Chuyện về một nữ bí thư chi bộ trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng

10/06/2010
“Cả đời tôi nguyện theo Đảng, Nhà nước, Bác Hồ! Tôi vinh dự, tự hào vì được gặp, trò chuyện, chụp ảnh với Bác. Hình ảnh Bác Hồ và những lời căn dặn của Bác luôn in đậm cho tâm trí tôi. Trong suốt 30 năm làm bí thư chi bộ và cho đến lúc trở về cuộc sống đời thường tôi luôn tích cực học tập và làm theo lời Bác Hồ căn dặn. Nhờ có Đảng, Bác Hồ, cuộc sống của gia đình tôi và bà con người Dao Nậm Đét đã đổi thay “có cơm ăn, áo mặc” không còn đói nữa…”.

Đó là lời tâm sự trước lúc chia tay chúng tôi của bà Triệu Mùi Pham - một phụ nữ người dân tộc Dao Đỏ, ở thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà (Lào Cai, ) nguyên Bí thư chi bộ xã Nậm Đét.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo người dân tộc Dao Đỏ ở thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét trong hoàn cảnh quê hương, đất nước chịu sự cai trị của chế độ thực dân Pháp và phong kiến, cuộc sống của gia đình bà Triệu Mùi Pham cũng như bao người nông dân khác hết sức khổ cực, vất vả. Sự kiện đánh dấu bước chuyển về nhận thức, tin Đảng, Chính phủ, Bác Hồ và tham gia cách mạng của bà Pham là vào một đêm cuối năm 1949, khi cán bộ và bộ đội ta bí mật về nhà bà Pham vận động cách mạng. Tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn song gia đình bà Pham đã ủng hộ 120kg gạo, 300kg thóc và vận động bà con người Dao Nậm Đét quyên góp ủng hộ lương thực cho cách mạng nuôi bộ đội về giải phóng quê hương. Cuối năm 1950, Lào Cai được giải phóng. Bà Pham được cử làm cán bộ phụ nữ xã.

 Ảnh minh họa
 Bà Pham hiện nay
Khoảng giữa 1954, tại huyện Bắc Hà, phỉ xuất hiện và hoạt động khá mạnh. Bọn này đều là những tên tay sai đắc lực của quân Pháp, được đào tạo kỹ về các thủ đoạn tiến hành hoạt động gián điệp, biệt kích. Thủ đoạn của chúng là tấn công chính quyền, bắt dân quân và thanh niên trong một số xã phải theo chúng lên rừng nhận vũ khí, chống lại cách mạng. Giữa lúc đó, đồng chí Lê Cam, ủy viên Ban cán sự Đảng Bắc Hà về xã giao nhiệm vụ cho bà Pham triệu tập ngay số chị em trong xã tới họp để giải thích chính sách dân tộc, chính sách đoàn kết và nhất là chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ, nói rõ âm mưu gây phỉ của địch, gợi lại những nỗi khổ của chị em phụ nữ người Dao, rồi giao nhiệm vụ cho chị em lên rừng vận động chồng con mang súng về hàng. Nhờ sự tuyên truyền, vận động khéo léo của bà Pham, cả 17 người trong đó có ông Lý Thừa Páo, chồng bà Pham bị ép theo Phỉ đã trở về vớicách mạng, mang tất cả súng đạn về nộp. Sau đó họ được khoan hồng trở về nhà đoàn tụ với giađình.

Tháng 5/1955, trong dịp tổng kết công tác tiễu phỉ miền Đông tỉnh Lào Cai tại huyện Bắc Hà, bà Triệu Mùi Pham được Ban Chỉ huy Mặt trận tiễu phỉ miền Đông tặng giấy khen. Đầu năm 1960, bà Triệu Mùi Pham được vinh dự kết nạp Đảng. Năm 1963, Chi bộ xã Nậm Đét thành lập, bà được bầu làm Bí thư. Năm 1966, bà Pham vinh dự được huyện, tỉnh cử đi họp Hội nghị "Đại biểu các bí thư chi bộ miền núi giỏi" tại Thủ đô Hà Nội 10 ngày, được gặp và nói chuyện với Bác Hồ, được cùng các đại biểu chụp ảnh chung với Bác. Năm nay đã bước vào tuổi 87, nhưng bà Pham vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc hạnh phúc ấy: “Lần đó Bác đã ân cần hỏi từng người, đến lượt tôi Bác hỏi cô ở đâu, ấp úng mãi tôi mới nói được mình ở xã Nậm Đét huyện Bắc Hà tỉnh Lào Cai mà, tôi thấy Bác cười rất trìu mến rồi Bác nói các cô, các chú phải cố gắng làm cho tốt”. Bà Pham tâm sự; “tôi nhớ mãi hình ảnh Bác Hồ, nhớ nhiều lắm. Bác rất quan tâm và thương đồng bào dân tộc chúng tôi ở vùng xa này. Hình ảnh in đậm trong tôi là Bác Hồ - vị Chủ tịch nước kính yêu mà ăn mặc rất giản dị, rất gần gũi với đồng bào. Bác dạy bảo chúng tôi về đạo đức làm người, tư cách của người đảng viên và nhất là tư cách của người Bí thư chi bộ, tôi ghi nhớ mãi lời dạy của Bác và tự hứa với chính mình là phải làm thật tốt nhiệm vụ của người đảng viên để phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số trên quê mình”.

 Ảnh minh họa

 Bà Pham tại hội nghị đại biểu các Bí thư chi bộ xã miền núi giỏi ở thủ đô Hà Nội năm 1966

 Những lời động viên của Bác Hồ đã tiếp thêm ý chí và nghị lực cho bà không ngừng học hỏi, luôn suy nghĩ phải lo cho dân, cho xã ổn định, ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành như lời Bác dạy. Trong thời gian bà Pham làm Bí thư chi bộ, từ năm 1963 đến năm 1993, các đoàn thể quần chúng và chính quyền đều hoạt động tốt, Chi bộ xã Nậm Đét nhiều năm đạt danh hiệu chi bộ 4 tốt. Không chỉ đóng góp công lao trong việc xây dựng, củng cố, phát triển chi bộ xã Nậm Đét vững mạnh, Bà Pham còn góp phần công sức giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực hạ huyện xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Bà đã có nhiều đề xuất với chi bộ, thống nhất với chính quyền xã bắt đầu bằng việc tìm nguồn nước, huy động dân làm mương máng dẫn nước, khai hoang ruộng bậc thang trồng lúa nước, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, … Đặc biệt, ngay từ năm 1975, bà đã góp phần cùng cấp uỷ Đảng và chính quyền xã xây dựng nghị quyết trồng quế và vận động nhân dân trong xã đồng lòng hưởng ứng. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cùng với chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư cho cây quế nên diện tích đã được mở rộng tại 7/7 thôn toàn xã. Đến nay toàn xã đã có trên 820 ha quế, trong đó gần 600 ha đang cho thu hoạch, riêng nhà bà có hơn 5 ha. Từ Nậm Đét, cây quế nhanh chóng phát triển, mở rộng diện tích lên 1.350 ha ở khu vực hạ huyện Bắc Hà. Nhờ trồng quế đã có nhiều hộ gia đình nông dân thoát nghèo, vươn lên có mức thu nhập ổn định, một số hộ gia đình đã giàu lên từ trồng quế, thu nhập 35 đến 50 triệu đồng/năm.

Trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, bà Triệu Mùi Pham thực sự là tấm gương sáng trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bài, ảnh; Tráng Xuân Cường

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video