WLN-Apec thành công tốt đẹp

11/12/2006
APEC – An ninh, phát triển và ảnh hưởng

APEC – An ninh, phát triển và ảnh hưởng

(VietNamNet) - Vào những ngày tháng 11 này, hiện diện trang trọng trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước là những đánh giá, ca ngợi hình ảnh, vị thế mới của Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế và khu vực. Nhưng không chỉ đơn thuần là hình ảnh hay vị thế, vượt lên chúng là những lợi ích của dân tộc, những lợi ích đã được nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khái quát lại bằng ba khái niệm: an ninh, phát triển và ảnh hưởng.

Ảnh hưởng của quốc gia được hiểu theo nghĩa vừa cụ thể và biểu tượng. Ở cấp độ cụ thể, đó là vị trí, tầm quan trọng của quốc gia trong các mối quan hệ quốc tế, và tại các thể chế quốc tế, trong hình thức hội nhập kinh tế hay chính trị khu vực và quốc tế. Ở cấp độ biểu tượng, ảnh hưởng là hình ảnh mà quốc gia tự phản chiếu ra quốc tế, những dấu ấn, những biểu tượng mà quốc gia mang đến với bạn bè quốc tế.

Ở cả hai cấp độ, sự kiện 21 nền kinh tế APEC với đại diện là những người lãnh đạo cấp cao nhất cùng hiện diện ở Hà Nội trong những ngày này, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, được đề cử là ứng cử viên duy nhất của châu Á vào ghế thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2008-2009, việc nguyên thủ 5 quốc gia trong đó có những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới thăm Việt Nam nhân dịp hội nghị đã là những minh chứng rõ ràng, có nhiều ý nghĩa nhất, mang tính biểu trưng nhất cho hình ảnh, vị thế, tức ảnh hưởng của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế.

Ảnh hưởng, cũng như những hình ảnh, biểu tượng, tự thân nó không có ý nghĩa khi tách rời khỏi những yếu tố khác cấu thành nên lợi ích của quốc gia dân tộc.

Với các hợp đồng giá trị khoảng 2 tỷ USD được ký kết chỉ trong ngày 16/11 với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tuần lễ APEC dường như đã là mùa bội thu của các doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ có thế, những thoả thuận, cam kết của APEC được thông qua trong dịp này sẽ là những động lực thúc đẩy Việt Nam phát triển trên con đường đổi mới và hội nhập được bắt đầu cách đây đúng 20 năm.

Từ ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (1987) đến việc gia nhập vào WTO (2006) là cả một chặng đường dài mà dân tộc Việt Nam đã đi qua để có được những thành quả như ngày nay. Với chủ trương chuyển hướng hoạt động đối ngoại vào mục tiêu kinh tế (1989), tích cực tham gia hợp tác khu vực và quốc tế (1994), ngoại giao Việt Nam đã góp phần đưa Việt Nam chủ động hội nhập vào khu vực và quốc tế.

ODA và FDI đến từ các trung tâm tài chính - tiền tệ lớn nhất thế giới đã quay trở lại với Việt Nam cùng với tài trợ quý báu của các thể chế quốc tế như WB, IMF, ADB (từ 1993) đã góp phần tạo nên một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 châu Á, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng và giờ đây trở thành nước có tỷ lệ xuất khẩu so với GDP thuộc loại hàng đầu ở châu Á (140%), một “con hổ” mới.

Những thành tựu phát triển kinh tế của chúng ta trong suốt 20 năm đổi mới vừa qua không thể tách rời khỏi những chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế và khu vực đúng đắn mà chúng ta đã lựa chọn. Thành tựu ấy cũng không thể tách rời khỏi chính hình ảnh, vị thế mới của Việt Nam mà chúng ta đã dày công vun dựng trong suốt kỷ nguyên độc lập và nhất là trong 20 năm đổi mới. Đó chính là hình ảnh, vị thế của một Việt Nam cởi mở, năng động, “sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy” của mọi quốc gia, mọi nền kinh tế trong cộng đồng quốc tế.

Và đến lượt mình, chính sự phát triển, lợi ích phát triển, đã trở lại góp phần nâng cao hơn nữa hình ảnh, vị thế của Việt Nam. Vừa trở thành thành viên của WTO, tổ chức thương mại toàn cầu lớn nhất thế giới, sự thành công năm APEC Vietnam 2006, cùng với việc Việt Nam trở thành ứng cử viên duy nhất của châu Á vào HĐBA LHQ năm tới, sẽ là một mốc son đánh dấu bước phát triển mới của Việt Nam trên con đường phát triển và tạo dựng hình ảnh, vị thế mới.

Ảnh hưởng, phát triển luôn hoà quyện, tương tác với an ninh với tư cách là những cấu thành trong lợi ích mỗi quốc gia. Với công cuộc đổi mới, khái niệm“an ninh” của Việt Nam giờ đây không còn chỉ là an ninh quân sự thuần tuý mà giờ đây đã trở thành “an ninh toàn diện”. An ninh ngày nay còn là “an ninh kinh tế”, “an ninh môi trường”, “an ninh xã hội”, “an ninh con người”.

Với một cách hiểu an ninh toàn diện như vậy, các phương tiện để đạt được sẽ không chỉ là “một nền quốc phòng vừa đủ mạnh” mà còn là sự phát triển kinh tế bền vững, là các mối quan hệ quốc tế ngày càng rộng mở và sự hội nhập sâu rộng vào thế giới.

Từ khi đổi mới, quan hệ của Việt Nam đã không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu vươn tới cả ba mục tiêu anh ninh, phát triển và ảnh hưởng. Năm 1990, Việt Nam rút hết quân tình nguyện khỏi Campuchia, tạo lực đẩy cho tiến trình hoà nhập với thế giới: bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc (1991), gia nhập ASEAN, bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ, ký Hiệp định khung với EU (7/1995).

Giờ đây, sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao bình thường với hơn 160 nước, đặc biệt với tất cả các cường quốc. Việt Nam là thành viên của ASEAN, ASEM, APEC, là tham gia tích cực vào phong trào Không liên kết, Francophonie và Liên Hợp Quốc và giờ đây là WTO.

Nhưng quan trọng hơn thế, bằng chính những mối quan hệ không ngừng rộng mở và ngày càng hội nhập sâu sắc đó, chúng ta đã đảm bảo được an ninh của quốc gia, chủ quyền của dân tộc. Ngày nay, hơn bao giờ hết, khẩu hiệu "Việt Nam là bạn với tất cả các nước dân chủ và không thù oán với một ai” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra (1946) đang được chúng ta thực hiện hết sức thành công.

An ninh được hiểu trong nghĩa toàn diện đang được đảm bảo bởi sự đan xen về lợi ích, sự ràng buộc về trách nhiệm, sự cam kết về luật chơi trong những cuộc chơi mà chúng ta đang chủ động, tích cực tham gia với tư cách là người chơi.

Sự hiện diện của những người đứng đầu các nền kinh tế APEC tại Việt Nam trong tuần lễ APEC cuối tháng 11 này cùng với những chuyến thăm của 5 vị nguyên thủ các quốc gia, trong đó có những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới chính là biểu hiện cao nhất của những đan xen lợi ích, những cam kết luật chơi và ràng buộc trách nhiệm trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

Đó cũng là những biểu hiện hết sức cụ thể của sự thừa nhận, sự cam kết của thế giới với những lợi ích tối thượng về an ninh, phát triển của dân tộc Việt Nam, những lợi ích luôn luôn gắn quyện, tương tác với hình ảnh, vị thế, tức tầm ảnh hưởng đang vươn cao của Việt Nam trong một trật tự thế giới mới.

 


 

APEC 2006: 50 SV dự “Tiếng nói của tương lai”

(VietNamNet) - Diễn đàn “Tiếng nói của tương lai” (Voice of the future) dành cho SV khối APEC đã bắt đầu từ ngày 13/11. Khoảng 50 sinh viên từ các nền kinh tế APEC đã có buổi gặp gỡ, giới thiệu đầu tiên tại trường ĐH Hà Nội.

Đây là sự kiện bên lề hội nghị APEC được sự phối hợp tổ chức của Tổ chức VTM (Virtual Trade Mission), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Khoa Quốc tế học thuộc Đại học Hà Nội. “Tiếng nói của tương lai” 2006 diễn ra từ 13/11 – 18/11 nhằm tạo cơ hội cho SV được gặp gỡ, tiếp cận và phỏng vấn các nhà lãnh đạo APEC.

Trong số đó, có 21 SV Việt Nam. Các bạn chia thành từng nhóm nhỏ để giúp những SV khác khác hiểu rõ hơn về kinh tế và truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

“Các bạn Trung Quốc tò mò về lịch học và thời khóa biểu của SV Việt Nam. Các bạn SV Mỹ lại muốn tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt. Còn các bạn đến từ New Zealand hăng hái phát biểu cảm tưởng của họ về nền văn hóa Việt Nam” – Lan Hương, SV ĐH Bách khoa hồ hởi.

Cùng đến Việt Nam với SV, còn có các giảng viên ĐH. Do đó, SVcòn được các giáo sư truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích. Đặc biệt, các em còn được đào tạo kỹ năng đưa tin vắn về hoạt động của diễn đàn cũng như phỏng các nguyên thủ quốc gia. Mỗi nhóm sẽ có tin, bài phỏng vấn riêng của mình để đăng lên trang web của VTM.

Khởi đầu vào năm 1998 tại Malaysia, Diễn đàn “Tiếng nói tương lai” mở ra cơ hội tiếp xúc, giao lưu nhiều hơn giữa thế hệ trẻ của các nền kinh tế.

APEC Việt Nam và cảm nhận

(VietNamNam)- 2006 là một đỉnh cao của đối ngoại Việt Nam. Tuyên bố của chính giớí, dư luận báo chí trong và ngoài nước đã khẳng định điều đó. Tôi xin chỉ nêu thêm một số chi tiết để thấy sự trưởng thành nhanh chóng của đất nước ta.

Ngồi một góc Hội trường dễ lắng nghe, giờ nghỉ đi các nơi để tiếp xúc, tôi có dịp so sánh APEC VIETNAM 2006 với những dịp mình đã may mắn trải qua: tiếp quản Hà Nội (1954), phiên dịch tiếng Anh ở Đại Sứ Quán Việt Nam tại Bắc kinh (1956-1973) dự nhiều dịp Bác Hồ tiếp khách quốc tế, tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1973), tham gia các Tổ chức quốc tế ở Geneva (1973-1975), tham gia Liên Hợp Quốc từ 1975 và các Hội nghị Quốc tế sau đó. Tôi muốn chia sẻ những nhận thức của mình. “Mọi so sánh đều khập khễng” nhưng tôi xin nêu lên để thấy sự trưởng thành nhanh chóng của đất nước ta.

Quan hệ đối ngoại buổi sơ khai

Ngay từ năm 1911, Bác Hồ đã đi khắp thế giới để kết bạn và tìm đường cứu nước. Năm 1941, trở về nước đã sớm “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” để lãnh đạo Cách Mạng tháng Tám thành công, tiếp đó kiên trì “chính sách ngoại giao Câu Tiễn” phân hoá thế lực bên ngoài, đoàn kết bên trong, rồi tiến hành cuộc Kháng chiến thành công. Công tác đối ngoại tiếp tục quan trọng, Bác Hồ rồi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đích thân chỉ đạo và kiêm chức Bộ trưởng Ngoại giao, đào tạo và đặt nền móng cho ngành Ngoại giao Việt Nam phát triển.

Năm 1954, tiếp quản Thủ đô, quan hệ quốc tế nằm trong khuôn khổ “hai phe”: cảnh giác và đấu tranh với các nước Phương Tây, phát triển quan hệ hữu nghị và đoàn kết với các nước XHCN. Do quan hệ ngoại giao và diều kiện vật chất còn hạn hẹp, công tác đối ngoại chủ yếu là với ngoại giao đoàn Hà nội và Uỷ ban quốc tế. Vài năm mới cử một đoàn Chính phủ ra nước ngoài hoặc đón một đoàn cấp cao nước bạn sang thăm. Nhà khách duy nhất là 12 Ngô Quyền, nơi chiêu đãi lớn chỉ có Câu lạc bộ Quốc tế 11 Lê Hồng Phong. Lãnh đạo Việt Nam đều nói tiếng Pháp, trong khi khách lại hầu hết nói tiếng Anh, Bộ ngoại giao chỉ có mấy phiên dịch tiếng Anh phải cung cấp cho tất cả các Bộ, ngành. Quần áo tiếp khách do cơ quan cung cấp.

Chúng tôi nói đùa là cũng giống lính Mỹ do Chính phủ cung cấp GIs (Government Issue). Khi nói chuyện với bạn bè Mỹ ở New York, Bộ trưởng Ngoại giao còn nói vui : “Do Mỹ cấm vận, dân chúng tôi còn nghèo, quần áo của tôi là mượn của Chính phủ, cũng Show Business (Nghệ thuật Trình diễn) đấy!

Khó khăn khắc phục dần:

Năm 1968, bước vào đàm phán trực tiếp với những nhà ngoại giao sừng sỏ của Mỹ (Harriman, Kissinger, Sullivan..) Đoàn Việt Nam đã tự lực, không có sự tham gia của bạn bè như ở Hội nghị Geneva (1954), dùng tiếng Pháp để công bằng cho cả hai bên nhưng cũng là để lãnh đạo ta kiểm tra cho chính xác. Trong quá trình đàm phán, đoàn ta tăng cường nghiên cứu về Mỹ, nâng cao trình độ tiếng Anh, phát huy nghệ thuật đàm phán làm đoàn Mỹ phải ngạc nhiên. Khi Kissinger đề nghị ký tắt những điều đã thoả thuận, do chưa đạt yêu cầu của ta, đồng chí Lê Đức Thọ không ký “non”.

Kissinger đã phát biểu : “Ông là một đối thủ xứng đáng”. Sau khi thoả thuận về nội dung Hiệp định, đi thăm Hà Nội và trở lại Paris, Kissinger kể lại lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói với ông ta: “Việt Nam có nhiều người sẵn sàng chết vì Việt Nam hơn là Mỹ”, ông chịu thua và nhận xét Thủ tướng là người rất thông minh. Ngoại trưởng Mỹ William Rogers nói với Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Duy Trinh “Sullivan (nhà đàm phán Mỹ) nói ông Thạch (Thứ trưỏng Ngoại giao Việt Nam) rất rắn (tough) trong đàm phán nhưng lại rất thích ông Thạch”.

Tuy là đối thủ nhưng đoàn ta và Mỹ có quan hệ đặc biệt. Tại Hội nghị ở Geneva, khi bỏ phiếu để công nhận Chính phủ Cách Mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam, phía ta bị thua một phiếu, Trưởng đoàn Mỹ George Aldrich đã từng tham gia Hội nghị Paris, đi sau ta nói như phân trần “Bạn ơi, tôi chẳng thích thú gì đâu” (I take no pleasure in it, my friend). Rõ ràng ngoại giao Việt Nam đã tiếp tục ghi điểm.

Năm 1975, ngay sau khi giải phóng Miền Nam, hai đoàn miền Bắc và miền Nam sang New York lập cơ quan và làm thủ tục chính thức gia nhập Liên Hợp Quốc. Bạn bè nhiệt liệt hoan ngênh, số nước đứng tên bảo trợ nghị quyết kết nạp Việt Nam vượt quá 2/3 nghĩa là quá số phiếu cần thiết tại Đại Hội Đồng. Nhưng thất bại ở Việt Nam còn quá mới với Siêu Cường Mỹ. Đoàn Mỹ phải đơn độc dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo An. Hai năm sau, Mỹ không phủ quyết nữa, và sau khi nhân danh nước chủ nhà chúc mừng Việt Nam được kết nạp vào LHQ, Đại sứ Mỹ Andrew Young tiến thẳng đến đoàn Việt Nam bắt tay chúc mừng. Trong đoàn đại biểu Mỹ có cả quả phụ Coretta King (vợ Martin Luther King, cố lãnh tụ da đen và phong trào phản đối chiến tranh VN).

