế APEC.
Bên cạnh đó, cuộc thi còn tạo cơ hội quảng bá về doanh nghiệp tới các đại biểu quốc tế và tìm kiếm đối tác hoặc nhà đầu tư tiềm năng; giúp xây dựng mạng lưới kết nối những phụ nữ là chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) được coi là “các điển hình tiêu biểu về kinh doanh thành công”, những doanh nhân, nhà tư vấn, cố vấn, và nhà đầu tư trong khu vực APEC…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, với số lượng 97% tổng số doanh nghiệp trong APEC, đóng góp 60% GDP, tạo 60% việc làm, doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò xương sống của nền kinh tế, là động lực thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo của từng thành viên và từng khu vực. Thực tế chứng minh, trong điều kiện kinh tế có biến động khó lường, khu vực kinh doanh do phụ nữ làm chủ thường có khả năng bền vững hơn, không chỉ đóng góp cho phát triển kinh tế mà còn thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà cùng các đại diện trong Ban tổ chức
Các doanh nghiệp SMEs đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế thành viên APEC, không chỉ trong chuỗi cung ứng nội địa mà còn trong sự phát triển của chuỗi cung ứng quốc tế thuộc nhiều ngành công nghiệp. Các nữ doanh nhân đoạt giải thưởng chụp ảnh chung cùng ban tổ chức
Sự khác biệt về giới ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng việc làm của phụ nữ thuộc nhiều thành phần của các nền kinh tế APEC và trong cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp mà nam giới được ưu tiên hơn. Chính vì vậy, việc thúc đẩy, phát triển các sáng kiến kinh doanh của phụ nữ và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ rất quan trọng và đầy tiềm năng.
Ở Việt Nam, SMEs chiếm 97% số lượng doanh nghiệp, đóng góp 41% GDP, 33% nguồn thu ngân sách, tạo 77% việc làm, trong đó, doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm tỷ lệ 28% tổng số doanh nghiệp. Chính phủ đang đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ đạt trên 35%.
Với sáng kiến của Nga, Giải thưởng kinh doanh thành công trong APEC tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng số hóa, doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp xã hội - nhóm doanh nghiệp năng động, quan tâm trách nhiệm xã hội nhưng cũng dễ bị tổn thương trong xu thế kỷ nguyên số. "Hội LHPN Việt Nam rất vui mừng được đồng chủ trì với Nga tổ chức Giải thưởng này. Đây chính là một trong những giải pháp quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp do nữ làm chủ quảng bá, thu hút các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư tiềm năng; thúc đẩy tạo mạng lưới, liên kết, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp do nữ làm chủ", Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu.
Tại buổi lễ, các ứng viên đã mang đến cho cuộc thi nhiều ý tưởng, những bài thuyết trình thể hiện sự năng động, sáng tạo trong kinh doanh; sự bắt nhịp cạnh tranh trong thời đại kinh tế số. Trọng tài cuộc thi là các chuyên gia, nhà đầu tư, tư vấn trong lĩnh vực phát triển tinh thần kinh doanh của Phụ nữ đến từ các nền kinh tế của APEC. Việt Nam có 2 trọng tài vinh dự được lựa chọn là bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam và Tiến sĩ Trần Quang Tiến - Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ban tổ chức trao giải đặc biệt cho bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - người sáng lập Châu Thông Production (thứ hai từ phải sang)
Việt Nam có 3 đại diện tham gia, trong đó có 2 người đoạt giải. Giải đặc biệt thuộc về nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mỹ Liên - Người sáng lập công ty Châu Thông Production. Từ năm 2011 đến năm 2013, công ty Châu Thông chuyên kinh doanh dầu bôi trơn cho các công ty vận tải. Từ năm 2013 đến nay, công ty này kinh doanh các loại trầm, kỳ nam với tổng doanh thu 9 tỷ đồng/năm.
Giải Tiềm năng phát triển nhất thuộc về bà Hoàng Minh Nhật - người sáng lập chuỗi của hàng Bánh Mì Minh Nhật. Năm 2014, sau khi xuất sắc giành ngôi vị quán quân cuộc thi "Vua đầu bếp Việt Nam", Minh Nhật quyết định nghỉ việc tại ngân hàng để khởi nghiệp với thương hiệu bánh mì riêng.Ngoài chuỗi cửa hàng ở các tỉnh thành, Minh Nhật cũng có kế hoạch mang bánh mì ra thị trường các nước trên thế giới qua mô hình franchise (nhượng quyền) kết hợp cùng cộng đồng kiều bào. Trong quá trình phát triển, Minh Nhật hy vọng sẽ được các quỹ đầu tư nước ngoài để ý và đồng hành với Minh Nhật đưa thương hiệu bánh mì Việt ra thế giới. Ban tổ chức trao giải Giải Tiềm năng phát triển nhất thuộc về bà Hoàng Minh Nhật - người sáng lập chuỗi của hàng Bánh Mì Minh Nhật (thứ hai từ phải sang)
Ban tổ chức đã trao Giải nhất APEC BEST và giải Tác động xã hội cho nữ doanh nhân Rika Yajima, Chủ tịch và Người sáng lập công ty Aeru (Nhật Bản).
Nữ doanh nhân Nhật Bản Rika Yajima (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng |
Giải Tiềm năng Phát triển thuộc về bà Maria Gracia Dalgalarrando Haritcalde, người sáng lập và Giám đốc điều hành MOOWUP (Chile)
Bà Maria Gracia Dalgalarrando Haritcalde (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng |
Giải Sức hấp dẫn quốc tế thuộc về bà Natalia Larchenko, Người sáng lập và Giám đốc điều hành Matryoshka Rus Ltd (LB Nga)
Bà Natalia Larchenko (thứ 2 từ phải sang) nhận giải thưởng |
Giải dự án “Xanh”: được trao cho bà Bernadette de Los Santos (Phillipines). Bà Bernadette de Los Santos (thứ hai từ phải sang) nhận giải thưởng