Hội trên mặt trận chống "giặc dốt"

02/06/2010
Theo báo cáo của Hội LHPN TP.HCM, năm 2006 - 2009 TP.HCM đã thực hiện xóa mù chữ (XMC) cho 2.793 phụ nữ và trẻ em gái từ 15 – 40 tuổi (đạt 78,68%) và 2.182 chị được phổ cập giáo dục tiểu học (đạt 61,46%).Trong năm 2010, Thành Hội tiếp tục XMC cho 757 trẻ em gái và phụ nữ từ 15 - 40 tuổi, trong đó có 658 chị em được phổ cập giáo dục tiểu học. Sẽ không có được những kết quả trên nếu không có những người tình nguyện… cõng chữ.

Lớp học… đa hệ

19h00 ngày 12/5, chúng tôi có mặt tại một lớp học tình thương do chị Dương Thị Nguyệt (53 tuổi) – Phó Chủ tịch Hội LHPN P.14, Q.11 làm chủ nhiệm. Lớp học đủ mọi lứa tuổi, có người 18 - 19 tuổi, người thì 35 - 40 tuổi, cũng có người tóc đã lốm đốm hoa râm. Các trò tập đánh vần sách tiếng Việt lớp 1 cũng ồn ào, cũng ê a như trẻ con vậy. Chị Đàm Bội Vân, thợ làm lò nấu thủy tinh, bộc bạch: “Nhà nghèo quá, cha mẹ chạy ăn từng bữa còn không đủ, tiền đâu đi học”. Từ khi theo lớp học XMC, người phụ nữ hơn 50 tuổi này mới biết đọc, biết viết.

Vào các buổi tối thứ ba - năm - bảy hàng tuần, các học viên (từ 18 - 40 tuổi) của tổ 1, KP.1, P.13, Q.Bình Thạnh TP.HCM lại xúm xít bên nhau tập đọc, tập viết. Lớp học được mở năm 2009, đến nay đã có 11/11 chị ra lớp phổ cập và được công nhận, trong đó có bốn chị lớp 4, sáu chị lớp 5 và một chị lớp 6. Nhờ đó, phường, quận đã hoàn thành chỉ tiêu 100% công trình XMC trong năm.


Tương tự, tại P.3 (Q.Gò Vấp) cũng có bốn học viên (hai nam, hai nữ) được XMC; P.10 (Q.4) có tám chị bám lớp và bảy chị được dạy tại nhà; P. Tân Phú (Q.7) cũng đã có 58 chị được XMC (năm 2008), năm 2009 tiếp tục có thêm 10 chị học lớp sau XMC…

Cái khó ló cái khôn

Để  vận động học viên ra lớp là một công việc “trần ai” của các chị làm công tác XMC. Chị Nguyễn Thị Thu Lan - Phó chủ tịch Hội LHPN P.3, Q.Gò Vấp chia sẻ: “Đa phần học viên lớp XMC là dân lao động, ai thuê gì làm nấy, về nhà chỉ muốn ngủ, đâu ai muốn đi học. Tôi phải đến từng nhà động viên, nói ngọt nhạt có đủ. “Mưa dầm thấm lâu”, có khi cả tháng trời mới thuyết phục được họ”. Để thuận lợi cho học viên, thậm chí chị Lan còn đến từng nhà để dạy học.

Chị Thanh Nguyệt (Q.11) lại “linh động” việc dạy học bằng cách khác. Chị kết hợp đồng thời hai mô hình: “Cán bộ Hội đứng lớp XMC cho hội viên” và “Con dạy chữ cho mẹ”. Chị còn “chiêu dụ” bằng cách ra điều kiện, ai đọc được chữ, viết được tên mình… mới cho vay tiền buôn bán. Sợ mất nguồn vay không lãi này, các học viên lục tục kéo nhau tới đăng ký học. Ban đầu chỉ học lấy lệ, bây giờ thì... nghiện rồi, buổi nào không thấy cô giáo tới thì họ lại rủ nhau đi tìm cô.

Năm 2009, khi BCH Hội LHPN P.13, Q. Bình Thạnh rà soát trình độ dân cư, mới phát hiện 11 chị không biết chữ ở tổ 1, KP.1, P.13. Mỗi khi vay tiền hoặc làm gì mà cần ký tên, họ chỉ toàn gạch chữ thập hoặc lăn dấu tay. Thấy vậy, chị Lý Thị Đức - tổ trưởng PN quyết tâm “diệt giặc dốt” bằng cách tìm đến những chị không biết chữ, có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ họ được vay vốn làm kinh tế; rồi vận động họ tham gia học chữ. Cô giáo XMC này vui ra mặt khi nhắc đến việc học viên đã biết đọc, biết viết; hoặc ít nhất cũng viết được tên mình.

Và, để giúp các học viên yên tâm học tập XMC, Phường và Hội PN đã hỗ trợ từ sách, vở, bút, đến cả tặng học bổng, tặng đồng phục cho con em của các gia đình có người XMC; hỗ trợ vay vốn làm ăn…. Dẫu biết, vẫn còn rất nhiều chị trong phường, trong tổ vẫn chưa đọc thông viết thạo hoặc tái mù chữ; dẫu biết, con đường phía trước của việc XMC của các chị làm công tác này còn gặp nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn chưa bao giờ có ý định bỏ “giảng đường”…

Theo báo PN HCM

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video