1986, Việt Nam đổi mới. Từ chỗ bị bao vây cấm vận “chưa bao giờ Việt Nam nhiều kẻ thù như vậy” nhưng tiếp tục truyền thống hiếu hoà ngàn năm lịch sử của dân tộc, “cầu thân ngay sau khi đánh bại kẻ xâm lược”, Đảng ta đưa ra chính sách “Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy với các nước”. Tất cả các nước đều nhanh chóng hưởng ứng và có những sự kiện “kỳ diệu” : Tổng thống Pháp đến thăm cả Điện Biên Phủ, nơi làm sụp đổ toàn bộ hệ thống thuộc địa Pháp.

Pete Peterson làm Đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Hà Nội, nơi ông bị cầm tù 5 năm, chứng kiến thất bại quân sự đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ nhưng lại gắn bó tình cảm thân thiết với Việt Nam. Bà Đại sứ Thuỵ điển Marie Sjolander thích thú nói :”Ngoại giao đoàn Hà Nội thường nói với nhau :”Vietnam is everyone’s darling”. Việt Nam mới mong muốn là “bạn” mà đã được coi là “darling” (người yêu rồi).

APEC Vietnam

2006 là một đỉnh cao của đối ngoại Việt Nam. Tuyên bố của chính giớí, dư luận báo chí trong và ngoài nước đã khẳng định điều đó. Đặc phái viên Chính phủ Vũ Khoan cũng đã tổng kết. Tôi xin chỉ nêu thêm một số chi tiết.

Tổng thống Mỹ vừa đến Hà Nội đã phát biểu ngay :”Trên đường từ sân bay về Hà Nội, chúng tôi vui mừng thấy những người dân vẫy chào chúng tôi”. Sâu sắc hơn nếu ông biết rằng, sân bay và dọc đường đó đã từng chịu đủ các loại bom Mỹ, nhiều người dân đó đã có người thân chết vì bom đạn Mỹ ở trong Nam ngoài Bắc, và họ thật lòng vẫy chào Tổng thống Mỹ không hề có sự chỉ đạo của chính quyền.

Trong buổi gặp các doanh nhân, bà Rice trả lời câu hỏi và khuyên anh Sonny X Vu (Vũ Xuân Sơn, cháu ngoại Nhà Văn hoá Hữu Ngọc), Chủ tịch AgaMatrix :”Hãy giúp cho quê hương mình”. Chắc bà đồng cảm với những người Mỹ gốc Châu Phi như trong cuốn “Roots” đã gợi nhớ người Mỹ da đen hãy hướng về cội nguồn.

Ông Robert Friedman, Biên tập viên quốc tế, Fortune, TimeWarner, chủ trì một buổi thảo luận phát biểu: 40 năm trước đây đã tham gia biểu tình ở thủ đô Washington dễ chống chiến tranh và bị đàn áp bằng hơi cay, nay tự hào lần đầu tiên đến với Hà Nội. Ông cũng như tất cả các bạn bè Mỹ và các nước khác đã tích cực tham gia, tư vấn và giúp đỡ để cho các cuộc họp của APEC Việt Nam thành công tốt đẹp.

Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi quan sát hội trường và mở đầu bài phát biểu: “Tôi ghen với các bạn vì Trung tâm Hội nghị quốc tế này”. Thật vậy, xây sau nên Việt Nam có một Trung tâm Hội nghị quốc tế tốt hơn cả ở Geneva và New York, nhất là hội trường, phòng chiêu đãi, hành lang, trung tâm báo chí. Trụ sở LHQ ở New York chỉ có những hành lang nhỏ hẹp làm nơi tiếp xúc của các nguyên thủ quốc gia, các đoàn phải cử người ngồi giữ chỗ trước như nơi công cộng. Ở Geneva thì các phòng họp tản mạn khắp nơi, khó cho cả đại biểu và báo chí.

Một Đại sứ EU từng thắc mắc: “Việt Nam đã tham gia ASEM sao lại còn tham gia APEC”. Thành công của APEC 14 không những có lợi cho Việt Nam mà còn giúp cho quan hệ đa phương cũng như quan hệ song phương của nhiều nước, đặc biệt là các nước lớn.

Ân tượng sâu sắc nhất của khách quốc tế có lẽ là về con người Việt Nam, từ lãnh đạo đến người dân, từ quan chức đến tình nguyện viên, người lớn đến thiếu nhi, đều hân hoan tự hào đón tiếp họ. Khách quốc tế thông cảm với những bất cập về điều kiện vật chất, trình độ giao tiếp, ngoại ngữ ( ví dụ : rượu vang Việt Nam không ngon bằng những thứ họ dùng hàng ngày nhưng là “cây nhà lá vườn, tấm lòng Việt Nam và tiết kiệm vì còn nghèo”, hay một đại diện công ty tại hội trường lớn phát biểu cảm ơn Thủ tướng, quá hồn nhiên gửi lời thăm cả Nhà Vua (?) và phát âm tiếng Anh không chính xác).

Như Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã phát biểu : “Đất lành chim đậu” mong bạn bè quốc tế tiếp tục đến với Việt Nam. Với thành công của APEC 2006, chắc chắn Việt Nam sẽ tiến bộ hơn, tổ chức thành công hơn nữa các hoạt động đối ngoại và hội nghị quốc tế, đóng góp cho hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc.

Từ APEC nhìn lại

(VietNamNet) - Ba nội dung cơ bản của bản tuyên bố Hà Nội của Hội nghị APEC 14 thể hiện rõ: tự do thương mại và đầu tư, hòa bình thế giới, và hợp tác phát triển vì con người. Thực ra, ý nghĩa của một tuần lễ sôi động vừa qua tại Hà Nội còn đi xa hơn thế nhiều, với thế giới cũng như với Việt Nam.

Hội nhập

Từ một quốc gia bị cô lập và thậm chí cấm vận, nay Việt Nam trở thành nơi để thế giới cùng nhau bàn cách cứu vãn thương mại toàn cầu. Mới chỉ hai tuần sau khi gia nhập WTO, Việt Nam chính là nơi để gây dựng lại vòng đàm phán Doha có ý nghĩa sống còn với WTO, một vòng đàm phán đã sụp đổ cách đây vài tháng.

Không chỉ có thế. Hai cường quốc Mỹ và Nga đã từng đối đầu mất còn, nay lại chọn Việt Nam để ký kết bản hiệp định song phương lịch sử, mở đường để Nga gia nhập WTO.

Đây cũng là nơi hơn 1.100 lãnh đạo những tập đoàn lớn nhất thế giới gặp nhau, để cùng trao đổi kinh nghiệm và cơ hội giao thương.

Đó là những đổi thay quá lớn về hình ảnh nước Việt Nam.

Hòa bình

Mảnh đất Việt Nam này, đã từng là một trong những chiến trường khốc liệt nhất thế giới. Nếu chỉ tính từ chiến tranh thế giới thứ hai, đã in dấu chân của bao đội quân: Từ Pháp rồi Nhật chiếm đóng, rồi Anh và Trung Quốc (Quốc dân đảng) vào giải giáp quân Nhật, rồi kế là đến Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… Nếu tính xa hơn nữa, phải kể đến quân đội của các triều đại Nguyên Mông, Thái Lan…

Nhưng cũng chính mảnh đất này, các lãnh đạo hàng đầu của những nước có tên trên đã chọn để đến thảo luận các phương cách cứu vãn hòa bình thế giới. Không ai còn phải bàn về hòa bình ở đây, chỉ có bàn về hòa bình, vũ khí hủy diệt, hay khủng bố ở đâu đó trên thế giới, Triều Tiên, Trung Đông, hay Dafur xa xôi.

Cũng tại đây là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật – Hàn Quốc để nguyên thủ ba nước thảo luận về vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, hay còn 87 cuộc gặp gỡ song phương khác, nơi các nước đến Việt Nam để bàn chuyện riêng của mình.

Đó là điều khẳng định vị thế của Việt Nam ngày hôm nay với hòa bình thế giới.

Nhìn lại phía sau

Hòa bình và phát triển. Phải chăng sự lựa chọn của thế giới là vì sự linh thiêng của mảnh đất này, hay vì sức sống mãnh liệt của dân tộc này? Chắc hẳn đó phải là cả hai.

Hơn 2/3 dân số Việt Nam sinh ra sau chiến tranh. Toàn bộ 11 lãnh đạo cao cấp của Mỹ do Tổng thống Mỹ dẫn đầu, tuyệt nhiên không có ai đã từng tham chiến ở Việt Nam. Với Việt Nam, chiến tranh đã xa. Xa lắm.

Thế hệ trẻ ngày nay đang nghĩ đến tương lai: hội nhập, thương mại, thành đạt, làm giàu... Họ hiểu quá khứ, nhưng cần phải tập trung suy nghĩ về tương lai. Chúng ta đã tụt sau thế giới khá xa, và chẳng nên bỏ phí một chút năng lượng nào để vượt lên phía trước.

Thế nhưng còn hàng triệu người Việt khác đã và đang còn mang đau thương mất mát. Hàng triệu linh hồn của những người đã ngã xuống?

Dù ở trên mặt đất này hay trên tầng cao, dù đang sống ở Việt Nam hay nơi nào đó trên thế giới, đó vẫn là người Việt với linh hồn Việt.

Chắc chắn đây là những người hạnh phúc nhất.

Hạnh phúc, bởi người Việt nào lại không có ước mơ để dân tộc mình được sánh ngang vai cùng các cường quốc. Cho dù khoảng cách hãy còn xa, nhưng điều quan trọng là một tương lai tươi sáng đã mở ra, và thế hệ trẻ đang hơn bao giờ hết có cơ hội thực hiện ước mơ đó.

Hạnh phúc, bởi ý nghĩa cao cả nhất của những hy sinh mất mát đó là gì, nếu không phải là để cho thế hệ ngày nay không còn phải nghĩ đến chiến tranh. Và hơn thế nữa, là để giúp thế giới này lấy lại hòa bình.

Bùi Văn

Tuần qua: APEC thúc đẩy TTCK

(VietNamNet) - Nếu như tuần đầu tháng 11, sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán, thì tuần qua sự kiện Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC lại là yếu tố kích cầu.

Những sự kiện trọng đại này đã tạo ra cho Việt Nam một vị thế mới trên trường quốc tế, và là cơ sở để thu hút giới đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Trong tuần lễ APEC Việt Nam 2006, rất nhiều các doanh nhân đã đến Việt Nam và họ đã ký các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với các doanh nghiệp trong nước. Đây chính là cơ sở để các nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng vào một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam và là lý do thị trường tăng mạnh mẽ trong tuần qua.

Chỉ số VN-Index cuối tuần qua đóng cửa ở mức 573,79 điểm, tăng 42,98 điểm so với cuối tuần trước đó. Đây là mức tăng cao nhất trong 1 tuần trong năm nay.

Trong tổng số 54 chứng khoán thì 28 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tăng giá và 4 cổ phiếu đứng giá, còn lại là giảm giá.

SAM là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tuần với mức tăng 17,4%, tiếp theo là cổ phiếu GMD với mức tăng 14,6% và cổ phiếu VNM với mức tăng 13,3%.

Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh trong tuần đạt 19,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, tức bình quân 3,9 triệu chứng khoán/ngày. Tống giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 1.128,5 tỷ đồng, tương đương 225,7 tỷ đồng/ngày.

Trong số 5 chứng khoán có khối lượng giao dịch lớn nhất, chứng chỉ quỹ VFMVF1 đứng đầu  thị trường với 4,6 triệu đơn vị, tiếp theo là cổ phiếu VSH với 2,5 triệu cổ phiếu, VNM với 1,8 triệu cổ phiếu, REE với 1,2 triệu cổ phiếu, và CII với 1,1 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Khối lượng mua của các nhà đầu tư nước ngoài tăng rất mạnh. Họ mua tổng cộng 8,1 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (không kể 1,5 triệu đơn vị mua thoả thuận) trong đó cổ phiếu được mua nhiều nhất là VSH với 1,8 triệu cổ phiếu, VNM với 1,2 triệu cổ phiếu và CII với hơn 600.000cp

Các quan chức cao cấp APEC kết thúc phiên họp kín

Các quan chức cao cấp đến từ các nền kinh tế thành viên APEC hôm nay, 12/11, đã bắt đầu kỳ họp tổng kết (CSOM) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội nhằm chuẩn bị các nội dung cuối cùng trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC và để các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thông qua.

Trong hai ngày làm việc, các quan chức cao cấp APEC sẽ tổng kết những nội dung đã được đưa ra bàn thảo tại các hội nghị SOM I (tổ chức vào tháng 2/2006 tại Hà Nội), SOM II (tháng 5/2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh) và SOM III (tháng 9/2006 tại thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam).

Nhiều vấn đề sẽ được đưa ra xem xét tại hội nghị, như APEC làm gì để hỗ trợ tiến trình WTO và vòng đàm phán Doha, kế hoạch hành động Hà Nội thực hiện Lộ trình Busan, cải cách APEC, biện pháp xây dựng các hình mẫu thương mại khu vực và khu mậu dịch tự do, xem xét đề án về chống vi phạm bản quyền, chống khủng bố.

CSOM sẽ thông qua Báo cáo của các Quan chức Cao cấp APEC trình lên các Bộ trưởng và xem xét việc chuẩn bị cho Tuyên bố Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 18 và Tuyên bố Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 14.

APEC là chọn lựa của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương

Nhân dân Nhật Báo đã giới thiệu bài viết của Tổng thống Nga Putin thể hiện quan điểm của ông về APEC và viễn cảnh của sự hợp tác của Nga.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Năm 1998, Nga trở thành thành viên đầy đủ của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương. Trước lúc diễn ra Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 14 tại Hà Nội, tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình về sự phát triển của APEC, và về viễn cảnh dành cho sự hợp tác của chúng tôi.

Trong 17 năm thành lập, APEC là một trong những nơi quan trọng nhất để quảng bá, thúc đẩy sự thống nhất và hòa hợp tại châu Á-Thái Bình Dương.

Những kế hoạch của Nga về phát triển kinh tế xã hội (đặc biệt là tại Siberia và vùng Viễn Đông) có liên quan chặt chẽ với sự đóng góp tích cực trong khu vực.

Đầu tiên, chúng tôi đánh giá cao kinh nghiệm của APEC trong việc đề xuất và thực hiện những biện pháp cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Chúng tôi nắm rõ được những mục tiêu của APEC. Chúng tôi rất thú vị với việc hình thành những khu vực tự do thương mại trong APEC. Chúng tôi hoàn toàn học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các nền kinh tế thành viên APEC như những mô hình tiện ích cho sự cải thiện môi trường đầu tư của chúng tôi, hay kinh nghiệp trong nỗ lực chống tham nhũng. Thực tiễn diễn ra ở các nền kinh tế thành viên có tác động quan trọng đến công cuộc cải cách của chúng tôi với mục tiêu xây dựng và đa dang hóa liên kết với kinh tế nước ngoài.

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ những khát vọng kinh tế và xã hội của các nền kinh tế thành viên APEC

Tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEP sắp diễn ra ở Hà Nội, chúng tôi sẽ tập trung thảo luận về kế hoạch hành động Hà Nội để thực hiện lộ trình Busan, đạt được mục tiêu Bogor. Chúng tôi trông đợi nhiều vào kế hoạch này, và chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành bước tiến quan trọng để xây dựng một hệ thống tự do, thương mại và đầu tư mở trong khu vực.

Bên cạnh đó, chúng tôi ý tức rõ những thay đổi về kinh tế và chính trị thế giới trong bối cảnh mới cũng như những thách thức trước mắt. Diễn đàn APEC và các nền kinh tế thành viên nên góp sức mình để giải quyết những thách thức ấy

APEC được thành lập ban đầu là một cơ cấu kinh tế, nhưng cuộc sống thực tế tiếp tục đã đưa những vấn đề chính trị khu vực và quốc tế vào chương trình nghị sự của APEC.

Chúng tôi muốn giúp đỡ những nước chậm phát triển thực hiện nỗ lực của họ trong việc tăng cường hợp tác công-tư, thu hút đầu tư và các hoạt động kinh tế khác. APEC nên ưu tiên việc sử dụng các quỹ của mình cung như tiền do những tổ chức nước ngoài cung cấp cho những dự án cụ thể. Những sáng kiến của APEC cũng nên hướng tới việc tăng cường đối thoại về lĩnh vực văn hóa và tôn giáo.

Chúng tôi cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với APEC trong cuộc chiến chống các tổ chức tội phạm, buôn lậu vũ khí, và vận chuyển ma túy. Gần đây, Nga có đóng góp đặc biệt bằng việc đưa ra sáng kiến trong khuôn khổ nhóm hành động chống khủng bố của APEC. Mục tiêu của đề xuất này là kêu gọi việc thành lập một hệ thống bảo vệ những cơ sở năng lượng trọng yếu, và tăng cường ứng phó với nguy cơ xảy ra.

An ninh năng lượng quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Chúng tôi biết đây là vấn đề cấp bách với rất nhiều nền kinh tế thành viên APEC trong bối cảnh giá dầu đang tăng cao.

Là một nhà cung cấp năng lượng chính cho thị trường thế giới, Nga cam kết hợp tác tích cực trong lĩnh vực này để đảm bảo lợi ích cho tất cả đối tác.

Hợp tác trong APEC còn mở ra những triển vọng mới trong công cuộc chống lại dịch bệnh lây nhiễm. Đó là quan tâm chung của chúng ta để xây dựng một hệ thống hiệu quả trong trao đổi thông tin và đưa ra những quyết định phối hợp hiệu quả trong phòng chống bệnh dịch lây nhiễm. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc thành lập một hệ thống cảnh báo sớm trong APEC về tình trạng khẩn cấp trong khu vực.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những kinh nghiệm của APEC trong công cuộc đổi mới, đặc biệt là về phát triển công nghệ nano và trao đổi thông tin trong lĩnh vực công nghệ cao như IT hay công nghệ sinh học.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng tôi lạc quan về tương lai của APEC. Chúng ta hoàn toàn có khả năng chia sẻ và đương đầu với những thách thức mới, hướng tới những mục tiêu phát triển chung của chúng ta. Chủ đề chính trong Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tại Việt Nam là: “Hướng tới một cộng đồng năng động vì phát triển bền vững và thịnh đã thể hiện rõ ràng đường hướng hoạt động APEC.

Trang phục tặng lãnh đạo APEC: Tâm huyết, tự hào dân tộc

Ngày 19/11, lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC cùng “diện” bộ trang phục truyền thống VN. Góp phần tạo nên những bộ trang phục đậm đà hồn Việt ấy, bên cạnh NTK Minh Hạnh, còn có ông chủ Công ty lụa tơ tằm Toàn Thịnh: Hồ Viết Lý.

240 ngày căng thẳng, hồi hộp

Anh Lý cho biết, loại vải may trang phục phục tặng 21 nhà lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC hoàn toàn khác với vải thông thường. Về sợi, phải chọn loại tơ tằm có độ sạch tuyệt đối. Cấu trúc vải cũng khác, mỗi xăng-ti-mét có tới 110 sợi chỉ, trong khi các loại vải khác chỉ 70 sợi (lụa) hoặc tối đa 95 sợi (sa tanh).

Tuy nhiên, cái khó nhất vẫn là hoa văn. “Tôi phải mất 3 tháng để chuẩn bị công nghệ cho phù hợp và sau đó là 8 tháng ròng cùng nhà thiết kế Minh Hạnh tìm tòi, thử nghiệm các loại mẫu hoa văn và màu sắc” - Anh Lý cho biết.

Anh Lý đã sản xuất ba loại hoa văn, lúc đầu là lô-gô APEC trên nền vải, sau tới lô-gô APEC trên nền hoa văn, rồi sau cùng là hoa sen cách điệu. Mỗi loại  có từ 5 đến 7 màu khác nhau. Thời gian chuẩn bị cho mỗi loại mất ít nhất một tuần lễ và chị Mai (vợ anh Lý) là người tích cực giúp anh công đoạn này.

Ông chủ lụa Toàn Thịnh quê Gò Nổi - một làng nghề dệt lụa nổi tiếng ở Quảng Nam. Vợ anh, chị Trương Thị Mai vốn là thôn nữ chuyên trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc.

Từ khi nên vợ nên chồng (1980), họ lập nghiệp bằng nghề dệt lụa lại làng dệt Bảy Hiền - TP.HCM. Thời gian đầu vợ chồng anh cũng dệt thủ công như mọi người, dần dần đầu tư thiết bị hiện đại và mở rộng sản xuất quy mô như ngày nay.

Anh Lý kể:

“Mỗi một mẫu vải tôi sản xuất ra, chị Minh Hạnh lại cho người cắt may ngay để đem ra Hà Nội trình lãnh đạo xem xét. Hết lần này tới lần khác…

Có lúc 2h sáng tôi phải thức canh ở xưởng để khi máy dệt vừa xong lượng vải vừa đủ để may một cái áo là mang ngay đến Viện mẫu Fadin.

Ở đó chị Minh Hạnh đã bố trí người cắt may luôn để 5h sáng chị bay chuyến đầu tiên ra Hà Nội trình duyệt…”.

Thế rồi những tháng ngày căng thẳng, hồi hộp cũng qua đi, loại vải được dệt bằng sợi tơ tằm cao cấp của Lâm Đồng với hoa văn hình hoa sen cách điệu đã được chấp nhận.

Khác biệt lớn nhất của loại vải này là có không gian ba chiều óng ánh và màu sắc thay đổi theo mỗi chiều quan sát khác nhau. “Tôi đã làm ra những mét vải đó bằng tất cả tâm huyết và niềm tự hào dân tộc” - Anh Lý nói.

Có “duyên” với các nguyên thủ

Năm 2004, trong khi đi tìm chất liệu may trang phục cho lãnh đạo 40 nước tham dự Hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội, nhà thiết kế Minh Hạnh đã thử qua rất nhiều loại vải sản xuất trong và ngoài nước nhưng đều thất vọng.

Chị quyết định quay về với lụa tơ tằm truyền thống Việt Nam, rồi bỗng nhận ra lụa Toàn Thịnh nổi bật trong rừng lụa ngoài thị trường.

“Ngay sau đó chúng tôi đã hợp tác với nhau để sản xuất ra loại vải đúng theo mong muốn của nhà thiết kế” - Anh Lý nhớ lại, đồng thời cho biết: “Qua nhiều thử nghiệm, điều chỉnh cuối cùng chúng tôi cho ra loại một loại vải Damask silk chống nhăn, óng mượt và đặc biệt hoa văn rồng sắc nét”.

Qua bàn tay nhà thiết kế Minh Hạnh, 40 bộ áo mẫu hoa văn “lưỡng long chầu nguyệt” đã được các nguyên thủ khoác lên mình trong sự hạnh phúc của những người làm ra nó. Khi được giao nhiệm vụ thực hiện trang phục cho các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC 14, nhà thiết kế Minh Hạnh một lần nữa quyết định chọn lụa tơ tằm Toàn Thịnh

Việt Nam - APEC hợp tác trong lĩnh vực CNTT-VT

(VietNamNet) – Với tư cách nước chủ nhà cho toàn bộ các sự kiện APEC 2006, Việt Nam cũng sẽ tham gia  vào các hoạt động hợp tác về Viễn thông và Công nghệ Thông tin trong khối APEC.

Được tổ chức tại Hà Nội từ 12-19/11 tới, Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC 14 cũng bao gồm nội dung thảo luận quan trọng trong việc hợp tác Viễn thông và Công nghệ Thông tin.

Bắt đầu thực hiện năm 1990 theo sáng kiến của Singapore tại Hội nghị Quan chức cao cấp APEC lần 2, hoạt động hợp tác này được thực hiện thông qua tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ thông tin (APEC TELMIN), Hội nghị Quan chức Cao cấp (APEC TELSOM), và cuộc họp Nhóm công tác (APEC TELWG).

Trong khuôn khổ các kỳ hội nghị APEC trước, Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và Công nghệ Thông tin cũng được tổ chức 2 năm/lần để thảo luận và thông qua các chủ trương hợp tác Viễn thông và CNTT APEC; thể hiện qua các Tuyên bố chung ở mỗi hội nghị. Các chủ trương hợp tác này sẽ được cụ thể hóa và thực hiện tại các cuộc họp của 4 Tiểu nhóm công tác: Thuận lợi hóa thương mại; Hợp tác phát triển; Tự do hoá; và Phát triển nguồn nhân lực. Tại APEC 2006, Việt Nam cũng sẽ tham gia thảo luận vào các tiến trình hoạt động của Hội nghị APEC TELMIN.
 
APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế quy tụ các nền kinh tế mạnh nhất thế giới về Công nghệ Thông tin và Viễn thông như: Mỹ, Canađa, Nhật Bản, Hàn Quốc. Kinh nghiệm đi trước về công nghệ, mở cửa thị trường, quản lý nhà nước của các nền kinh tế này sẽ tạo điều kiện học hỏi cho nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Trong thông tin đăng tải ban đầu trên VietNamNet với tiêu đề "APEC 2006: VN tổ chức hội nghị Bộ trưởng VT-CNTT" ngày 11/10/2006 có mộ số thông tin chưa chính xác.
Thực tế, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC 2006, Việt Nam sẽ tham gia thảo luận về các chương trình hợp tác trong lĩnh vực CNTT-VT với các nước trong khối APEC, trong đó có tiến trình Hội nghị Bộ trưởng VT-CNTT APEC TELMIN, nhưng chưa thể tổ chức Hội nghị này bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC 2006 tại Hà Nội.

VietNamNet xin đính chính thông tin trên. Thành thật mong quý độc giả thứ lỗi. 

Ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam tham gia APEC từ năm 1998. Việt Nam đã hợp tác hiệu quả lĩnh vực này khi  tham gia Thoả thuận công nhận lẫn nhau về Chứng nhận hợp chuẩn thiết bị viễn thông (TEL MRA). Hợp tác APEC cũng đã thúc đẩy đáng kể các hoạt động chống tội phạm mạng, tranh thủ được sự hỗ trợ kỹ thuật của APEC trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, Việt Nam tham gia đồng chủ trì hàng loạt các sáng kiến về hợp tác trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, Lãnh đạo Thông tin Chính phủ, Quản lý nhà nước về Thông tin và Viễn thông, An toàn An ninh thông tin. Việc tham gia các sáng kiến trong các lĩnh vực kể trên tạo điều kiện cho cán bộ Việt Nam nâng cao được trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Từ năm 2003, Việt Nam liên tục cử đại diện là Phó chủ tịch Nhóm công tác để tham gia điều hành các hoạt động của APEC TEL.

Đến thời điểm này, khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2006, ngành BCVT-CNTT cũng đã đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp hạ tầng mạng lưới, dịch vụ bưu chính, viễn thông để đáp ứng các nhu cầu về phát hình trực tiếp của các hãng thông tấn báo chí trong, ngoài nước; đáp ứng các nhu cầu về điện thoại, fax, bưu chính và cung cấp dịch vụ Internet... tại Trung tâm Báo chí.

Hoàng Hùng

Hội An sẽ là tên của "Tuyên bố về du lịch APEC 2006"

(LĐ) - Giữa tháng 10.2006, Hội nghị bộ trưởng du lịch APEC lần thứ tư sẽ diễn ra tại đô thị cổ Hội An, Quảng Nam. 21 bộ trưởng thành viên APEC sẽ ra một tuyên bố chung về du lịch, mang tên "Tuyên bố Hội An về du lịch APEC".

Một trong những lý do khiến Hội An được lọt vào "tầm ngắm" của ban tổ chức hội nghị còn bởi "Quảng Nam - một điểm đến hai di sản" là điểm nhấn của Năm du lịch quốc gia 2006 của VN.

B.Chương

Chào mừng hội nghị cấp cao apec

Dàn nhạc dân tộc Hàn Quốc biểu diễn mừng APEC

(LĐ) - 40 nghệ sĩ Hàn Quốc cùng dàn nhạc truyền thống hàng đầu tại Hàn Quốc sẽ có buổi biểu diễn âm nhạc đặc biệt chào mừng Hội nghị cấp cao APEC VN vào tối 3.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Mở màn chương trình là tiết mục "Shinnaerim", mang ý nghĩa cầu chúc cho thành công của hội nghị. Chương trình do Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc, Cơ quan Thông tin Chính phủ Hàn Quốc... phối hợp tổ chức.

Tr.M (Theo VOV)

Ngoại trưởng Rice đến Hà Nội đúng vào sinh nhật thứ 52 của mình

Ngày 13.11, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice lên đường sang Việt Nam dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC trong 2 ngày 15-16.11 và tháp tùng Tổng thống George W. Bush thăm chính thức Việt Nam từ 17 đến 20.11.

Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Rice đến Việt Nam. Điều đặc biệt là bà đến Hà Nội đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 52.  Bà Rice sinh ngày 14.11.1954 tại Birmingham, bang Alabama.

(Theo Người Lao động

Chào mừng hội nghị cấp cao APEC

(LĐ) - Diễn tập phương án bảo vệ khách sạn phục vụ Hội nghị APEC 14. Chiều 28.10, tại khách sạn Sheraton, CA TP.Hà Nội tổ chức diễn tập phương án bảo vệ nơi ăn, nghỉ của đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao APEC 14.

Trong cuộc diễn tập này, CA Hà Nội triển khai lực lượng bảo vệ trên tuyến đường về khách sạn và triển khai lực lượng bảo vệ tuyệt đối an toàn khu vực KS Sheraton, nơi một bộ phận của đoàn Mỹ ở trong thời gian Hội nghị APEC 14.

Mục tiêu của buổi diễn tập là nhằm đánh giá khả năng tác chiến, phát huy tính cơ động chiến đấu của các lực lượng tham gia phương án bảo vệ. Lực lượng bảo vệ các khách sạn do Trung đoàn CSCĐ thành phố và Cục Cảnh sát bảo vệ đảm nhiệm. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các lực lượng diễn tập đã đáp ứng tốt các yêu cầu nghiệp vụ đề ra.  

B.L.T (Theo TTXVN

Thượng nghị sĩ Mỹ cấp cao Chuck Hagel thăm Việt Nam:

Chuẩn bị cho Hội nghị APEC và chuyến thăm của ông Bush

(LĐ) - Ngày 6.10 tại Hà Nội, Thượng nghị sĩ Chuck Hagel đã có nhiều cuộc gặp gỡ mà theo ông là "rất tốt" với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, các Bộ trưởng Quốc phòng...

Ngày 6.10 tại Hà Nội, Thượng nghị sĩ Chuck Hagel đã có nhiều cuộc gặp gỡ mà theo ông là "rất tốt" với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, các Bộ trưởng Quốc phòng, Tài chính, các nhóm tư nhân, các tổ chức hợp tác và Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham). 

Trao đổi với Lao Động, Thượng nghị sĩ Hagel cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề có mối quan tâm và lợi ích chung về thương mại, quan hệ quân sự, an ninh, chính trị, năng lượng... Gặp gỡ AmCham, tôi tập trung thảo luận các vấn đề thương mại, chủ yếu là việc bỏ phiếu Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với VN, việc VN gia nhập WTO...".  

Mỹ Hằng

Lá cờ APEC sẽ xuất hiện mừng thành công Hội nghị APEC

(VietNamNet) - Chiều nay, lá cờ APEC lớn nhất Việt Nam đã có mặt tại Nhà thi đấu Gia Lâm – Hà Nội nặng hơn 1 tấn với tổng diện tích là 10.000m2.

Với diện tích đo thực tế là: dài 125m, rộng 80m và nặng hơn 1 tấn. Đây là kết quả sau 1 tuần may liên tục với 50 người thợ lành nghệ đã có kinh nghiệm làm lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc trước đây. Chất liệu may bằng vải dù do Công ty Chiến Thắng thi công.

Phải mất hơn 1 tiếng lá cờ APEC “khổng lồ mới trải ra hết sân bóng nhà thi đấu Gia Lâm chiều nay.

Ông Hoàng Ngọc Nam – Giám đốc Công ty Chiến Thắng cho phóng viên VietNamNet biết: “Để căng được lá cờ lên cao 100m phải cần đến 5 quả kinh khí cầu”.

Theo dự kiến ban đầu, lá cờ APEC lớn nhất Việt Nam này sẽ xuất hiện vào ngày 17/11 trong lễ “Chào APEC”, nhưng vì lý do đảm bảo an ninh trong những ngày diễn ra APEC nên tối mai lá cờ sẽ được trao cho đại diện Tiểu ban lễ tân APEC tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.

Ông Nam mong muốn: “Tặng lại lá cờ cho ban tổ chức APEC và sẽ được căng tại ngã ba Láng – Hòa Lạc sau khi Hội nghị APEC kết thúc, và chúc mừng thành công Hội nghị”.

APEC chân trời hợp tác rộng mở

(VietNamNet) - Chuẩn bị cho chuyến công du tới châu Á tham dự Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 13 bắt đầu từ ngày 18-19/11/2005, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuẩn bị một bài phát biểu nêu rõ quan điểm của mình về hợp tác kinh tế khu vực và tầm quan trọng của APEC. Xin trích đăng các quan điểm này của ông.

Sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương - theo sự đánh giá của nhiều chuyên viên là nơi mà trọng tâm của nền chính trị và kinh tế thế giới dần dần chuyển tới, thực sự gây ấn tượng lớn. Thường xuyên có thể nghe thấy về sự thần kỳ kinh tế đang bùng nổ tại khu vực này. Chúng ta đang nhìn thấy những kết quả của một công việc mang tính quy mô và khẩn trương mà các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tiến hành. Đủ để nhắc lại rằng tại khu vực này đang sản xuất ra hai phần ba GDP toàn cầu và tập trung một phần lớn nguồn vốn đầu tư của thế giới.

Khu vực này không chỉ là không gian của sự tăng trưởng kinh tế sôi động. Tại đây đang nổi lên một trong những thành quả tích cực của sự toàn cầu hoá - sự cân bằng dần dần mức độ phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực khác nhau trên thế giới. Còn một đặc điểm nổi bật nữa của khu vực này đó là sự năng động cao của các tiến trình hoà nhập - chúng đang tích cực tác động lên sự hình thành một trật tự thế giới mới, công bằng hơn.

Một tinh thần như vậy đối với sự tìm kiếm mang tính tập thể cho việc giải quyết các vấn đề khu vực là quan trọng và được đánh giá cao. Ngoài ra chúng tôi, trên thực tế, đang nhìn thấy sự quyết tâm và sẵn sàng của các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương học tập kinh nghiệm của các nước khác. Lấy ví dụ các quốc gia châu Âu, những nước đã vượt qua con đường của mình đến với sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau và nhận thức được rằng sự hoà nhập dựa trên cơ sở những thể chế đang hoạt động trôi chảy, có thể đảm bảo một cách hữu hiệu nền an ninh và sự thịnh vượng.

Cũng không được quên những cơ hội mà APEC đem lại cho sự hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ những quyền về sở hữu trí tuệ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, những công nghệ tiên tiến. Trong tháng 8 năm nay, đoàn đại biểu Nga đã tích cực tham gia vào hội nghị của APEC về doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đó là tín hiệu quan trọng cho việc tham gia vào mối quan hệ đối tác Thái Bình Dương của hàng trăm các công ty, tạo nền tảng cho sự phát tiển kinh tế. Điều này tất nhiên là một xung lực mới cho sự hợp tác giữa Nga và các nước của khu vực.

Nga đang quyết tâm đem lại sự đóng góp thực sự của mình vào sự phát triển kinh tế của khu vực này. Mức tăng trưởng của trao đổi hàng hóa hàng năm của Liên bang Nga với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương là hơn 20%. Ví dụ, với Trung Quốc, thương mại gia tăng 20-30% một năm và theo tổng kết của năm nay rõ ràng sẽ đạt con số kỷ lục - 25 tỷ USD. Cũng có những xu thế như vậy với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong hoạt động và kế hoạch của mình, chúng tôi xuất phát từ chỗ Nga là một bộ phận không thể tách rời của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng các đối tác của mình, chúng tôi đang sử dụng một cách hiệu quả diễn đàn này, nhằm cùng nhau xác định “luật chơi” trên “sân chơi” kinh tế của khu vực. Điều chính là tất cả các nền kinh tế của APEC đều tự giác bước vào con đường tự do hóa về thương mại, đầu tư và đã vượt qua được những độ dài khác nhau, nhưng đều là những quãng đường giống nhau về tầm quan trọng của chúng.

Thời gian trôi qua như vũ bão. Còn tươi nguyên trong tâm khảm những ấn tượng về Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Santiago. Nhưng sắp tới chúng ta lại cùng tập hợp với nhau, lần này là tại Busan.

Bản thân chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh sắp tới - “Tiến tới một cộng đồng thống nhất - thông qua thử thách và đổi mới" đã đề cập được sự quyết tâm tìm kiếm những phương cách tiếp tục củng cố “gia đình APEC”, phát triển hợp tác trong việc giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt, gia tăng tính hiệu quả hoạt động hỗn hợp của chúng ta.

Theo chân tình nguyện viên APEC

(VietNamNet) - VN có bao nhiêu vụ mùa? Văn Miếu được xây dựng vào thời kỳ nào? Tại sao lại gọi là các nền kinh tế chứ không phải quốc gia thành viên APEC? Phát hiện ra khách mang vật dụng kim loại vào khu vực hội nghị thì xử lý ra sao?...  

Đó là một vài trong số rất nhiều câu hỏi đặt ra cho các tình nguyện viên (TNV) phục vụ Hội nghị cấp cao APEC 2006. Phóng viên VietNamNet đã theo chân các TNV trong các buổi tập huấn để xem họ chuẩn bị như thế nào cho một sự kiện lớn đang đến gần.

 Tình nguyện "tươi cười"

Đúng 10h sáng, máy bay chở đoàn Nhật Bản do các chính các TNV... thủ vai “giả vờ” đáp xuống sân bay Nội Bài. 4 nữ TNV trong trang phục áo dài thướt tha chờ sẵn ở chân cầu thang máy bay với những bó hoa tươi thắm. Những chàng trai, cô gái TNV dù phải đi hơn 30 cây số đến sân bay, dù phải túc trực ở đây 24/24h nhưng vẫn luôn miệng nói cười, chu đáo hướng dẫn khách làm thủ tục nhập cảnh.

Khi chuẩn bị lên xe về khách sạn, bỗng một vị khách thông báo "không nhớ mình ở khách sạn nào". Ngay lập tức, các TNV phân chia nhau, người ra trò chuyện và trấn an khách, người đi gọi điện tới 13 khách sạn do Ban tổ chức sắp xếp để kiểm tra tên khách nằm trong danh sách nào.

Không phải tự nhiên mà nhóm TNV sân bay được đặt cho cái tên là nhóm “Tươi cười” bởi nguyên tắc quan trọng là phải giữ khuôn mặt rạng rỡ và mến khách trong mọi hoàn cảnh, dù gặp rắc rối hay phải đón khách slúc nửa đêm. Bởi vì các bạn chính là những người để lại ấn tượng đầu tiên trong lòng các vị khách quốc tế ngay khi bước xuống máy bay.

Ngô Thị Thuận (Lớp B30, HV Quan hệ quốc tế) chia sẻ: “Trước kia em bị say xe nhưng từ khi được vào nhóm sân bay, suốt một tháng liền, hầu như ngày nào em cũng bắt xe bus từ trường đến SVĐ Mỹ Đình rồi lại vòng về mấy lượt liền, nên giờ thì... quen rồi.”

Tình nguyện..."tinh hoa"

“Chúng ta đang trên đường về khách sạn Nikko. Nhiệt độ bên ngoài hiện nay là khoảng 25 độ C, trời mát mẻ, có nắng, rất thích hợp đi dạo phố. Trước mắt các vị là khu đô thị mới Nam Thăng Long được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại...” Bằng vốn tiếng Anh lưu loát, Thuỳ Dương, SV ĐH Hà Nội đang giới thiệu cho khách những đặc điểm lịch sử, văn hoá, điều kiện thời tiết hiện tại của Hà Nội...

Bỗng từ cuối xe, một "vị khách" cất tiếng hỏi: “Ở VN có bao nhiêu vụ mùa?”. Bối rối trong giây lát, Dương mỉm cười: “Rất đáng tiếc vì kiến thức này nằm ngoài hiểu biết của tôi. Nhất định tôi sẽ tìm hiểu và có câu trả lời cho ông vào ngày mai”.

Những TNV giúp đỡ khách trên xe bus như Dương thuộc nhóm Trợ giúp (Supporter), hay còn gọi vui là nhóm Elite, tức là gồm toàn các “tinh hoa”- những TNV được tuyển chọn và tập huấn rất kỹ.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Chuyên viên điều hàng phòng Thị trường 2, Saigon Tourist – đơn vị tuyển chọn và huấn luyện TNV) cho biết: “Supporter là nhóm tiếp xúc với khách nhiều nhất, sẽ “tiếp thị” hình ảnh VN với bạn bè quốc tế, vì vậy có những yêu cầu rất cao đối với các TNV. Về ngoại hình, các bạn nữ phải cao trên 1m57, nam trên 1m67, khuôn mặt rạng rỡ, thân thiện, đáng mến.

Ngoài kiến thức chung về APEC, những hiểu biết về lịch sử văn hoá dân tộc, khả năng xử lý tình huống linh hoạt và mềm dẻo, thì yếu tố sức khoẻ cũng rất quan trọng. TNV tuyệt đối không được say xe và phải có khả năng đứng nói trên xe liên tục”.

Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao APEC, nhóm Supporter sẽ thường xuyên phải di chuyển trên xe bus từ 5h sáng cho tới 11h đêm. Trên từng cung đường, TNV phải giới thiệu cho khách địa điểm sắp đến, lịch trình làm việc trong ngày. Những việc dù rất nhỏ nhưng rất quan trọng như nhắc khách điều chỉnh đồng hồ cho đúng múi giờ VN hay nhắc khách kiểm tra thẻ an ninh trước khi xuất phát đều được các TNV thuộc nằm lòng.

Đơn giản như đóng cửa xe thôi mà nhiều bạn phải tập vài lần mới đạt “tiêu chuẩn”. Thông thường kéo cửa khoảng 20 cm mới đóng, vừa không gây tiếng ồn, vừa đảm bảo cửa đóng chặt. Các bạn nữ thì gặp khó khăn với cửa xe bus 45 chỗ rất nặng.

Về đến các khách sạn, công việc giúp đỡ khách lại được chuyển sang cho TNV nhóm khách sạn. Các TNV này phải đi thực tế nhiều lần tại khách sạn được phân công để nắm rõ “đường đi lối lại”, thuộc cả giờ mở cửa của các quán bar, nhà hàng, gian hàng lưu niệm, vị trí đặt máy photocopy, phòng giặt là, phòng mát xa... trong từng khách sạn để kịp thời cung cấp thông tin nếu khách cần.

Nguyễn Thị Chung (Lớp Du lịch 04, SĐH Hà Nội) cho biết: “Thậm chí, bọn em còn phải dặn nhau xác định rõ đâu là hướng mặt trời lặn để nếu có khách theo đạo Hồi có hỏi để cầu nguyện thì phải chỉ cho họ”.

Tình nguyện với... bánh mì và sữa

Lực lượng chính phục vụ tại NCC là nhóm sỹ quan liên lạc, sỹ quan liên lạc báo chí và thông tin tư liệu đều là các TNV đến từ HV Quan hệ quốc tế. Các sỹ quan liên lạc có nhiệm vụ kết nối thông tin và trợ giúp các đại biểu trong những đoàn ngoại giao đến từ các nền kinh tế thành viên.

Đã được rèn luyện qua SOM1, các TNV trong nhóm thông tin tư liệu rất vững tin vào công việc của mình. Trần Bảo Sơn (Lớp A30) hai bàn tay như lướt trên bàn phím máy tính. Nhập dữ liệu, nhận dữ liệu, tổng hợp và in. Rồi check lại danh sách đại biểu và photo tài liệu.

Sơn cho biết: “Tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất như cỡ chữ, số lượng bản in, trình tự sắp xếp, thứ tự phát tài liệu đều đã được quy chuẩn. Bọn em đã được các chuyên gia Úc và Singapore tập huấn nên nắm rất vững các quy định này. Một khó khăn có thể gặp phải là do chênh lệch múi giờ mà một số đoàn sẽ gửi tài liệu khá muộn nên có khi bọn em phải thức thâu đêm để hoàn thành và kịp phát vào cuộc họp sáng hôm sau”.

Ngó thấy chiếc balô to đùng trông rất “dã chiến” của Sơn, tôi tò mò không biết bên trong có gì. Sơn cười: “Chẳng có gì bí mật đâu, toàn bánh với sữa thôi. NCC không có chỗ phục vụ đồ ăn, mà trong thời gian diễn ra Hội nghị cấp cao APEC thì khu vực này được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên khó ra ngoài mua đồ ăn được. Tốt nhất là bọn em cứ chuẩn bị sẵn “lương thực” từ nhà”.

Tình nguyện "thắp sáng"

Đoàn TNV lại tiếp tục lên đường đến Văn Miếu tập huấn cho buổi tiệc lớn (Gala Dinner). 

 

20 nữ TNV duyên dáng trong tà áo dài, tay cầm hoa sen đứng ngay trước cổng Văn Miếu đón và dẫn khách vào trong. Nhưng khi đi qua cửa an ninh, bỗng nhiên máy kêu ầm ĩ báo hiệu một vị khách “có vấn đề”, rất có thể vị khách này mang vật dụng kim loại hoặc đồ dùng không được phép. Ngay lập tức, một TNV nhẹ nhàng mời vị khách dừng lại và gọi bộ phận an ninh đến giải quyết.

Đỗ Thu Trang (Quản trị 2, phụ trách nhóm Gala Dinner) cho biết: “Đây là một tình huống rất nhạy cảm và hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế. Khi ấy, TNV phải xử lý thật khéo để không làm phật lòng khách, cũng không gây hoang mang cho những khách khác”.

Đi sâu vào trong Văn Miếu khách sẽ được 12 TNV thuộc nhóm “làng nghề” giới thiệu các sản phẩm thủ công của của 12 làng nghề nổi tiếng quanh Hà Nội. Khu vực bia tiến sỹ cũng có 8 TNV luôn sẵn sàng giới thiệu về các kỳ thi trạng nguyên.

Xung quanh bàn tiệc còn có nhiều TNV vẫn được gọi vui là nhóm “thắp sáng” cầm đèn lồng dẫn khách đi tham quan và giới thiệu về Văn Miếu, về đạo Nho và truyền thống hiếu học của dân tộc ta. “Bằng những câu chuyện của mình, các TNV này sẽ thắp sáng cả tình yêu đối với đất nước và con người VN trong tim các vị khách quốc tế” – Thu Trang tâm sự.

 Có tận mắt chứng kiến những buổi tập huấn và đi thực tế của các TNV APEC mới thấy được sự nhiệt tình và cẩn trọng của các bạn SV.

Anh Trần Đình Toản (Trưởng phòng Thương mại điện tử và Thông tin VCCI, phụ trách TNV phục vụ CEO Summit) cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi tập huấn lớn, nhỏ để đảm bảo không có tình huống đáng tiếc nào xảy ra. Có những hôm tập muộn, tới tận 1h sáng mới được về nhưng không TNV nào ta thán nửa lời. Các bạn đều dốc sức tình nguyện vì để đưa hình ảnh đẹp nhất của VN đến với các vị khách quốc tế”.

An ninh mạng APEC 2006 - Chuyện bây giờ mới... ''dám'' kể!

Trong cuộc họp tổng kết công tác an ninh mạng cho APEC 2006, đại diện các đơn vị xung yếu về mạng đều cho rằng đây là một dịp để lại nhiều bài học thực tế tuyệt vời về công tác phối hợp hoạt động tầm cỡ quốc gia... - Ảnh: VietNamNet

Vừa kết thúc ca trực đêm, tin nhắn được gửi từ số máy một người quen vỏn vẹn một dòng: "Website APEC bị hack!", anh chàng phụ trách kỹ thuật website APEC như bị điện giật.

Một loạt quy trình xử lý sự cố khẩn cấp với hơn ba chục cán bộ kỹ thuật của nhiều đơn vị xung yếu về mạng lập tức được triển khai...

APEC 2006 đã kết thúc, nhưng ấn tượng của hội nghị này sẽ chẳng bao giờ kết thúc trong lòng mỗi người dân VN, đặc biệt là với những người làm công tác tổ chức. Tất cả các ban ngành đều vào cuộc, tất cả vì một mục đích chung: tổ chức thành công hội nghị APEC 14. Đối với những người làm công nghệ thông tin với trọng trách đảm bảo sự ổn định và an toàn cho không gian mạng Việt Nam cũng vậy.

Trong suốt tuần lễ cấp cao APEC 2006, chúng tôi và nhiều đồng nghiệp đã có nhiều nỗ lực tiếp xúc với những đơn vị được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh mạng cho hội nghị APEC nhưng tất cả đều nhận được một câu trả lời là ... bí mật và hứa hẹn đến khi kết thúc hội nghị sẽ công bố cụ thể.

Trọng trách!

APEC 2006 là sự kiện được Việt Nam đặc biệt quan tâm và dành hết tâm sức để tổ chức thành công. Tất cả các ban ngành đều nỗ lực tham gia công tác tổ chức sự kiện lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

Toàn thế giới sẽ dõi theo Việt Nam và hội nghị APEC, và website là phương tiện truyền thông ưu thế nhất để có được những thông tin chính xác và kịp thời về toàn cảnh sự kiện, đất nước và con người Việt Nam. Do đó, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Máy tính Việt Nam (VNCERT) đã sớm lập phương án đảm bảo an ninh mạng khả thi và mời các đơn vị liên quan họp để phổ biến kế hoạch bảo vệ không gian mạng Việt Nam trong thời gian diễn ra hội nghị APEC 2006.

Mục tiêu của kế hoạch là giữ vững an ninh mạng cho các website “nhạy cảm” là bộ mặt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, …, website chính thức của hội nghị APEC 14 và toàn không gian mạng Việt Nam. Bất cứ sự cố thông tin nào xảy ra cho các hệ thống kể trên sẽ là một thiệt hại to lớn về mặt thông tin và tuyên truyền cho một hình ảnh Việt Nam đang vươn lên về mọi mặt!

Chuẩn bị sẵn sàng

Ngoài đơn vị chủ quản của các website trên, VNCERT đã yêu cầu các đơn vị quản lý và cung cấp hạ tầng mạng Internet của Việt Nam cùng phối hợp trong chiến dịch: VNNIC, VDC, FPT, Viettel và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm chính xây dựng các hệ thống kể trên.

Trong kế hoạch, VNNIC luôn sẵn sàng phân giải các tên miền quan trọng về hệ thống dự phòng với thời gian dưới 5 phút, VDC, Viettel và FPT sẵn sàng mở rộng băng thông tối đa cho tất cả các máy chủ chứa các website này, VNCERT chịu trách nhiệm giám sát và là đầu mố điều phối chung, các đơn vị còn lại cử người trực 24/24 về nội dung và tình trạng hệ thống.

Trước khi diễn ra hội nghị, các đơn vị được yêu cầu tiến hành rà soát toàn diện, cập nhật, chuẩn bị ghi nhận đầy đủ các thông tin, sao lưu và chuẩn bị đối phó với các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra.

Tất cả các đơn vị sẵn sàng họp trực tuyến 24/24, các đầu mối được cử để tham gia ứng trực không được tắt máy di động trong mọi tình huống. Ngay cả tính huống mất điện, mạng viễn thông có vấn đề cũng không bị loại trừ, phương án không có phương tiện liên lạc cũng được đặt ra để giải quyết một cách nghiêm túc.

Toàn bộ cơ sở dữ liệu được sao lưu thành nhiều bản và lưu tại nhiều máy chủ, trên nhiều địa điểm khác nhau. Cán bộ trực giám sát hoạt động website phải liên tục rà soát theo đúng chu kỳ và ghi nhận vào biên bản giám sát.

Như các phương án chống khủng bố và cứu hoả được các lực lượng khác diễn tập, các phương án phản ứng nhanh trên diện rộng nhằm đối phó tấn công DDOS quy mô lớn và các kiếu tấn công nguy hiểm khác cũng đã được phổ biến và chuẩn bị.

“Đảm bảo an ninh mạng cho APEC 2006 là công tác đặc biệt nhạy cảm trong nhiệm vụ vừa qua của nhóm các đơn vị phụ trách. Toàn bộ thông tin, kế hoạch phải được tuyệt đối bí mật và thực hiện theo đúng phương án phòng vệ đã vạch ra. Chúng tôi chỉ có thể công bố một số thông tin nhất định vào thời điểm thích hợp nhất, đó là nguyên tắc!” - Ông Đỗ Ngọc Duy Trác – Trưởng phòng Nghiệp vụ VNCERT cho biết.

Một hệ thống trao đổi trực tuyến chuẩn bị từ trước được triển khai, gần 30 cán bộ chủ chốt của các đơn vị được cấp tài khoản và các thông tin cần thiết để kết nối vào hệ thống. Những người này buộc phải trong tình trạng sẵn sàng xử lý sự cố 24/7. Không được tắt ĐTDĐ và sẵn sàng o­nline đăng nhập hệ thống điều phối trực tuyến cùng phối hợp giải quyết sự cố chậm nhất là 5 phút ngay sau khi được cơ quan điều phối yêu cầu.

Hệ thống tên miền của Việt Nam tạm thời ngưng phục vụ các yêu cầu cập nhật trong một tuần, VNNIC sẵn sàng cho các sự cố xấu nhất về tên miền có thể xảy ra!

Thực tế là trong những ngày diễn ra APEC, những quy định khắt khe và những kinh nghiệm tập duyệt phức tạp này đã có lúc buộc phải dùng đến!

Thời khắc nóng bỏng!

Vào ngày 15/11, nhóm ứng trực nhận được thông tin một số nơi không truy xuất được vào website của Bộ Ngoại giao Việt Nam do các điểm theo dõi báo về. Ngay lập tức phương án chống DDOS được đưa ra, các đơn vị có vai trò trong kế hoạch được triệu tập, VNCERT tiến hành các bước kiểm tra dấu hiệu, … Tuy nhiên sau đó, cả nhóm thở phào nhẹ nhõm khi các cán bộ của Trung tâm thông tin tin học – Bộ ngoại giao thông báo do máy chủ hoạt động với cường độ cao nên nhất thời “giảm phong độ”, sau khi khởi động lại mọi thứ đã bình thuờng!

Ngày 16/11/2006, VNCERT nhận được thông tin website vinatad.com.vn bị hacker tấn công và phát tán mã độc hại, một nguy cơ an ninh mạng cao đã được nhận diện. VNCERT, VNNIC, VDC, FPT, Viettel cùng “ngồi” vào phòng họp qua mạng. Chủ sở hữu của website được yêu cầu tự xử lý gỡ bỏ mã độc hại trong 15 phút trước khi website này bị cô lập. Sự việc nhanh chóng được giải quyết, công tác theo dõi tiếp tục được triển khai.

8h sáng ngày khai mạc Hội nghị thượng đỉnh APEC (18/11/2006), ĐTDĐ của anh Phạm Trung Dũng – Trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP Phần mềm và Truyền thông OTC (đơn vị xây dựng website APEC) nhận được tin nhắn của người quen với nội dung: “website APEC bị hack…”.

Anh Dũng cho biết: “Thật kinh khủng, tôi như bị điện giật. Ngay lập tức vùng dậy, máy tính vẫn bật và website APEC vẫn hoạt động bình thường, mặc dù chưa phát hiện dấu hiệu khả nghi nào nhưng tôi lập tức báo cho toàn bộ phòng kỹ thuật của công ty rà soát lại, sau đó gọi điện ngay cho phòng nghiệp vụ của VNCERT để thông báo tình hình theo đúng quy trình.”

Thông tin từ khắp các điểm ứng trực vẫn cho thấy APEC vẫn hoạt động bình thường, không thấy dấu hiệu thay đổi nội dung trang chủ. Trấn tĩnh lại, anh chàng phụ trách kỹ thuật cho website APEC-2006 gọi điện lại cho người bạn đã nhắn tin để kiểm tra và nhận được câu trả lời là… “Mình vào... nhầm địa chỉ website APEC năm ngoái của Hàn Quốc”.(!)

Một cán bộ đã tham gia ứng trực cho biết: “Việc gắn kết các đơn vị, tạo khả năng liên lạc nhanh và điều phối đã thật sự phát huy hiệu quả. Chúng tôi cảm thấy sức mạnh của các tập thể và không cô độc khi đối đầu với các mối nguy trên mạng. Cảm giác cùng nhau hoàn thành một nhiệm vụ lớn thật tuyệt vời!”

Đại diện VNCERT cho biết thêm, trong thời gian sắp tới, trung tâm này sẽ hình thành Nhóm các đơn vị phối hợp ứng cứu sự cố mày tính Việt nam với đầy đủ quy chế và phương thức hoạt động phù hợp. Các hệ thống chuyên dụng để thu thập, xử lý và lưu trữ các thông tin sự cố sẽ được đầu tư và triển khai. Kèm theo đó là một môi trường pháp lý hoàn thiện hơn dành cho các hoạt động trên mạng. Các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực tối đa để có được một không gian mạng an toàn và ổn định, sẵn sàng cho các hoạt động của Chính phủ điện tử, thương mại điện tử và các hoạt động khác

Thế mới biết, làm công tác an ninh mạng trong tuần lễ cấp cao APEC cũng khó khăn chẳng khác gì công tác bảo vệ các vị nguyên thủ quốc gia. Những cán bộ làm công tác an ninh mạng cũng trực chiến không khác gì những vệ sĩ thầm lặng, trung thành và tận tụy.

Theo VietNamNet

Tư duy mới của APEC về kinh tế và chính trị

Tờ "Thái Dương" ngày 27-11 đăng bài của bình luận viên thời sự Đài Truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong), Tiến sĩ Khâu Chấn Hải, nói rằng trong tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi và xuất phát từ yếu tố lợi ích, APEC ngày càng có tư duy mới về kinh tế và chính trị.

Trên thực tế, Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của APEC mỗi năm diễn ra một lần, có hai chức năng lớn về kinh tế và chính trị. Về kinh tế, điều tiết và hợp tác kinh tế đã trở thành chủ đề chính của Hội nghị lãnh đạo kinh tế APEC tại Hà Nội - VN lần này.

Mỗi kỳ hội nghị của APEC đều có một chủ đề nhất định được phát triển "theo hàng dọc", ví dụ: "Mục tiêu Bogor" tại hội nghị diễn ra vào năm 1994 ở Indonesia, "Lộ trình Busan" tại Hàn Quốc vào năm 2005 và "Chương trình Hành động Hà Nội" tại Việt Nam mới đây. Về chính trị, các nhà lãnh đạo đều lợi dụng cơ hội của hội nghị thượng đỉnh không chính thức để tiến hành các cuộc gặp song phương và đa phương để thảo luận một số vấn đề nóng trên thế giới.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao trùm cả ba khu vực Bắc Mỹ, châu Á và châu Đại Dương, trong khi giữa ba khu vực này, bất luận là về hình thái ý thức hay lợi ích chiến lược đều tồn tại xung đột hiện tại và tiềm tàng. Khu vực này có quốc gia chủ nghĩa tư bản số một thế giới, có một vài quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản, có xung đột lợi ích tiềm tàng giữa nước lớn và nước đang trỗi dậy, có nước lớn tạm thời bị suy yếu như Nga.

Trong tình hình phức tạp như vậy, chỉ có lợi ích về kinh tế và mậu dịch mới có thể duy trì được mối liên hệ giữa các bên, làm cho nhà lãnh đạo của các quốc gia này mỗi năm gặp nhau một lần tại một địa điểm đã được định sẵn. Do vậy, chỉ cần cơ chế này tồn tại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất khó có thể xảy ra cuộc chiến tranh với quy mô lớn.

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất, đồng thời cũng là khu vực tiêu thụ nhiều năng lượng nhất trên thế giới hiện nay. Ba quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới (gồm Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản) đều nằm ở khu vực này, đồng thời một số nước sản xuất năng lượng nhiều (như Nga và Australia) cũng nằm ở đây. Cách thức dung hòa mối quan hệ giữa các quốc gia tiêu thụ năng lượng và các quốc gia sản xuất năng lượng, đặc biệt là dung hòa nhu cầu của các quốc gia tiêu thụ năng lượng trở thành vấn đề đáng quan tâm của APEC.

Về vấn đề này, gần đây Trung Quốc cũng đã đưa ra ý tưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên thành lập một tổ chức giống như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để dung hòa sản xuất và tiêu dùng năng lượng trong khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa ra một số ý tưởng lớn về hợp tác năng lượng trong khu vực, trong đó bao gồm thăm dò và khai thác chung, tổng hợp thị trường tiêu dùng. Một số ý tưởng tích cực này có tính khả thi và tính hiện thực rất lớn.

Do vậy, trong tương lai, nếu APEC xúc tiến những ý tưởng này, đồng thời thành lập một ủy ban chuyên môn để nghiên cứu và thúc đẩy tiến trình, chắc chắn APEC sẽ đóng vai trò tích cực trong việc hóa giải xung đột lợi ích năng lượng giữa các nước như Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản hiện nay.

Mặc dù APEC hiện nay có hai chức năng lớn, nhưng trên thực tế chức năng kinh tế lại phục vụ chức năng chính trị, từ đó tạo ra cơ sở để hạn chế xung đột về chiến lược giữa các nước trong khu vực.

Theo TTXVN

Thu hút đầu tư thông qua APEC 2006:

Cơ hội lớn để quảng bá môi trường đầu tư Việt Nam

TTCT - Trong khuôn khổ tuần lễ cấp cao APEC 2006, các doanh nghiệp (DN) VN đã ký kết nhiều dự án hợp tác đầu tư trị giá khoảng 2 tỉ USD.

Đây là một trong những yếu tố, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, đã giúp kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm nay đạt mức cao nhất kể từ khi VN bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài. Trao đổi với TTCT về kết quả thu hút FDI năm nay cũng như kinh nghiệm xúc tiến đầu tư kết hợp với các sự kiện lớn do VN đăng cai tổ chức, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói:

- Nếu nói về những hoạt động gắn với Hội nghị cấp cao APEC 2006, có thể coi đây là một diễn đàn xúc tiến đầu tư rất lớn của VN.

* Bộ trưởng nhận định như vậy có phải vì trong tuần lễ này, chúng ta thu hút được thêm tới 2 tỉ USD vốn đầu tư?

- Không hẳn như vậy, bởi vì tuy 2 tỉ USD là con số lớn, nhưng để có được những dự án như vậy, chúng ta đã phải chuẩn bị rất nhiều, trong một khoảng thời gian tương đối dài chứ không phải các DN, các nhà đầu tư vừa đến VN là ký kết ngay được các dự án đó. Ví dụ như để Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN và Tập đoàn AES Transpower của Hoa Kỳ ký kết được dự án đầu tư Nhà máy điện Mông Dương 2, việc chuẩn bị đã phải tiến hành cả năm trời. Các dự án khác cũng vậy, để có được lễ ký kết, trao giấy phép đầu tư, công việc chuẩn bị đã phải tiến hành từ trước rất lâu rồi.

Điểm cơ bản, theo tôi, khiến có thể coi APEC 2006 là một diễn đàn xúc tiến đầu tư thuộc loại lớn nhất từ trước đến nay, đó chính là việc thông qua những hình ảnh về VN mà các DN thành viên của các nền kinh tế thuộc APEC trực tiếp chứng kiến khi họ tháp tùng lãnh đạo của mình đến VN thì hình ảnh VN như một môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn lại đã được quảng bá rộng rãi hơn, trực tiếp hơn đến cộng đồng DN, các nhà đầu tư.

Tháp tùng các vị lãnh đạo đến VN tham dự APEC đều là những nhà đầu tư, những tập đoàn rất lớn và theo tôi nghĩ, điều này cũng sẽ góp phần khiến làn sóng đầu tư mới vào VN càng lớn hơn, nhất là khi chính những nhà đầu tư, những tập đoàn này được giới thiệu trực tiếp, cụ thể về những cơ hội đầu tư tại VN. Ngay trong khuôn khổ Tuần lễ APEC, đã có hàng loạt dự án có giá trị lớn được ký kết. Điều này càng có sức thuyết phục, môi trường đầu tư hấp dẫn của VN càng tăng cao.

* Nhưng từ những kết quả thu được trong Tuần lễ cấp cao APEC 2006, hẳn Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng đã có những kinh nghiệm quí về việc tận dụng những sự kiện quốc tế tương tự để thu hút đầu tư vào VN, thưa bộ trưởng?

- Tất nhiên, những sự kiện quốc tế lớn mà VN đăng cai tổ chức sẽ là cơ hội để chúng ta quảng bá mạnh hơn, rộng rãi hơn về môi trường đầu tư của VN và để làm được điều đó, ngay từ khi xây dựng các chương trình liên quan, chúng ta phải tính toán sao để có thể giới thiệu tốt nhất hình ảnh VN với các nhà đầu tư, các DN tham gia.

Nhưng tôi phải nói rằng xúc tiến đầu tư là hoạt động phải tiến hành thường xuyên, không ngừng nghỉ, năm này qua năm khác chứ không phải chỉ cậy vào những dịp này. Bộ Kế hoạch - đầu tư đã từng tổ chức nhiều hội thảo về xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước. Một trong những kinh nghiệm quan trọng là phải biết kết hợp những hoạt động này với các chuyến đi thăm chính thức, các chuyến công tác của lãnh đạo cấp cao nhà nước VN, của Tổng bí thư, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ.

Ví dụ như tới đây, khi các đoàn lãnh đạo cấp cao của VN đi thăm các nước thành viên châu Âu thì Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng sẽ phải lên kế hoạch để tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ các chuyến đi này. Bên cạnh đó, khi tiến hành xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ những chuyến đi như vậy, chúng ta cũng phải “nhắm” vào những tập đoàn lớn, những nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, dịch vụ... Đấy sẽ là những nhà đầu tư có thể làm chuyển dịch cơ cấu đầu tư, đưa công nghệ hiện đại vào nước ta.

* Nhưng còn với những trường hợp VN là chủ nhà của các sự kiện lớn, vai trò và những đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực, ví dụ như những đề xuất, sáng kiến của VN về tự do hóa thương mại và đầu tư của APEC, cũng là những yếu tố để các nhà đầu tư đánh giá tốt hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh của VN để qua đó quyết định đầu tư vào VN, thưa bộ trưởng?

- Điều này là đương nhiên. Ví dụ như trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC lần này, những sáng kiến và khuyến nghị của Bộ Kế hoạch - đầu tư được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội và Tuyên bố của các bộ trưởng về tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DN nhỏ và vừa của các nền kinh tế APEC. Một trong những nội dung quan trọng của Tuyên bố Hà Nội chính là khuyến khích các thành viên APEC chia sẻ kinh nghiệm cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là các kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN nhỏ và vừa trong thương mại và đầu tư.

* Nhưng bên cạnh đó, thông qua các hội thảo xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ APEC 2006, Bộ Kế hoạch - đầu tư hẳn thấy rằng vẫn còn những vấn đề cần phải tiếp tục cải thiện hơn nữa thưa bộ trưởng?

- Cho đến nay, việc thông qua hàng loạt đạo luật để phù hợp với những cam kết của VN khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như Luật DN, Luật đầu tư, Luật chuyển giao công nghệ, những qui định về đầu tư, kinh doanh của VN đã khiến môi trường kinh doanh trở nên hấp dẫn hơn, thông thoáng và minh bạch hơn. Nhưng quả thật, vẫn còn không ít việc chúng ta phải nỗ lực.

Bên cạnh những ý kiến của các nhà đầu tư nêu ra, bản thân chúng tôi cũng đã nhìn nhận thấy rằng chúng ta còn phải cố gắng nhiều từ việc phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng cho đến đào tạo nguồn nhân lực. Phải tiếp tục tìm biện pháp để vừa rút ngắn những khoảng thời gian mà các nhà đầu tư phải chờ đợi, hạ thấp các chi phí liên quan đến sản xuất kinh doanh, ví dụ như chi phí vận tải, các thủ tục liên quan đến cấp chứng nhận đầu tư...

Đây là vấn đề mà Thủ tướng đã chỉ đạo phải thực hiện quyết liệt trong thời gian tới. Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ phải phối hợp với các bộ, ngành khác làm cho bằng được và đó cũng là những vấn đề mà tổ công tác thi hành Luật DN, Luật đầu tư đang triển khai rất gấp rút. Tôi nghĩ rằng trong năm tới, các bộ, ngành sẽ phải rất cố gắng để các nhà đầu tư không “chê” chúng ta nữa.

Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2006, một số dự án hợp tác đầu tư giữa các tập đoàn công nghiệp lớn của các nền kinh tế thành viên APEC với một số tập đoàn thương mại, đầu tư, dịch vụ của VN đã được ký kết với tổng giá trị lên đến 2 tỉ USD:

1. Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và công nghiệp VN và Phòng Thương mại Hoa Kỳ về việc tăng cường, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và phát triển quan hệ thương mại VN - Hoa Kỳ.

2. Dự án BOT về Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2: chi phí đầu tư 1,4 tỉ USD giữa Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN và Tập đoàn AES Transpower (Mỹ). Trong đó phía AES đóng góp 90% vốn và phía VN đóng góp 10% vốn.

3. Dự án hợp tác phát triển khu du lịch và sân golf giữa Công ty TNHH Thung Lũng Vua và Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) có giá trị 150 triệu USD.

4. Thỏa thuận hợp tác về việc cải tạo cảng Cái Lân giữa Vinalines và SSA Marine có giá trị 100 triệu USD.

5. Dự án thành lập công ty liên doanh giữa Tập đoàn Saigon Invest Group (VN) và VS Industry Berhad (Malaysia) và VS International Group Ltd (Hong Kong) với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Liên doanh này sẽ tập trung hoạt động trong các lĩnh vực như: xây dựng nhà máy điện tử công nghệ cao, sản xuất ôtô, xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại.

6. Hợp đồng vay vốn đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Sun Spa Resort giữa Công ty TNHH Trường Thịnh (Quảng Bình) với Công ty NRG (Mỹ) với giá trị là 15 triệu USD.

7. Hợp đồng phân phối các sản phẩm dùng cho động cơ ôtô VTV 24-7 giữa Công ty TNHH Trường Thịnh (Quảng Bình) với Công ty NRG (Mỹ) với giá trị 125 triệu USD.

8. Thỏa thuận hợp tác giữa Microsoft VN với Công ty điện toán và truyền số liệu VDC và Công ty cổ phần vô tuyến IP VN về hợp tác phát triển dự án cổng thông tin điện tử MSN VN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính VN Vũ Văn Ninh cũng trao giấy phép kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ cho Tập đoàn ACE và Tập đoàn Liberty Mutual.

Những việc cần làm ngay

TT - Hội nghị APEC 14 với sự tham dự của 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế và hơn 1.200 tổng giám đốc các quốc gia hàng đầu thế giới mang lại làn gió mát cho đất nước. Trở thành thành viên thứ 150 của WTO, chúng ta cần phải vững vàng trên đường hội nhập.

Biết cần phải làm như thế nào và ai làm công việc gì trong giai đoạn hiện nay rất khẩn trương. Nếu không, không những sẽ không phát huy tác dụng tích cực của việc tham gia hệ thống thương mại toàn cầu mà còn vấp phải những rủi ro kinh tế to lớn.

Doanh số xuất khẩu cả nước năm 2005 khoảng 32,23 tỉ USD. Trong đó, chủ yếu là hàng dệt may, giày, dầu thô, gạo, hải sản, cà phê, cao su và hàng thủ công mỹ nghệ. Hai thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ và EU. Năm 2005, chỉ tính riêng thương mại hai chiều Việt - Mỹ, VN đã thu thặng dư mậu dịch từ Mỹ được 5,44 tỉ USD, trong đó chủ yếu là hàng dệt may.

Mỹ là quốc gia đang bị thâm hụt mậu dịch lớn, đặc biệt với các nước châu Á. Năm nay, dự kiến con số thâm hụt mậu dịch của Mỹ lên đến 684 tỉ USD. Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng chiều hướng chính sách thương mại quốc tế của Mỹ sẽ chuyển hướng sang chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch nhiều hơn.

Christopher Colford, nhà tư vấn quan hệ đối ngoại, phân tích: “Việc từ chối của Hạ viện Mỹ về việc bình thường hóa quan hệ với VN rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy có một sự chuyển đổi như thế”.

Thông tấn xã Đức DPA nhận định “...thâm hụt mậu dịch với VN đã lóe lên lo lắng về sự bùng nổ kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, sẽ tạo ra một “tiểu Trung Quốc” lấp đầy thị phần và hút mất công việc sản xuất ở Mỹ”.

Với 12 năm phấn đấu để VN trở thành nước có nền kinh tế thị trường sau khi gia nhập WTO sẽ khiến các doanh nghiệp chúng ta vẫn phải đối mặt với thuế chống phá giá như từng xảy ra vụ cá da trơn, tôm với Mỹ và hàng giày da mới đây với EU.

Trước xu thế thương mại quốc tế đã phân tích ở trên, hơn bao giờ hết cán bộ nghiên cứu của các trường đại học, học viện, cùng cán bộ Chính phủ cần nghiên cứu và vận dụng luật lệ của WTO để tham mưu cho Nhà nước, doanh nghiệp.

Trước mắt, cần theo sát số liệu xuất nhập khẩu vào hai thị trường này để hỗ trợ doanh nghiệp điều tiết hoạt động thương mại, phòng tránh rủi ro thị trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải xây dựng chiến lược tổng quát cho từng khu vực thị trường và chiến lược riêng cho mỗi thị trường sản phẩm.

Là một quốc gia thuộc nhóm đang phát triển có thu nhập dưới 1.000 USD/người/năm, chúng ta có quyền áp đặt các biện pháp tự vệ khi bị các nước thành viên WTO khác bán phá giá. Chúng ta có quyền khiếu nại các thành viên khác. Ngoài ra, mặc dù trợ giá xuất khẩu phải chấm dứt, cũng cần sử dụng các công cụ thương mại sau biên giới để hỗ trợ phát triển, đầu tư kỹ thuật cho nhà nông, bộ phận được phán đoán chịu nhiều rủi ro nhất khi gia nhập WTO.

VÕ ĐẮC KHÔI

Chuyện từ các khách sạn năm sao

TT - Các đoàn khách tham dự APEC đã rời VN với những hình ảnh về một VN thân thiện, hiếu khách, cùng với đó là những tình cảm, kỷ niệm tốt đẹp lưu luyến.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm gặp những người lo chuyện “bếp núc” ở các khách sạn để ghi lại những câu chuyện “bây giờ mới kể”.

Tổng thống Bush: “hành tung bí ẩn”

Tổng thống Mỹ George W. Bush ăn hai bữa ở khách sạn Sheraton Hà Nội do các đầu bếp và nhân viên của khách sạn đảm trách, từ nấu nướng đến phục vụ. Bữa thứ nhất cùng với Thủ tướng Úc John Howard, hai ông dùng salad, thịt bò; bữa thứ hai với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: salad, cá và bánh tiramitsu.

Qua thực đơn giản dị này, đủ thấy lễ tân của Tổng thống Bush rất cẩn thận và tinh tế: Tổng thống Bush dùng thịt bò với đối tác Úc và cá với đối tác Nhật! Chị Nguyễn Hằng Nga, giám đốc đối ngoại khách sạn, cho biết trong lúc ăn uống ông Bush rất hay chuyện trò vui vẻ với mọi người.

Việc ra vào khách sạn Sheraton Hà Nội của đoàn Mỹ cũng thuộc kiểu “hành tung bí ẩn”. Ông Bush không bao giờ đi bằng cửa trước qua sảnh chính mà luôn dùng cửa sau và không báo trước cho khách sạn giờ giấc đi về của mình.

Tuy nhiên, mỗi lần ra vào khách sạn, ông Bush đều nhận được những cái vẫy tay chào của cánh taxi (tất nhiên là đang đỗ xe cách xa hàng chục mét) và ông đều vẫy tay đáp lại không ngừng. “Trái với hình ảnh lạnh lùng thường thấy trên các hãng truyền thông nước ngoài, ông Bush luôn tươi cười và tác phong rất thoải mái” - chị Nga nói.

 

Người thương binh tình nguyện tại khách sạn Hilton - Ảnh do kS Hilton cung cấp

Tình nguyện viên… đặc biệt

Có lẽ trong số ba đoàn khách Nga, Úc và New Zealand lưu trú tại khách sạn Hilton Hanoi Opera thì đoàn khách Nga đã có một yêu cầu đặc biệt nhất phát sinh trước 24 giờ đón phái đoàn Nga. Nguyên nhân bắt nguồn từ chiếc xe nặng 4 tấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Với thiết kế đặc biệt: thân xe dài và gầm xe thấp, nên chiếc xe sẽ chạm vào phần cản giảm tốc độ ngay ở lối vào hầm xe khách sạn. Chính vì thế khách sạn phải cấp tốc làm thêm một đường dài 4,5m, rộng 3,5m bằng cách dùng bốn thanh ray bằng sắt, bên trên đặt bốn tấm sắt mỗi tấm dày 12mm chồng lên nhau.

Điều đặc biệt ở chỗ người tình nguyện chở các tấm sắt này lại là một anh thương binh với chiếc xe ba bánh cũ kỹ.

Đoàn tháp tùng người Nga đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động khi nhìn thấy hình ảnh một người VN mộc mạc đang mang trên mình những vết thương do bom đạn của chiến tranh năm xưa nay lại góp phần xây dựng một hình ảnh VN hiếu khách và chu đáo cho APEC 14.

Khi được hỏi tên, người thương binh chỉ cười và trả lời giản dị: “Tôi là một người VN”.

Toàn bộ tầng cao nhất của khách sạn (tầng 18) dành riêng cho Tổng thống Bush và phu nhân cùng một số cận vệ. Toàn bộ tầng 12 của khách sạn được thiết lập thành một văn phòng di động của tổng thống và đoàn tháp tùng. Toàn bộ thiết bị văn phòng, thông tin liên lạc cho đoàn Mỹ ở tầng 12 đều được mang từ Mỹ sang và chính nhân viên của đoàn tự lắp đặt.

Những món khoái khẩu của các nguyên thủ

Để phục vụ các khách quí APEC, các khách sạn 5 sao ở Hà Nội đều trổ hết tài nấu nướng và nhận được những lời khen nồng nhiệt. Tại khách sạn Sofitel Metropole, nhân viên phục vụ nhận thấy Phó tổng thống Peru Luis Giampietri Rojas rất thích món gà hầm rượu vang.

Ông cũng được nhân viên ở đây ca ngợi là người nhân hậu, cởi mở và gần gũi. Tổng thống Chile M.Bachelet thì lại thích các món phở. Tổng thống Nga V.Putin rất khoái ăn hải sản, đặc biệt là món tôm hùm của khách sạn Hilton. Không có bữa nào mà ông Putin lại bỏ qua món này và luôn miệng khen ngon.

Đặc biệt, trong gala dinner dành cho 21 nhà lãnh đạo APEC và gần 1.000 đại biểu, nhiều yêu cầu về ăn kiêng, thay đổi nước xốt... đều được đáp ứng, khiến các vị khách rất ấn tượng trước sự phục vụ chu đáo của các nhân viên người VN.

Dịp này, nhiều nhà hàng “ngoài chương trình” cũng có cơ hội đón đợt khách APEC đông đảo. Tuy nhiên, tất cả thực khách đều đến ăn như những người khách bình thường, không hề có yêu cầu đột xuất nào về an ninh hay an toàn vệ sinh thực phẩm!

Nhà hàng Brother’s Café (từng đón nhiều vị khách nổi tiếng như cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan) phải hoạt động hết công suất để phục vụ các thực khách APEC. “Những món hết nhanh nhất là phở bò, bún riêu cua, bánh đúc, bánh cuốn Thanh Trì, các loại bánh Huế, bún dọc mùng...” - anh Nguyễn Đức Tuấn, quản lý nhà hàng, cho biết.

Các loại cà phê, trà, sinh tố hoa quả, bia (chủ yếu là Halida) của VN cũng dẫn đầu danh sách lựa chọn. Các thực khách đều ăn uống, trò chuyện rất thoải mái và thỏa mãn. Khi ra về, nhiều người còn lấy rất nhiều danh thiếp của nhà hàng để tiếp tục giới thiệu cho bạn bè.

Anh Tuấn nhận thấy ngoài việc thưởng thức các món ăn VN, các nhóm khách APEC cũng rất quan tâm đến kiến trúc của nhà hàng. Họ hỏi nhiều chi tiết về các hoa văn, cột, tượng... “Tôi thật sự cảm nhận được không khí của APEC lần này ở khía cạnh quảng bá văn hóa. Như những người làm dịch vụ khác, tôi rất tự hào vì được hòa chung vào thành công của APEC” - anh Tuấn tâm sự.

Quang gánh: món quà đặc biệt của VN

Có lẽ một trong những món quà đặc biệt nhất trong hành lý khi rời VN của các vị khách quí tham dự APEC là từ buổi tiệc chiêu đãi các ngoại trưởng tại khách sạn Daewoo của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm. Bữa đó, các vị khách đã ồ lên thú vị khi món ăn được mang ra trong một... đôi quang gánh nho nhỏ. Một bên gánh là nộm, nem, bún, bên còn lại là một chén nước mắm, trên đòn gánh treo toòng teng một chiếc nón Huế xinh xắn.

Các vị khách thưởng thức ngon lành món ăn bình dân của VN với những tiếng xuýt xoa khen ngon. Tan tiệc, không ai bảo ai, tất cả quan khách đều ngỏ ý... xin đôi quang gánh về làm kỷ niệm. Nhân viên phục vụ của khách sạn sung sướng nhìn các vị khách quí nâng niu món quà đặc biệt mang về. Chị Dương Thúy Hồng, một nhân viên khách sạn, kể: “Cả hai vị lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc ở Daewoo đều rất thân thiện và dễ gần. Để bày tỏ sự thân thiết và hài lòng khi ở đây, họ dành thời gian viết lưu bút vào sổ lưu bút của khách sạn dù lịch hoạt động của họ vô cùng sít sao”.

Thủ tướng Úc John Howard: “Tôi có ấn tượng rất tốt về đất nước thân thiện này”

TT - Sáng 20-11, tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Úc John Howard đã cắt băng khánh thành Nhà máy BlueScope Steel VN, dự án đầu tư lớn nhất của Úc tại VN tính đến thời điểm này.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng John Howard khẳng định đây là bằng chứng của sự hợp tác kinh tế ngày càng tăng giữa VN và Úc, đồng thời biểu dương Tập đoàn BlueScope Steel đã có tầm nhìn khi xây dựng nhà máy tại Phú Mỹ, dự án sẽ giúp thúc đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Úc và VN.

Thủ tướng John Howard cũng nhấn mạnh việc BlueScope Steel VN chính thức đưa vào hoạt động không chỉ là sự kiện quan trọng đối với Tập đoàn BlueScope Steel mà còn khẳng định chiến lược phát triển mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa Úc và VN. Nhà máy thép BlueScope Steel VN có tổng vốn đầu tư 101 triệu USD, với công suất thiết kế lên tới 125.000 tấn thép phẳng mạ kim loại và 50.000 tấn thép phẳng mạ màu mỗi năm. Ngoài Nhà máy thép BlueScope Steel VN tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Tập đoàn BlueScope Steel còn đầu tư hai dự án khác tại VN, một ở Đồng Nai và một ở Hà Tây.

Sau khi dự lễ và cắt băng khánh thành nhà máy, Thủ tướng Howard đã đến nghĩa trang Gò Cát của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để đặt vòng hoa và thắp hương tại đây. Ông còn tới khu Thập tự giá Long Tân ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tại đây ông đã có cuộc gặp gỡ và trao đổi thân tình với gần 20 cựu chiến binh Úc đến thăm địa điểm này. Phát biểu tại buổi nói chuyện, ông John Howard cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tới VN nhưng tôi có ấn tượng rất tốt về đất nước thân thiện này. Nơi đây có những triển vọng về kinh tế rất tốt cho tương lai”.

Nhận định đó cũng được Thủ tướng John Howard nhắc lại trong buổi nói chuyện với Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân. Ông bày tỏ sự ấn tượng của mình đối với sự phát triển mạnh mẽ và năng động của VN, bày tỏ mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước để đóng góp thêm vào sự phát triển trong tương lai của VN, trong đó có mối quan hệ hữu nghị giữa thanh niên hai nước.

Ông cũng cho rằng “sự phát triển trong 10 năm tới của thế giới sẽ dần chuyển từ khu vực Âu-Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương, nơi có hai nước VN và Úc” và cách tốt nhất cho phát triển là duy trì môi trường đầu tư mở và sẵn sàng đáp ứng các thách thức.

Bên cạnh việc phát triển quan hệ kinh tế, ông Howard cho rằng hai nước không nên quên phát triển quan hệ giữa người và người, xã hội và xã hội của cả hai, trong đó có mối quan hệ về hợp tác giáo dục. Về vấn đề này, ông Howard nhắc đến cộng đồng hơn 200.000 người Úc gốc Việt và 5.700 lưu học sinh VN đang học tập tại Úc như là một minh chứng sinh động. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cũng đồng ý quan điểm này và đề nghị Thủ tướng Howard tạo điều kiện cấp thêm nhiều học bổng nữa cho sinh viên VN.

Vào buổi chiều, Thủ tướng Howard đã tới dự lễ tốt nghiệp của các sinh viên đại học RMIT VN. Tại đây ông đã ca ngợi RMIT và cho rằng sinh viên chính là tương lai và hi vọng của VN cho “một vai trò đầy đủ và mạnh mẽ trong các vấn đề của khu vực”. Tại buổi lễ này ông Howard cũng trao phần thưởng sinh viên xuất sắc nhất trong khóa tốt nghiệp cho bạn Nguyễn Hữu Trí và nhận bằng lưu niệm từ Trường RMIT nhân dịp này.

Vào lúc 9g sáng nay (21-11) Thủ tướng John Howard sẽ lên chuyên cơ của Không lực hoàng gia Úc về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm của ông tới VN.

“Luật giới nghiêm” của cận vệ tổng thống Mỹ

TT - Lãnh đạo các nền kinh tế sang VN dự hội nghị APEC đều được tổ chức, đưa đón rất trọng thị bằng hệ thống xe, điều hành chính xác đến từng giây.

Tuy nhiên, với riêng đoàn Mỹ có ngoại lệ của họ và ngoại lệ này sau khi thỏa thuận với nước chủ nhà đã được chấp thuận một phần.

Các cận vệ tổng thống Mỹ thực thi các ngoại lệ này một cách triệt để. Bên lề Hội nghị APEC, Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với những cận vệ của Tổng thống Bush và nhiều chi tiết bây giờ mới kể...

Hai chiếc Cadillac o­ne giống nhau!

 

Ông Robert Quintin, người lái chiếc xe hộ tống Tổng thống Mỹ George Bush tại APEC 14. Ảnh: Phan Đăng

Trông đằng đằng sát khí như vậy nhưng khi bình thường, cận vệ tổng thống Mỹ cũng cởi mở lắm. Bằng chứng là khi phóng viên VN hỏi chuyện, ông Robert Quintin vui vẻ nhận lời và ngay lập tức tháo cặp kính đen to, nở nụ cười hiếm hoi trên gương mặt in hằn “luật giới nghiêm”!

Trước khi diễn ra hội nghị APEC, nhiều đoàn tiền trạm của Mỹ đã sang VN thương thảo. Điều này cũng giống như Mỹ từng làm với các nước mỗi khi có tổng thống viếng thăm và phần lớn họ được chấp nhận trong chừng mực nhất định.

Có nơi, khi tổng thống Mỹ đến còn kèm theo vài chiếc trực thăng quần thảo nơi tổng thống ở và làm việc, dưới đặt đạn pháo, xe thiết giáp yểm trợ... Trước đây, khi tổng thống Mỹ Clinton sang VN, các đoàn tiền trạm của họ cũng tất tưởi sang trước hằng tháng, thậm chí tới nửa năm.

Dạo đó, tổng thống Clinton là vị tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm VN kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao nên an ninh Mỹ không hiểu sự thể ở VN thế nào, thậm chí cuộc viếng thăm có lúc suýt bị hoãn vì an ninh Mỹ cho rằng VN không đáp ứng yêu cầu của họ, sẽ khó đảm bảo an toàn cho tổng thống.

Phía Mỹ còn đòi đưa sang VN máy bay trực thăng chiến đấu, muốn bay lòng vòng trên bầu trời khi tháp tùng tổng thống, đưa vũ khí, xe dã chiến và đội quân thiện xạ, cảnh sát dã chiến của Mỹ tới Hà Nội... Tuy nhiên, những đề nghị này không được chấp thuận, VN cam kết đảm bảo an ninh cho phía Mỹ và chỉ chấp thuận một số đề xuất phù hợp. Sau cuộc viếng thăm của tổng thống Clinton dạo đó, phía Mỹ đã thật sự ngạc nhiên về an ninh VN.

Lần này, phía Mỹ không quá lo ngại như trước nhưng họ vẫn giữ những nguyên tắc riêng biệt. Ban đầu phía Mỹ đề xuất được đưa sang VN một số loại vũ khí bảo vệ đặc biệt, xe chuyên dụng, lực lượng hộ tống rầm rộ và cả máy bay trực thăng. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận với chủ nhà VN, phía Mỹ đồng ý chỉ đưa sang một số loại xe chuyên dụng, trong đó có hai xe Cadillac o­ne đều gắn biển kiểm soát 800-002 để chở Tổng thống George W. Bush.

Ngoài khả năng chống đạn đặc biệt, loại xe này còn có thể vẫn “y nguyên” ngay cả khi bị va đụng lúc đang vận hành ở tốc độ trên 100km/giờ, đảm bảo an toàn cho người ngồi trong. Ngoài xe chở tổng thống, Mỹ còn đưa sang xe hộ tống cho lực lượng cảnh vệ. Theo nguyên tắc, khi có sự cố có thể đe dọa xe tổng thống, những chiếc xe cảnh vệ này sẽ làm “tường thành” bảo an.

Trong giờ nghỉ tại nơi đỗ xe của cận vệ Tổng thống Bush trưa 19-11, ông John Edwards - cận vệ thuộc loại bậc nhất của Tổng thống Bush - sau khi “loại” các vị khách hiếu kỳ đến xem xe tổng thống đã vui vẻ trò chuyện riêng với Tuổi Trẻ. Theo ông John Edwards, để được tuyển vào lực lượng cận vệ bảo vệ nguyên thủ ở Mỹ phải qua những lớp “thử lửa” cực kỳ khắt khe, có thể “hạ gục” nhanh đối phương bằng tay không. Nhưng quan trọng nhất là sự cảm tử, vì đã xác định cận vệ thì mọi tình huống có khả năng nguy hại họ đều sẵn sàng che chắn ngay lập tức. Những cận vệ to cao lừng lững, ước từng người cũng nặng trên 100kg, cao trên dưới 2m, tôi dù cố nhón chân vẫn chỉ quá ngực họ một chút.

Mỹ đưa sang trên 30 cận vệ tháp tùng Tổng thống Bush, trong đó có bốn cận vệ ngồi xe thùng chạy áp sát xe Cadillac o­ne. Trên đường phố Hà Nội, trong khi các đoàn khác sử dụng xe APEC thì đoàn Mỹ vẫn thể hiện sự “nổi trội” bằng cách riêng: hai chiếc Cadillac o­ne đều gắn biển 800-002 Washington D.C giống hệt nhau và hai xe này có thể đảo vị trí khi cần thiết, áp sát phía sau là xe 33R 453 đặc chủng có thể chống được cả súng trường. Chiếc xe này có thành dày trên 10cm, cao gần 3m, trên mỗi xe có bốn cảnh vệ thường trực. Khi lưu thông trên đường, xe cảnh vệ thường chạy ở vị trí thứ tư, thứ năm nhưng có thể bất ngờ tăng tốc chạy song song xe tổng thống. Tổng thống Mỹ có thể ngồi bất kỳ xe nào trong số hai xe Cadillac o­ne.

“Luật giới nghiêm”

Tất thảy số xe của Tổng thống Bush và đoàn tùy tùng được đỗ phía bên trái Trung tâm Hội nghị quốc gia, trong khi các xe APEC khác đỗ ở khu vực hầm ngầm.

Người Mỹ có nguyên tắc rất riêng và nguyên tắc này cũng được áp dụng tại APEC lần này. Đó là khi xe chở tổng thống dừng, lập tức hai cận vệ nhảy từ xe đi cạnh bước tới mở cửa. Việc mở cửa ở đâu cũng chỉ do cận vệ của chính người Mỹ chứ người nước khác không được đụng vào. Sự khác biệt này đã dẫn tới “sự cố” ngoại lệ khi một chiến sĩ công an VN đã mở cửa xe của Tổng thống Bush khiến hú còi báo động (cửa xe này không thể mở được do đã có sự điều chỉnh tự động từ xe cận vệ phía sau). Điều đáng tiếc là trước đó phía Mỹ không đề cập điều này với nước chủ nhà để có phương án xử lý.

Người lái chiếc xe hộ tống Tổng thống Bush là ông Robert Quintin, có vóc dáng to cao hơn cả cận vệ John Edwards. Theo ông Robert Quintin, tất cả những chiếc xe chở tổng thống hay tháp tùng tổng thống thì chỉ lực lượng đi cùng của Mỹ mới có thể “sờ” tới. Bất luận trong trường hợp nào, người khác không được “đụng tay”, dù chỉ để... chụp ảnh. Biết có sự khắt khe này, nhiều người có ý chụp ảnh cạnh xe tổng thống cũng chỉ dám đứng cách mép xe gang tay, tránh... đụng vào!

“Bảo vệ tổng thống Mỹ ra nước ngoài là tuân thủ luật giới nghiêm” - ông John Edwards nói.  Giờ giấc hoạt động đối với đội cận vệ Mỹ cũng hết sức khắt khe. Tuy nhiên, khi sang VN, số này đã luân phiên nhau nên thường chỉ có gần 10 cận vệ hoạt động trong cùng thời điểm, số còn lại vẫn nghỉ ngơi ở khách sạn Sheraton. Nom vóc dáng to cao lừng lững nhưng khẩu phần xem ra đơn giản, họ cũng chỉ nếm những thức ăn được mang từ Mỹ sang bằng máy bay mà không hề... “đụng hàng” với bất kỳ ai.

Khi hoạt động, hầu như cận vệ Mỹ đều đeo kính đen, gương mặt rất “ngầu” và nổi tiếng là... nóng nảy. Điều này đủ hiểu vì sao khi một nhân viên an ninh của VN mới chỉ mở cửa xe tổng thống mà lập tức cận vệ Mỹ đã bóp còi báo động inh ỏi ngay trước tòa nhà Trung tâm Hội nghị quốc gia. Khi trả lời điều này, ông Robert Quintin nói với Tuổi Trẻ, đó là... “luật giới nghiêm”!

TThủ tướng Nhật Bản SHINZO ABE thăm chính thức VN:

Hài lòng về sự hợp tác nhiều mặt VN - Nhật Bản

TT - Sáng 20-11, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhân dịp thủ tướng sang dự hội nghị APEC 14 và thăm chính thức VN.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh Thủ tướng Shinzo Abe, chính phủ và giới doanh nghiệp Nhật Bản có quyết định tăng cường đầu tư vào VN, giúp VN phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ cao.

Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ vui mừng đến thăm VN, tận mắt chứng kiến những thành tựu to lớn mà nhân dân VN giành được trong công cuộc đổi mới; đánh giá cao vai trò, uy tín của VN trong khu vực và trên trường quốc tế; chúc

mừng VN trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tổ chức thành công Hội nghị APEC 14. Thủ tướng Shinzo Abe cũng hài lòng về sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa VN và Nhật Bản, đặc biệt là về đầu tư, thương mại (xem bài trang 15).

Cũng trong sáng 20-11, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã tiếp và trao đổi ý kiến thân mật với Thủ tướng Shinzo Abe. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân VN luôn coi trọng và tiếp tục phấn đấu xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Nhật Bản, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định trên tinh thần hai bên đã thỏa thuận “Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”, phía Nhật Bản coi trọng tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với VN.

Chiều 20-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tiếp thân mật ông Fujio Mitarai - chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Nippon Keidanren), cùng các thành viên trong đoàn nhân dịp tháp tùng Thủ tướng Shinzo Abe thăm chính thức VN. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá Nippon Keidanren có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp VN, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đưa các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản vào VN.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mong muốn Nippon Keidanren sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan VN để đưa những cơ hội và tiềm năng đó trở thành hiện thực, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư kinh doanh của Nhật Bản vào VN, góp phần xây dựng quan hệ hai nước hướng tới quan hệ đối tác chiến lược trong thời gian tới.

Chiều 20-11, Thủ tướng Shinzo Abe đã rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức VN.

TTXVN

Dư luận thế giới: 

Hội nghị APEC-14 đã nâng hợp tác châu Á - Thái Bình Dương lên tầm cao mới

Tân Hoa xã (Trung Quốc) khẳng định với kết quả của Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 (APEC-14) tại Hà Nội, hợp tác châu Á - Thái Bình Dương đã được nâng thêm một cấp độ mới.

APEC-14 đã tập trung xây dựng một đại gia đình châu Á - Thái Bình Dương tràn đầy sức sống, phồn vinh và hài hòa hơn. Theo Tân Hoa xã, Hội nghị APEC-14 đã có những nỗ lực thiết thực, thúc đẩy việc khởi động lại vòng đàm phán Doha; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - công nghệ, duy trì phát triển bền vững và cải cách...

Bài báo kết luận: Kết quả phong phú của Hội nghị APEC-14 tại Hà Nội một lần nữa chứng tỏ APEC đã tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng APEC lớn mạnh hơn, năng động hơn và hài hòa hơn.

Trong khi đó, tờ "Dân tộc" (Thái Lan) ngày 20-11 cho rằng Hội nghị APEC đã tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận các vấn đề quốc tế cấp bách. Báo nêu rõ nước chủ nhà Việt Nam đã sử dụng hiệu quả diễn đàn này để thể hiện sự phát triển kinh tế nhanh chóng của mình cũng như vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗ lực đem lại sự thịnh vượng mới cho đất nước. Trở thành thành viên WTO, Việt Nam cũng khẳng định sẽ là một nền kinh tế mạnh và đầy tiềm năng.

Báo trên nhận định mặc dù Quốc hội Mỹ chưa thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam. Việt Nam hy vọng sẽ thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài.

Phóng viên TTXVN tại Lào cho biết báo chí nước này ngày 20-11 đồng loạt đăng ảnh và tin bế mạc Hội nghị APEC-14 tại Việt Nam; trích giới thiệu Tuyên bố Hà Nội và ca ngợi thành công của hội nghị.

Báo Pa-xa-xôn, Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào nêu rõ Hội nghị APEC-14 đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Bài báo nêu lên những thành quả hoạt động của APEC trong 17 năm qua, những kết quả của Hội nghị APEC-14; các cuộc tiếp xúc song phương và đa phương bên lề hội nghị...

Trong các bản tin thời sự hằng ngày, Đài Truyền hình Quốc gia Lào cũng đã liên tục cập nhật những hình ảnh và thông tin về hội nghị.

Các phương tiện thông tin đại chúng của Nhật ngày 20-11 đều đưa tin đậm nét về lễ bế mạc Hội nghị APEC-14, với hình ảnh các nhà lãnh đạo mặc trang phục truyền thống của Việt Nam và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc Tuyên bố Hà Nội.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân cũng trở thành tâm điểm của các báo. Báo Yomiuri và báo Nihon Keizai đăng trang trọng ảnh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bắt tay Thủ tướng Abe và cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Phóng viên hãng thông tấn Kyodo thường trú tại Hà Nội cũng đưa tin về cuộc hội đàm. Dư luận Nhật Bản nhận định rằng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abe sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư mới giữa hai nước.

Đài BBC đã đưa tin về cam kết của các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị APEC-14 trong nỗ lực khởi động lại vòng đàm phán thương mại Doha nhằm khai thông nền thương mại toàn cầu, thông qua việc dỡ bỏ hàng rào thương mại và yêu cầu chính phủ các nước phát triển tiếp tục giảm trợ cấp nông nghiệp. Theo BBC, Hội nghị APEC-14 hội tụ lãnh đạo của các nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, bởi vậy, tuyên bố của họ trong thông cáo chung đang mang lại hy vọng mới cho tương lai của vòng đàm Doha vốn đang bế tắc.

Theo TTXVN

Tổng thống Bush: "Ấn tượng về sự năng động của VN"

TTO - Sáng ngày 20-11, Tổng thống Mỹ George Bush đã có một chuyến thăm thành công với nhiều kỉ niệm đẹp tại TP.HCM.

Từ sáng sớm, các đơn vị làm công tác đảm bảo an ninh giao thông đã túc trực trên những tuyến đường mà đoàn xe của Tổng thống sẽ đi qua nhằm đảm bảo an toàn cao nhất.

Đúng 9 giờ, Tổng thống Bush có mặt tại thị trường chứng khoán TP.HCM trong tiếng vỗ tay chào đón của các nhân viên và cán bộ sàn giao dịch. Ông đã đánh ba tiếng kẻng tượng trưng để bắt đầu cho một ngày làm việc mới. Sau đó, Tổng thống đến gặp mặt, bắt tay và trò chuyện thân tình với các nhân viên ở sàn giao dịch.

Tại đây, Tổng thống Bush đã tham dự hội nghị bàn tròn với các doanh nghiệp VN và nước ngoài. Phía VN có năm DN tham gia, mỗi DN đại diện cho một nhóm ngành nghề tiêu biểu, gồm Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Tân Tạo; Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ FPT; Công ty cổ phần truyền thông Trí Việt; Công ty Cổ phần Xây dựng kiến trúc AA và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE.

Ông tỏ ra đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm tổ chức, thành lập doanh nghiệp ở VN, và cho biết rất ấn tượng trước sự phát triển của VN. Ông Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA nhận xét: "Tổng thống Bush rất thân thiện, vui vẻ, và quan tâm chân thành, khiến không khí vô cùng thoải mái".

Sau khi rời trung tâm thị trường chứng khoán, ông cùng phu nhân tham quan phòng thí nghiệm HIV và phòng thí nghiệm cúm gia cầm Viện Pasteur. Ông bày tỏ sự quan tâm đến việc VN có chia sẻ thông tin và mẫu bệnh phẩm cúm gia cầm với các tổ chức y tế thế giới hay không. Ông cũng cam kết sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho VN trong công tác phòng chống HIV/AIDS và cúm gia cầm.

Điểm đến cuối cùng trong chuyến thăm của Tổng thống là Bảo tàng lịch sử TP.HCM. Sau khi tham quan các hiện vật trưng bày trong bảo tàng, Tổng thống cùng phu nhân đã thưởng thức hai tiết mục văn nghệ múa lân sư rồng do công ty Hằng Anh Đường biểu diễn, và tiết mục múa trống cơm do các em thiếu nhi lớp múa Nhà hát giao hưởng TP biểu diễn.

Tổng thống tỏ ra rất thoải mái khi thưởng thức văn nghệ, thậm chí còn nhịp chân và gật gù theo điệu nhạc. Phu nhân cười tươi và cũng rất thích thú khi thấy các em bé VN kháu khỉnh trong trang phục áo tứ thân với những điệu múa thật dễ thương, tinh nghịch của bài Trống cơm.

Sau khi các tiết mục kết thúc, vợ chồng Tổng thống đã trò chuyện thân mật và chụp rất nhiều ảnh lưu niệm với các diễn viên. Sự thân thiện, gần gũi khiến mọi người quyến luyến không muốn rời. Chiếc xe chở vợ chồng Tổng thống rời bảo tàng trong tiếng vỗ tay chúc mừng và những lời nhắn gửi của các em thiếu nhi: "See you again" (Hẹn gặp lại!)

THANH TRÚC

Tổng thống Bush thăm thị trường chứng khoán TP.HCM

TTO - Đúng như lịch trình dự kiến tại TP.HCM, sáng nay, 20-11, Tổng thống Mỹ G.Bush đã đến thăm Trung tâm chứng khoán TP.HCM và tham dự cuộc gặp gỡ bàn tròn giữa doanh nghiệp VN và Mỹ.

M.P

Hội An sẽ là tên của "Tuyên bố về du lịch APEC 2006"

(LĐ) - Giữa tháng 10.2006, Hội nghị bộ trưởng du lịch APEC lần thứ tư sẽ diễn ra tại đô thị cổ Hội An, Quảng Nam. 21 bộ trưởng thành viên APEC sẽ ra một tuyên bố chung về du lịch, mang tên "Tuyên bố Hội An về du lịch APEC".

Một trong những lý do khiến Hội An được lọt vào "tầm ngắm" của ban tổ chức hội nghị còn bởi "Quảng Nam - một điểm đến hai di sản" là điểm nhấn của Năm du lịch quốc gia 2006 của VN.

B.Chương

Chào mừng hội nghị cấp cao apec

Dàn nhạc dân tộc Hàn Quốc biểu diễn mừng APEC

(LĐ) - 40 nghệ sĩ Hàn Quốc cùng dàn nhạc truyền thống hàng đầu tại Hàn Quốc sẽ có buổi biểu diễn âm nhạc đặc biệt chào mừng Hội nghị cấp cao APEC VN vào tối 3.11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Mở màn chương trình là tiết mục "Shinnaerim", mang ý nghĩa cầu chúc cho thành công của hội nghị. Chương trình do Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc, Cơ quan Thông tin Chính phủ Hàn Quốc... phối hợp tổ chức.

Tr.M (Theo VOV)

Ngoại trưởng Rice đến Hà Nội đúng vào sinh nhật thứ 52 của mình

Ngày 13.11, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice lên đường sang Việt Nam dự Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC trong 2 ngày 15-16.11 và tháp tùng Tổng thống George W. Bush thăm chính thức Việt Nam từ 17 đến 20.11.

Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Rice đến Việt Nam. Điều đặc biệt là bà đến Hà Nội đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 52.  Bà Rice sinh ngày 14.11.1954 tại Birmingham, bang Alabama.

(Theo Người Lao động

Chào mừng hội nghị cấp cao APEC

(LĐ) - Diễn tập phương án bảo vệ khách sạn phục vụ Hội nghị APEC 14. Chiều 28.10, tại khách sạn Sheraton, CA TP.Hà Nội tổ chức diễn tập phương án bảo vệ nơi ăn, nghỉ của đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao APEC 14.

Trong cuộc diễn tập này, CA Hà Nội triển khai lực lượng bảo vệ trên tuyến đường về khách sạn và triển khai lực lượng bảo vệ tuyệt đối an toàn khu vực KS Sheraton, nơi một bộ phận của đoàn Mỹ ở trong thời gian Hội nghị APEC 14.

Mục tiêu của buổi diễn tập là nhằm đánh giá khả năng tác chiến, phát huy tính cơ động chiến đấu của các lực lượng tham gia phương án bảo vệ. Lực lượng bảo vệ các khách sạn do Trung đoàn CSCĐ thành phố và Cục Cảnh sát bảo vệ đảm nhiệm. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các lực lượng diễn tập đã đáp ứng tốt các yêu cầu nghiệp vụ đề ra.  

B.L.T (Theo TTXVN

Thượng nghị sĩ Mỹ cấp cao Chuck Hagel thăm Việt Nam:

Chuẩn bị cho Hội nghị APEC và chuyến thăm của ông Bush

(LĐ) - Ngày 6.10 tại Hà Nội, Thượng nghị sĩ Chuck Hagel đã có nhiều cuộc gặp gỡ mà theo ông là "rất tốt" với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, các Bộ trưởng Quốc phòng...

Ngày 6.10 tại Hà Nội, Thượng nghị sĩ Chuck Hagel đã có nhiều cuộc gặp gỡ mà theo ông là "rất tốt" với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, các Bộ trưởng Quốc phòng, Tài chính, các nhóm tư nhân, các tổ chức hợp tác và Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham). 

Trao đổi với Lao Động, Thượng nghị sĩ Hagel cho biết: "Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề có mối quan tâm và lợi ích chung về thương mại, quan hệ quân sự, an ninh, chính trị, năng lượng... Gặp gỡ AmCham, tôi tập trung thảo luận các vấn đề thương mại, chủ yếu là việc bỏ phiếu Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với VN, việc VN gia nhập WTO...".  

Mỹ Hằng

Trung tâm Thông tin (TH)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video